15/12/2016 09:05 GMT+7

Nhiều bất hợp lý trong dự thảo quy chế tuyển sinh cao đẳng

MINH GIẢNG
MINH GIẢNG

TTO - Rất nhiều quy định trong dự thảo này vô lý, điều trước “đá” điều sau, thậm chí nhiều điều khoản không thể thực hiện được trong thực tế.

SV khoa ô tô Trường CĐ Viễn Đông, Q.12, TP.HCM trong giờ thực hành - Ảnh: Như Hùng
SV khoa ô tô Trường CĐ Viễn Đông, Q.12, TP.HCM trong giờ thực hành - Ảnh: Như Hùng

Dự thảo quy định quy chế tuyển sinh và xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, CĐ của Bộ Lao động - thương binh và xã hội có rất nhiều điểm vô lý và bất khả thi. 

Đây là năm đầu tiên Bộ Lao động - thương binh và xã hội tiếp quản việc tuyển sinh của các trường CĐ.

Có thể thấy, bản dự thảo này của Bộ Lao động - thương binh và xã hội là bản sao phần lớn nội dung của quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015 của Bộ GD-ĐT và có chỉnh sửa, bổ sung một số nội dung.

Do đó, rất nhiều quy định trong dự thảo này vô lý, điều trước “đá” điều sau, thậm chí nhiều điều khoản không thể thực hiện được trong thực tế.

Tuyển sinh quanh năm

Theo dự thảo, các trường CĐ có thể tổ chức một hoặc nhiều đợt tuyển sinh bắt đầu từ ngày 1-1, và kết thúc công tác tuyển sinh chậm nhất trước ngày 31-12 hằng năm. Thời gian tuyển sinh, số đợt tuyển sinh trong năm do hiệu trưởng các trường quyết định.

Các trường có thể tuyển sinh dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2017, xét tuyển theo đề án tuyển sinh riêng, hoặc xét tuyển dựa vào kết quả THPT của thí sinh.

Dự thảo này cũng quy định chi tiết về việc đăng ký dự tuyển, chính sách ưu tiên, tổ chức xét tuyển... Trong số này, rất nhiều quy định có trong quy chế xét tuyển ĐH, CĐ năm 2015 đã bị Bộ GD-ĐT bỏ đi trong kỳ tuyển sinh năm 2016, nhưng nay lại xuất hiện trong dự thảo tuyển sinh 2017 của Bộ Lao động - thương binh và xã hội.

Theo đó, với hình thức tuyển sinh riêng, bộ này quy định điểm trung bình các môn xét tuyển hoặc điểm trung bình chung các môn của tổ hợp xét tuyển là 5,5. Đối với hình thức xét tuyển theo kết quả THPT quốc gia, Bộ Lao động - thương binh và xã hội sẽ xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, để các trường xây dựng phương án xét tuyển (trong khi năm 2016, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào bậc CĐ của Bộ GD-ĐT là tốt nghiệp THPT).

Phó hiệu trưởng một trường CĐ tại TP.HCM cho rằng quy định này bất hợp lý.

“Năm trước, Bộ GD-ĐT đã bỏ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào với bậc CĐ, vậy mà nhiều trường CĐ vẫn không tuyển đủ thí sinh. Nay Bộ Lao động - thương binh và xã hội lại đưa ra quy định này, chẳng khác nào làm khó cho các trường. Hơn nữa, việc tuyển sinh quanh năm như vậy là không cần thiết, gây tốn kém. Chỉ nên có một số đợt xét tuyển tập trung” - ông này nói.

Hiệu trưởng một trường CĐ nghề băn khoăn: “Mọi năm trường tuyển học sinh tốt nghiệp THPT, năm nay lại có thêm quy định về điểm trung bình phải đạt 5,5. Trường nghề vốn tuyển sinh khó khăn, nay sẽ càng bị giới hạn nguồn tuyển hơn”.

Không chỉ vậy, một số quy định lại đá nhau, mâu thuẫn. Chẳng hạn, dự thảo quy định điểm xét tuyển đợt sau không được thấp hơn đợt trước (đối với hình thức xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT quốc gia).

Thế nhưng trong phần quy định về xác định điểm trúng tuyển, thông tư lại quy định: “Khi số thí sinh trúng tuyển đến trường không đủ, trường có thể hạ tiêu chuẩn tuyển chọn, hoặc tuyển bổ sung bằng các đợt tuyển sinh tiếp theo cho đến khi đủ chỉ tiêu. Đối với những ngành không tuyển đủ chỉ tiêu, trường được phép lấy thí sinh dự tuyển vào trường mình nhưng không trúng tuyển vào những ngành hoặc nghề khác, đồng thời đạt yêu cầu và tiêu chuẩn tuyển chọn theo quy định của ngành hoặc nghề còn thiếu số lượng”.

Lặp lại quy chế xét tuyển của Bộ GD-ĐT

Trong phần quy định về xét tuyển, đối với hình thức dựa vào kết quả thi THPT quốc gia, dự thảo quy định: “Cập nhật dữ liệu đăng ký xét tuyển vào trường lên hệ thống quản lý dữ liệu tuyển sinh quốc gia, ba ngày một lần công bố trên trang thông tin điện tử của trường danh sách các thí sinh đăng ký xét tuyển xếp theo kết quả thi từ cao xuống thấp”.

Phải chăng Bộ Lao động - thương binh và xã hội xây dựng một hệ thống quản lý dữ liệu tuyển sinh riêng, bên cạnh hệ thống của Bộ GD-ĐT?

Một trong những quy định bất hợp lý và không khả thi trong dự thảo này, đó là việc đăng ký xét tuyển đối với hình thức xét tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia.

Theo đó, thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển cho trường qua đường bưu điện theo hình thức thư chuyển phát nhanh hoặc nộp hồ sơ trực tiếp tại trường, hoàn toàn không có hình thức đăng ký xét tuyển trực tuyến. Các trường được xét tuyển nhiều đợt khác nhau, và dự thảo quy định đợt xét tuyển đầu tiên gọi là nguyện vọng 1, các đợt tiếp theo gọi là nguyện vọng bổ sung.

Điều lạ là theo dự thảo, mỗi đợt xét tuyển thí sinh đều phải sử dụng bản chính giấy chứng nhận kết quả tuyển sinh để đăng ký xét tuyển (!?). Dự thảo quy định thí sinh phải nộp bản chính giấy chứng nhận kết quả thi tương ứng với đợt xét tuyển (nguyện vọng 1 hay nguyện vọng bổ sung). Đây là quy định y hệt quy chế xét tuyển ĐH, CĐ năm 2015 của Bộ GD-ĐT. Khi đó, mỗi thí sinh được cấp 4 giấy chứng nhận kết quả thi để đăng ký xét tuyển 4 đợt khác nhau.

Trong khi đó, từ năm 2016 (và cả 2017), mỗi thí sinh dự thi THPT quốc gia chỉ được cấp 1 giấy chứng nhận kết quả tuyển sinh với mã vạch xác định, thí sinh dùng mã vạch khi đăng ký xét tuyển. Như vậy, thí sinh lấy đâu ra nhiều bản chính để đăng ký xét tuyển CĐ 2017?

Các quy định về xét tuyển còn lặp lại quy chế xét tuyển của Bộ GD-ĐT năm 2015 (đã bỏ từ năm 2016). Theo đó, trong đợt xét nguyện vọng 1, thí sinh được quyền thay đổi ngành hoặc nghề học đã đăng ký, hoặc rút hồ sơ đăng ký xét tuyển để nộp vào trường khác.

Kết thúc mỗi đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, thí sinh không trúng tuyển được quyền rút hồ sơ để đăng ký xét tuyển đợt tiếp theo. Phiếu đăng ký xét tuyển có ghi rõ đợt xét tuyển, cho phép thí sinh đăng ký tối đa 4 ngành (hoặc nhóm ngành) hoặc nghề của một trường cho mỗi đợt xét tuyển. Các nguyện vọng này được xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4...

Bổ sung đối tượng tuyển thẳng

Đối với chính sách tuyển thẳng bậc CĐ, dự thảo quy định tương tự như quy chế của Bộ GD-ĐT năm trước. Riêng với thí sinh đoạt giải học sinh giỏi quốc gia, cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, dự thảo chỉ quy định tuyển thẳng thí sinh đoạt giải khuyến khích. Như vậy, những thí sinh đoạt giải cao hơn nếu có nguyện vọng xét tuyển thẳng vào bậc CĐ có được xét tuyển?

Dự thảo cũng bổ sung đối tượng tuyển thẳng CĐ: người có bằng trung cấp loại giỏi trở lên và người có bằng trung cấp loại khá có ít nhất 2 năm làm việc theo chuyên ngành hoặc nghề đã được đào tạo; người có bằng tốt nghiệp trung cấp đoạt một trong các giải nhất, nhì, ba tại các kỳ thi tay nghề quốc gia, được tuyển thẳng vào trường để học ngành, nghề phù hợp với nghề đã đoạt giải ở trình độ CĐ.

MINH GIẢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
😀😁😂🤣😃😄😅😆😉😊😋😎😍😘🥰😗😙😚🙂🤗🤩🤔🤨😐😑😶🙄😏😣😥😮🤐😯😪😫😴😌😛😜😝🤤😒😓😔😕🙃🤑😲☹️🙁😖😞😟😤😢😭😦😧😨😩🤯😬😰😱🥵🥶😳🤪😵😡😠🤬😷🤒🤕🤢🤮🤧😇🤠🤡🥳🥴🥺🤥🤫🤭🧐🤓😈👿👹👺💀👻👽🤖💩😺😸😹😻😼😽🙀😿😾
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận