21/03/2022 05:59 GMT+7

Nhiều bệnh nhân tổn thương mắt sau dịch COVID-19

THU HIẾN
THU HIẾN

TTO - Nhiều người F0, hậu COVID-19 cho biết ở họ xảy ra hiện tượng mắt đỏ, đau nhức mắt, mỏi mắt, chảy nước mắt, bệnh về mắt...

Nhiều bệnh nhân tổn thương mắt sau dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Bệnh nhân mắc các bệnh về mắt sau dịch COVID-19 - Ảnh: M.T.

Theo các bác sĩ, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra những bệnh lý nguy hiểm, thậm chí có thể gây mất thị lực vĩnh viễn.

Lo ảnh hưởng thị lực

Chị C.H. (35 tuổi, Gò Vấp) cho biết khi mắc COVID-19 chị thường xuyên có hiện tượng đỏ mắt khi sốt. Tuy nhiên, sau khi có kết quả âm tính 1 tuần, hiện tượng mắt đỏ cũng không hết, ngoài ra còn có cả triệu chứng đau nhức mắt, thậm chí nhìn mờ, đặc biệt là khi lái xe. Chị H. lo lắng việc đỏ mắt sẽ ảnh hưởng đến thị lực.

Nhiều bệnh nhân mắc COVID-19 cho biết gặp phải các triệu chứng về mắt như đỏ mắt, chảy nước mắt... trong đó thường gặp nhất là viêm kết giác mạc.

Không chỉ những bệnh nhân mắc COVID-19, mới đây Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho biết đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp bệnh nhân đến khám mắt sau dịch COVID-19, chủ yếu là bệnh khô mắt và rối loạn điều tiết.

Cụ thể, bệnh nhân nữ N.T. (25 tuổi, TP.HCM), đa số thời gian làm việc văn phòng tại nhà, sử dụng máy vi tính trên 8 giờ/ngày, sau khi thấy mình có các triệu chứng như thường xuyên mỏi và nhức mắt, chị N.T. liền đến bệnh viện thăm khám.

Các bác sĩ chẩn đoán chị T. bị viêm giác mạc chấm nông, khô mắt, rối loạn điều tiết. Bệnh nhân được điều tiết bằng nước mắt nhân tạo, hướng dẫn vệ sinh thị giác.

Tương tự, một bệnh nhi là bé H.L. (7 tuổi) cũng đến bệnh viện thăm khám vì thường xuyên than nhức đầu, đồng thời khi xem tivi hay nheo mắt. Trước đó, gia đình đã đưa bé L. khám và chụp cộng hưởng từ MRI nhưng không tìm ra bệnh.

Qua khai thác bệnh sử cho thấy bé nghỉ học dài ngày ở nhà do dịch, thường xuyên sử dụng điện thoại để chơi game. Tuy các bác sĩ không tìm thấy tổn thương, nhưng đo khúc xạ phát hiện cận 2 độ. Bệnh nhi được điều trị bằng cách hạn chế tối đa việc sử dụng thiết bị điện tử, trừ việc học, đo độ khúc xạ sau mỗi 3 tháng.

Thế giới đã có nghiên cứu

Bác sĩ CKII Nguyễn Thành Luân - khoa mắt Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM - cho biết tại Việt Nam hiện chưa có nghiên cứu ảnh hưởng COVID-19 lên mắt người, nhưng thế giới đã có. Một nghiên cứu phân tích gộp của tác giả Naser Nasiri (Viện Nghiên cứu tương lai về sức khỏe) và cộng sự năm 2021, dựa trên 38 nghiên cứu trước đó, với tổng số bệnh nhân COVID-19 là 8.219 (phần lớn là nữ giới từ 7 - 65 tuổi). Kết quả cho thấy tỉ lệ số bệnh nhân COVID-19 có biểu hiện ở mắt là 11,3%, điều này có nghĩa cứ 10 bệnh nhân COVID-19 thì sẽ có 1 người có vấn đề về mắt.

Các bệnh lý mắt cụ thể là: khô mắt/cộm xốn (16%), đỏ mắt (13,3%), chảy nước mắt sống (12,8%), nhiều nhất là viêm kết mạc cấp (88,8%).

Ở bệnh nhân hậu COVID-19 cho thấy chủ yếu là các bệnh lý mắt có liên quan rối loạn đông máu, rối loạn thần kinh. Đỏ mắt là một biểu hiện thường gặp ở bệnh nhân hậu COVID-19, trong đó 89% là viêm kết mạc.

Tuy nhiên, bệnh nhân phải được thăm khám bởi bác sĩ chuyên khoa mắt, vì còn nhiều bệnh lý mắt khác nguy hiểm hơn cũng có cùng biểu hiện đỏ mắt, ví dụ như viêm màng bồ đào, viêm thượng củng mạc, viêm củng mạc, viêm tổ chức hốc mắt... nếu không điều trị kịp thời có thể sẽ mất thị lực vĩnh viễn.

Một số nghiên cứu cho thấy nhiễm COVID-19 có thể làm biến đổi tình trạng các vi mạch võng mạc theo chiều hướng xấu đi. Nếu bệnh nhân COVID-19 hoặc hậu COVID-19 có biểu hiện mờ mắt, phải đi khám ngay vì bệnh vi mạch võng mạc rất khó điều trị.

Bác sĩ Nguyễn An Pháp cũng cho biết ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhiều người tiếp xúc với các thiết bị máy tính dẫn đến mắc phải hội chứng thị giác màn hình. Đây là bệnh lý về mắt nghiêm trọng dễ mắc phải hiện nay khi tỉ lệ người sử dụng máy tính, điện thoại ngày càng tăng nhanh, phổ biến nhất là những người làm việc văn phòng và phải tiếp xúc với màn hình máy tính ít nhất 8 tiếng mỗi ngày.

Người lớn đi làm không phải là nhóm duy nhất bị ảnh hưởng. Trẻ em nhìn chằm chằm vào máy tính bảng hoặc sử dụng máy tính trong ngày ở trường cũng có thể gặp vấn đề, đặc biệt là nếu ánh sáng và tư thế kém lý tưởng.

Một số biểu hiện đầu tiên của hội chứng thị giác màn hình đó: là nhìn mờ, khô mắt, nhức đầu, nhìn đôi, đau vai, cổ gáy. Hội chứng thị giác màn hình nếu để lâu không khắc phục mắt sẽ có nguy cơ biến chuyển thành các bệnh lý nguy hiểm.

6 nguyên tắc phòng ngừa hội chứng thị giác màn hình máy tính

1 Sắp xếp chỗ ngồi làm việc hợp lý: Tối ưu, màn hình máy tính nên được đặt dưới tầm mắt từ 15 đến 20 độ (khoảng 12cm) đo từ trung tâm của màn hình và từ 20 đến 28 inch (50 - 70cm) từ mắt. Khi ngồi cần chỉnh ghế sao cho 2 cánh tay song song với nền nhà, đùi vuông góc với cẳng chân và 2 bàn chân đặt phẳng trên nền nhà; giữ thẳng lưng và giữ vai ngang bằng để tránh mỏi cổ, vai, gáy.

2 Sự chiếu sáng thích hợp: sắp xếp vị trí màn hình sao cho cửa sổ ở về 1 bên; chỉnh rèm cửa sao cho ánh nắng mặt trời không chiếu trực tiếp lên màn hình và mắt; tắt bớt đèn nếu quá sáng, có thể dùng đèn bàn có chụp.

3 Chất lượng của màn hình máy tính: độ phân giải, ánh sáng và độ tương phản của màn hình sao cho mắt nhìn cảm thấy dễ chịu; điều chỉnh phông chữ và cỡ chữ của văn bản cho dễ nhìn.

4 Nếu phải đeo kính, nên đeo kính có các công năng để bảo vệ mắt hoặc bật chế độ lọc ánh sáng xanh trên smartphone để hạn chế ánh sáng xanh chiếu vào mắt khiến mắt mỏi và khô.

5 Luyện tập thị giác: mỗi 20 phút làm việc, nghỉ 20 giây để nhìn ra xa 20 feet (khoảng 6m) nhằm luyện điều tiết cho mắt; thi thoảng nhìn vật ở xa 10 giây rồi lại nhìn vật ở gần 10 giây, lặp lại 10 lần, chú ý chớp mắt đủ để làm ẩm giác mạc, giảm tình trạng khô mắt.

6 Nên nghỉ ngơi ngắt quãng thường xuyên: khoảng 5 phút và nghỉ 4 lần trong thời gian làm việc để đi lại trong phòng, duỗi chân tay, cổ vai, nhìn ra không gian ngoài cửa sổ để làm giảm tình trạng mỏi cổ, đau lưng.

Cách tự chữa trị cảm giác cô đơn hậu COVID-19 Cách tự chữa trị cảm giác cô đơn hậu COVID-19

TTO - Cô đơn là cảm thấy một mình dù các tiếp xúc xã hội nhiều như thế nào. Cảm giác này có thể tác động đến tất cả chúng ta - già, trẻ, lớn, bé - và vào bất kỳ thời điểm nào trong cuộc đời.

THU HIẾN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên