06/12/2018 14:54 GMT+7

Nhiều cơ hội thúc đẩy năng lượng tái tạo ở Việt Nam

NGỌC HIỂN
NGỌC HIỂN

TTO - Nhiều giải pháp thiết thực thúc đẩy sự phát triển năng lượng tái tạo đã được các chuyên gia đưa ra tại buổi tọa đàm "Thúc đẩy năng lượng tái tạo ở Việt Nam" diễn ra ở tòa soạn báo Tuổi Trẻ sáng 6-12.

Nhiều cơ hội thúc đẩy năng lượng tái tạo ở Việt Nam - Ảnh 1.

Buổi tọa đàm Thúc đẩy năng lượng tái tạo tại VN do báo Tuổi Trẻ tổ chức ngày 6-12 diễn ra sôi nổi với nhiều ý kiến tâm huyết của các chuyên gia - Ảnh: Hoàng Đông

Tại buổi tọa đàm, nhiều khó khăn, vướng mắc trong thủ tục đầu tư cũng như về mặt chính sách, về giá và lo ngại ảnh hưởng môi trường của quá trình sản xuất năng lượng tái tạo đã được các chuyên gia bàn luận sôi nổi.

Khuyến khích phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo

Mở đầu buổi tọa đàm, ông Lê Văn Lực, phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo - Bộ Công thương, đã đưa ra những con số thống kê cho thấy nhu cầu sử dụng điện trong nước tăng liên tục trong những năm vừa qua. Cụ thể, nhu cầu sử dụng điện luôn tăng ở mức trên 10% trong 3 năm gần đây. Dự kiến trong những năm tiếp theo, nhu cầu sử dụng năng lượng nói chung và nhu cầu sử dụng điện tại VN sẽ tiếp tục tăng lên. 

Nhiều cơ hội thúc đẩy năng lượng tái tạo ở Việt Nam - Ảnh 2.

Ông Lê Văn Lực, phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo - Bộ Công thương, phát biểu tại buổi tọa đàm - Ảnh: HOÀNG ĐÔNG

Chính phủ đã có quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo, tuy nhiên với tình hình thực tiễn thì việc việc phát triển năng lượng trong tương lai như quy hoạch đến năm 2030 sẽ là một thách thức lớn. Theo ông Lực, VN là quốc gia có tiềm năng lớn để phát triển năng lượng tái tạo bởi gần xích đạo và có bờ biển dài thuận lợi để phát triển điện mặt trời và điện gió. 

Ông Lê Văn Lực - phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Bộ Công thương, phát biểu tại tọa đàm - Video: ĐAN THUẦN

Do đó, việc sử dụng năng lượng tái tạo đã được Chính phủ khuyến khích phát triển bằng nhiều chính sách, ưu đãi cho các nhà đầu tư. Điều này dẫn đến thời gian vừa qua, điện mặt trời là một trong những năng lượng tái tạo phát triển "nóng" với nhiều dự án đăng ký đầu tư. Tuy nhiên, việc phát triển năng lượng tái tạo đang gặp những khó khăn đến việc đền bù, giải phóng mặt bằng, đấu nối lưới điện quốc gia… Do đó, ông Lực dự báo khả năng phát triển của các dự án năng lượng tái tạo chỉ đạt được khoảng 60%.

Nói về sự mặt hạn chế của các loại năng lượng tái tạo, ông Nguyễn Đức Cường, giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống Điện quốc gia (thuộc EVN) cho biết các loại năng lượng tái tạo là nguồn năng lượng không ổn định bởi hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên. "Năng lượng gió và năng lượng mặt trời phụ thuộc vào thiên nhiên, chỉ cần một đám mây đi qua là công suất sụt giảm ngay lập tức, do đó cần phải có những nguồn dự phòng thay thế" – ông Cường nói.

Nhiều cơ hội thúc đẩy năng lượng tái tạo ở Việt Nam - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Đức Cường, giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống Điện quốc gia (thuộc EVN) cho rằng các loại năng lượng tái tạo là nguồn năng lượng không ổn định bởi hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên - Ảnh: HOÀNG ĐÔNG

Dẫn chứng từ các quốc gia Tây Âu đã đi trước trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, ông Cường cho biết các quốc gia này phải đầu tư nguồn điện dự phòng khi các nguồn điện từ năng lượng tái tạo không đáp ứng đủ nhu cầu.

Thực trạng phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam - Video: TVO

Dù khó vẫn phải làm

Đại diện cho các nhà đầu tư năng lượng tái tạo VN, ông Nguyễn Hồ Nam, chủ tịch tập đoàn Bamboo Capital (BCG), cho biết đang đầu tư mạnh vào lĩnh vực năng lượng mặt trời tại nhiều địa phương. Theo ông Nam, việc phát triển công nghệ đã kéo giảm chi phí đầu tư, tạo nên sự cạnh tranh hơn trong việc đầu tư vào lĩnh vực năng lượng. 

Nhiều cơ hội thúc đẩy năng lượng tái tạo ở Việt Nam - Ảnh 6.

Ông Nguyễn Hồ Nam, chủ tịch tập đoàn Bamboo Capital (BCG) chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp khi đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo - Ảnh: HOÀNG ĐÔNG

Tuy nhiên, các nhà đầu tư hiện nay vẫn gặp rất nhiều những vướng mắc. Do đó, ông Nam cho rằng việc nhiều doanh nghiệp đăng ký đầu tư nhưng chỉ 50% doanh nghiệp có thể triển khai được dự án bởi thủ tục đầu tư khó khăn và tồn tại nhiều rủi ro. Ngoài ra, việc đền bù, giải phóng mặt bằng rất phức tạp, tốn nhiều nhiều chi phí phát sinh. 

Bên cạnh đó, chi phí để đầu tư vào việc truyền tải điện năng cũng rất tốn kém và khó khăn khi có dự án phải đầu tư thêm lưới điện truyền tải dài đến 30km.  

Ngay cả việc vốn đầu tư cũng vướng quy định nên các ngân hàng nước ngoài dù rất muốn tài trợ nhưng không thể tham gia, buộc lòng các nhà đầu tư phải vay vốn các ngân hàng trong nước với lãi suất cao. "Chúng tôi quyết tâm triển khai các dự án để đi vào hoạt động đúng tiến độ dù có rất nhiều khó khăn, đặc biệt là công tác đền bù giải tỏa mặt bằng" – ông Nam khẳng định.

Nhiều cơ hội thúc đẩy năng lượng tái tạo ở Việt Nam - Ảnh 7.

Đại diện Sở Công thương tỉnh Long An Dương Văn Hoàng Hoanh phát biểu tại buổi tọa đàm - Ảnh: HOÀNG ĐÔNG

Tương tự, ông Dương Văn Hoàng Hoanh , phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Long An - cũng cho rằng việc giải phóng mặt bằng để xây dựng các nhà máy phát triển năng lượng tái tạo cũng như đường dây truyền tải điện năng rất khó khăn bởi ảnh hưởng đến quyền lợi người dân dù người dân vẫn đồng tình chủ trương. Do đó, ông Hoanh đề xuất các cơ quan chức năng nên nghiên cứu để đơn giải hóa việc đấu nối, truyền tải điện năng để đảm bảo tiến độ cũng như thuận lợi cho nhà đầu tư, địa phương lẫn người dân.

Nhiều cơ hội thúc đẩy năng lượng tái tạo ở Việt Nam - Ảnh 8.

Nhà báo Trần Xuân Toàn - Uỷ viên ban biên tập báo Tuổi Trẻ - tặng hoa cảm ơn các chuyên gia, khách mời tham dự buổi tọa đàm - Ảnh: HOÀNG ĐÔNG

Sẽ thay đổi mức giá mua điện

Ông Lê Văn Lực, phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, cho biết tới đây sẽ có sự điều chỉnh về mức gia mua điện từ năng lượng tại tạo. Theo đó, đối với những khu vực có cường độ bức xạ khác nhau, chi phí đầu tư khác nhau, năng lực phát điện khác nhau nên nếu tính đồng giá sẽ gây nên những sự chênh lệch. Do đó, các cơ quan chức năng sẽ có những đề xuất để điều chỉnh với xu hướng là sẽ giảm giá sao với quy định. Phân biệt theo từng vùng, vùng có cường độ bức xạ khác nhau sẽ có những mức gia mua điện khác nhau.

Khuyến khích người dân lắp đặt điện mặt trời

hd_toadam_nangluongtaitao (26)

Ông Nguyễn Văn Lý, phó tổng giám đốc Tổng Công ty điện lực TP.HCM, phát biểu tại tọa đàm - Ảnh: HOÀNG ĐÔNG

Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Văn Lý, phó tổng giám đốc Tổng Công ty điện lực TP.HCM, cho biết hiện nay có khoảng 10% hộ dân tại TP.HCM, tức khoảng 200.000 mái nhà có thể lắp đặt điện áp mái. Phía điện lực TP.HCM đã khảo sát 10 nhà cung cấp uy tín, có năng lực để người dân có thể liên hệ lắp đặt điện áp mái. Theo ông Lý, các thủ tục lắp đặt hiện nay rất đơn giản, người dân chỉ cần liên hệ vào trung tâm chăm sóc khách hàng hoặc thông qua các nhà cung cấp đã được công bố trên website của công ty. Người dân có nhu cầu có thể liên hệ điện lực qua đường dây chăm sóc khách hàng, điện lực sẽ khảo sát, xúc tiến ký kết hợp đồng và lắp đặt côngtơ hai chiều.

NGỌC HIỂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên