TS Phạm Tấn Hạ đang tư vấn cho học sinh tỉnh Bình Định - Ảnh: TRẦN HUỲNH
Nhiều học sinh quan tâm đến ngành quan hệ quốc tế nhưng chưa biết rõ về ngành học này.
"Học quan hệ quốc tế là học về những gì? Tốt nghiệp ngành này sinh viên chỉ có thể vào làm việc ở Bộ Ngoại giao hay làm việc gì khác?" - Trần Minh Khôi, học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Cần (An Giang) thắc mắc.
Theo TS Phạm Tấn Hạ, phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), quan hệ quốc tế là ngành học hấp dẫn đang được rất nhiều bạn trẻ lựa chọn nên điểm chuẩn của ngành này những năm gần đây khá cao.
Đây là ngành học dành cho những người năng động và khả năng tiếng Anh phải rất tốt.
Đào tạo người làm công tác đối ngoại
Quan hệ quốc tế là một ngành khoa học mang tính liên ngành, nghiên cứu có hệ thống những quan hệ chính trị, kinh tế giữa chính phủ và con người ở các quốc gia trên thế giới, trên cơ sở so sánh những hệ thống kinh tế và chính trị khác nhau.
Bên cạnh những kiến thức căn bản (về lịch sử, địa lý, văn hóa - xã hội các nước), sinh viên ngành quan hệ quốc tế sẽ được học cách phân tích khái niệm và ý tưởng để có thể hệ thống, giải thích, hiểu, phân tích và so sánh được mối quan hệ giữa các quốc gia.
Bất kỳ cơ quan, tổ chức nào dù đó là cơ quan nhà nước, tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp tư nhân… cũng đều cần có người làm công tác đối ngoại. Ngành quan hệ quốc tế đào tạo người làm công tác đối ngoại.
Mảng kiến thức sinh viên phải có là kiến thức về quốc tế (kinh tế quốc tế, luật quốc tế, lịch sử…), kỹ năng đàm phán, ngoại giao và quan trọng nhất là tiếng Anh chuyên ngành quan hệ quốc tế.
Chuẩn đầu ra của sinh viên khi tốt nghiệp ngành này: đạt được sự hiểu biết nhất định về những vấn đề toàn cầu, về quan hệ quốc tế đương đại trong các lĩnh vực: chính trị - ngoại giao, kinh tế quốc tế, luật pháp quốc tế, đồng thời bảo đảm đạt được trình độ tiếng Anh chuyên nghiệp (tiếng Anh: TOEFL 60, IELTS 5.5, VNU-EPT 8 - B1.4, TOEIC (nghe, đọc: 600, nói, viết: 250).
"Sinh viên ngành quan hệ quốc tế có lợi thế lớn là có năng lực tiếng Anh cực tốt. Họ sử dụng tiếng Anh như phương tiện để làm việc, bên cạnh các kiến thức được đào tạo", thầy Hạ cho biết.
Bên cạnh những kỹ năng cơ bản như kỹ năng viết và thuyết trình, sử dụng thuần thục các phương tiện công nghệ thông tin và truyền thông cho công việc, kỹ năng làm việc độc lập, sinh viên còn được rèn luyện khả năng lãnh đạo, lên kế hoạch và quản lý thời gian;
Khả năng giao tiếp hiệu quả, hợp tác tốt để đạt mục đích chung thông qua làm việc nhóm; xây dựng các tố chất cơ bản của công dân toàn cầu như ý thức phục vụ cộng đồng, tuân thủ pháp luật, phẩm chất tự tin, độc lập, tiên phong và hội nhập.
50% sinh viên tốt nghiệp ngành quan hệ quốc tế làm truyền thông
ThS Trần Nam, trưởng phòng truyền thông và tổ chức sự kiện Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết thêm sinh viên quan hệ quốc tế sẽ có rất nhiều cơ hội nghề nghiệp tương lai trong các lĩnh vực liên quan đến chính phủ, luật pháp, kinh doanh, truyền thông, giáo dục, các tổ chức quốc tế…
Tuy nhiên, theo các chuyên gia hướng nghiệp, sinh viên ngành quan hệ quốc tế cần lưu ý một số công việc trên yêu cầu phải được đào tạo thêm về chuyên môn sau khi tốt nghiệp.
"Như vậy, bằng cử nhân quan hệ quốc tế chỉ nên coi như một chứng nhận sinh viên đã nắm được phương pháp luận và kiến thức cơ bản của nhiều lĩnh vực khác nhau; từ đó, sinh viên có thể phát triển tiếp những lĩnh vực mà mình quan tâm nhất, hơn là coi nó như một tấm bằng để đi làm ngay", ông Nam nói.
Cử nhân quan hệ quốc tế có thể làm việc trong các cơ quan ngoại giao, từ Bộ Ngoại giao đến các đại sứ quán hoặc các văn phòng lãnh sự hoặc các đại diện thương mại của Việt Nam ở nước ngoài; làm việc tại các đại sứ quán hoặc văn phòng lãnh sự nước ngoài tại Việt Nam; làm đại diện cho các công ty, tập đoàn VN ở nước ngoài hoặc các tập đoàn, công ty nước ngoài tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể trở thành nhân viên quan hệ công chúng (PR) hoặc có thể công tác tại các phòng ban trong các trường đại học về quan hệ quốc tế, đối ngoại hoặc hợp tác quốc tế và tại các ban quản lý các dự án quốc tế.
"Thực tế, sinh viên tốt nghiệp ngành quan hệ quốc tế ra trường rất nhiều người làm việc trong lĩnh vực truyền thông. Qua khảo sát việc làm sinh viên tốt nghiệp có gần 50% sinh viên ngành quan hệ quốc tế làm việc trong lĩnh vực truyền thông", TS Hạ cho hay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận