Trong đời sống ấy có nhiều nỗi cô đơn và dường như rất ít hạnh phúc.
Hoặc có lẽ họ chưa định nghĩa được hạnh phúc. Cứ thế họ mải miết đi tìm như tìm con thú vô hình thất lạc.
Truyện đầu tập là Con chó chết, mở ra bằng: "Hôm nay con chó chết. Con chó của Tuấn, giống Samoyed, hai tuổi rưỡi, giới tính đực, nặng hai mươi lăm kilogram, tên Pate".
Đoạn trên như thể thông báo cho độc giả sắp bước vào thế giới của những kẻ bên lề, xa lạ với cuộc sống và xa lạ với chính mình. Những người trẻ băn khoăn trước lẽ hiện sinh.
Không ngạc nhiên khi trong số các truyện trong tập này có một truyện lấy tên ca khúc nổi tiếng của Lê Uyên Phương - Vũng lầy của chúng ta.
Trong thế giới của những người trẻ do Trần Lam Vy dựng lên không bao giờ thiếu âm nhạc, những cuốn sách, rượu và thuốc... một thế giới u hoài nơi các nhân vật dành lòng luyến lưu cho một thời đã qua, thứ dĩ vãng như được ướp hương rượu lúc nào cũng dễ làm người ta say.
Dẫu vậy, ẩn dưới vẻ mệt mỏi đã thành thường trực, tuổi trẻ trong tập sách này lại không gợi lên sự chán chường.
Họ vẫn đi làm, vẫn có một công việc đủ cho những nhu cầu thường ngày. Nhưng trong câu chuyện của họ, ta không thấy tương lai, lúc nào cũng như một cái ngoái lại nhưng để trông điều gì thì không rõ.
"Tuổi trẻ thật tuyệt, và chị cũng muốn trẻ lại ba mươi tuổi, và xinh đẹp, và phải phải di chuyển nhiều vì công việc" (truyện Vũng lầy của chúng ta). Ba chữ "và" cho thấy những yêu cầu sống hàng đầu.
Vừa là ba ước mơ mà người ta theo đuổi nhưng biết rằng rất khó để có tất cả cùng một lúc. Xê dịch đối với họ là một trạng thái sống, đối nghịch với cái tù đọng của trạng thái "vũng lầy".
Như nhân vật đang quyết tâm cai rượu trong truyện ngắn Cá mòi sau hồi quẩn quanh trong nhà hệt con cá mòi trong hộp đã quyết định thay đồ, ra khỏi nhà, đi... mua bia.
Họ như sống trong một siêu đô thị vô biên không ngừng tan loãng ra. Rất có khả năng chàng trai trong truyện ngắn này từng ngồi sau cô gái của truyện ngắn khác trên cùng chuyến xe buýt. Hoặc họ từng ngồi cạnh nhau mà không biết. Hoặc đã tình cờ lướt qua nhau ở một ngã tư.
Bởi vậy tuy được định danh là tập truyện ngắn, ta vẫn thấy sự thống nhất từ đầu đến cuối như một thước phim xuyên suốt không có nhân vật chính, chỉ có những con người xuất hiện rồi biến mất trong cái bao la, cứ lặp đi lặp lại.
Điều này giống như tên của tập sách, vốn không đặt theo bất kỳ truyện nào trong tập. Nghĩ như vậy, ta nhận ra tuy chỉ là một tập sách mỏng nhưng có cảm tưởng như đọc xong hết 10 truyện ngắn rồi mà Nhiều buổi chiều và nhiều buổi tối vẫn chưa kết thúc.
Trần Lam Vy, ngoài ba mươi, học văn ở Hà Nội, hiện sống ở Cần Thơ.
Cuộc xê dịch ra Bắc vào Nam đó không lưu lại dấu vết lên không gian sống của các nhân vật trong Nhiều buổi chiều và nhiều buổi tối.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận