27/09/2019 07:24 GMT+7

Nhiều băn khoăn khi thi THPT quốc gia trên máy tính

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TTO - Hằng năm có gần 1 triệu thí sinh dự thi THPT quốc gia, có đủ máy tính cùng loại cho thí sinh thi? Địa điểm đặt ở đâu để đảm bảo tính khả thi, an toàn? Liệu có ngăn được thí sinh vô phòng thi ngồi... rê chuột, sau đó có người làm hộ?...

Nhiều băn khoăn khi thi THPT quốc gia trên máy tính - Ảnh 1.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2019 tại TP.HCM trao đổi sau giờ thi môn toán - Ảnh: NHƯ HÙNG

Nhiều chuyên gia nhận định phương án đổi mới kỳ thi THPT quốc gia mà Bộ GD-ĐT vừa trình Thủ tướng là một sự thay đổi theo hướng tích cực và đáng mừng.

Trong đó, đề xuất hướng đến việc thi THPT quốc gia trên máy tính do các trung tâm khảo thí độc lập tổ chức nhiều lần trong năm đã được nhiều thành viên Hội đồng quốc gia giáo dục ủng hộ, nhưng vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều.

Áp dụng cho toàn quốc không đơn giản

Bộ GD-ĐT cho rằng đây là những bước đi tiếp theo trong lộ trình dài hơi đổi mới thi cử theo hướng tiệm cận với xu hướng kiểm tra, đánh giá của thế giới.

Đồng thời, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng khẳng định việc đổi mới hình thức thi theo hướng áp dụng công nghệ không phải để gây khó thêm, mà làm cho chính xác hơn, gọn nhẹ hơn và triển khai quá trình thi tốt hơn. Trong đó, việc ứng dụng CNTT, tổ chức thi trên máy tính là xu hướng tích cực.

Dù đồng thuận với quan điểm này, nhưng các chuyên gia cũng kiến nghị bộ cần tính toán thận trọng các bước đi hợp lý để đảm bảo quyền lợi và công bằng của học sinh ở mọi vùng miền.

Thực tế, hình thức thi trên máy tính trong các kỳ thi ngoại ngữ, tin học đã được nhiều nước áp dụng. Hình thức này cũng từng được thí điểm trong kỳ thi tuyển sinh ĐH vào ĐH Quốc gia Hà Nội năm 2015-2016, cho thấy nó hoàn toàn khả thi và học sinh Việt Nam hoàn toàn tiếp cận được.

Tuy nhiên, việc nhân rộng ra toàn quốc với nhiều vùng miền khác nhau hoàn toàn không đơn giản, cần có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng.

Bên cạnh đó, hàng loạt câu hỏi về vấn đề được nêu ra đang cần Bộ GD-ĐT giải đáp thấu đáo và thuyết phục thì xã hội mới có thể an tâm. Đó là hằng năm có gần 1 triệu thí sinh dự thi, có đủ máy tính cùng loại cho thí sinh thi; địa điểm đặt ở đâu để đảm bảo tính khả thi, an toàn khi dự kiến tổ chức nhiều đợt thi/năm với thí sinh cả nước; ngân hàng câu hỏi; năng lực của người tổ chức kỳ thi?

Ngay cả nhận định việc thi trên máy tính được kỳ vọng sẽ hạn chế tối đa việc gian lận, nhưng nhiều người cũng chưa yên tâm. Với hình thức thi trên máy tính thực tế cũng đã xảy ra gian lận như việc phòng thi có nhiều giám thị, có cả camera, thí sinh vô thi ngồi... rê chuột, làm động tác giả, sau đó có người... làm hộ! Vì vậy, việc thi trên máy nếu làm không nghiêm túc thì tiêu cực còn dễ xảy ra hơn so với thi trên giấy.

Nên bỏ kỳ thi với mục đích xét tốt nghiệp

Từ sau năm 2020, học sinh hoàn thành chương trình lớp 12 sẽ được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT, thay vì bắt buộc phải thi THPT quốc gia như hiện nay. Những học sinh mong muốn có bằng tốt nghiệp sẽ tham gia kỳ thi THPT quốc gia, từ đó mở ra cơ hội học tập và làm việc cao hơn.

Ý tưởng này nghe qua tưởng chừng rất hợp lý, nhưng thử hỏi có học sinh nào sau 12 năm đèn sách lại chỉ an phận nhận "giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT"? Có thể khẳng định hầu hết học sinh vẫn chọn cách thi THPT quốc gia để lấy bằng tốt nghiệp và được học lên các bậc học cao hơn.

Vì thế, kỳ thi THPT quốc gia vẫn cần được tổ chức, cũng có thể tổ chức bằng hình thức thi trên máy, học sinh sẽ có thể đăng ký thi một hay nhiều đợt trong năm, kết quả thi của đợt nào cao nhất sẽ được sử dụng cung cấp cho các trường ĐH, các trường thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp để tuyển sinh nếu có nhu cầu.

Như vậy, quy mô kỳ thi có thể tổ chức linh động, không phải diễn ra cùng một lúc trên phạm vi cả nước... Kỳ thi cũng được tổ chức nghiêm túc, công bằng, nhẹ nhàng và hiệu quả hơn chắc chắn được xã hội ủng hộ.

Cũng có một số ý kiến băn khoăn, hoài nghi việc "giao cho trường phổ thông" xét hoàn thành chương trình, thậm chí công nhận tốt nghiệp THPT vì sợ sẽ nảy sinh tiêu cực. Tuy nhiên, việc này xem ra khá mâu thuẫn với thực tế và các quy định trong cả hệ thống giáo dục hiện nay.

Vì hiện các trường đều tự tổ chức kiểm tra, thi cử, đánh giá học sinh rất nhiều kỳ trong năm học. Nếu không tin các trường thì không lẽ không tin luôn cả kết quả kiểm tra đánh giá học sinh trong từng năm học? Thậm chí hiện cũng đã có một số trường xét tuyển ĐH bằng học bạ thì sao?

* Ông Hà Thúc Tịnh (phụ huynh Trường THPT Nguyễn Thị Diệu, quận 3, TP.HCM):

Cần lộ trình ít nhất 5 năm

Tôi rất băn khoăn về chủ trương cho thí sinh thi tốt nghiệp THPT quốc gia trên máy tính bởi hệ thống máy móc, trang thiết bị... ở các trường THPT, các địa phương hiện nay không đồng đều; kỹ năng sử dụng máy tính của học sinh cũng vậy.

Nếu cho học sinh chọn lựa thi trên máy hoặc thi trên giấy thì cũng rất lộn xộn và phức tạp. Vì vậy, Bộ GD-ĐT nên thống nhất một hình thức thi cho tất cả học sinh. Nếu cho tất cả học sinh thi trên máy tính thì cần có lộ trình chuẩn bị 5 - 10 năm.

Còn một vấn đề quan trọng không kém là việc chuẩn bị cho công tác bảo mật và chống gian lận thi cử khi cho học sinh thi trên máy tính. Nhiều người nói rằng cho học sinh thi trên máy để chống gian lận thi cử là chưa đúng, vì hiện nay những chiêu gian lận thi cử rất tinh vi và khó phát hiện.

* Bà Nguyễn Thị Mai (giáo viên địa lý Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, TP.HCM):

Tuyển sinh ĐH trả về các trường

Cá nhân tôi cho rằng Bộ GD-ĐT đã đổi mới thi cử thì không nhất thiết phải tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia làm gì nữa. Theo đề án đổi mới thi cử của Bộ GD-ĐT, học sinh học hết lớp 12 sẽ được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT; nếu muốn có bằng tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào ĐH thì phải thi THPT quốc gia để lấy bằng và có thể dùng kết quả thi để xét tuyển sinh vào ĐH.

Vậy sao không cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT cho học sinh luôn? Sau đó, những em nào muốn thi ĐH thì đăng ký dự thi tuyển sinh vào ĐH, kỳ thi sẽ do các trường ĐH tự tổ chức. Chứ trên thực tế khi học sinh đã trải qua 12 năm đèn sách, chẳng em nào lại không muốn lấy bằng tốt nghiệp THPT cả.

* Học sinh Trần Hoàng Yến (lớp 12A6 Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM):

Không nên áp dụng toàn quốc

Cá nhân em không thích làm bài thi trên máy tính vì ngồi lâu trên máy dễ bị mỏi mắt. Nhất là khi thi, nếu bị mỏi mắt thì dễ lâm vào tình trạng đọc và hiểu sai đề thi. Hơn nữa, khi thi trên máy tính thì những bạn không quen sử dụng máy tính sẽ rất thiệt thòi, nhất là những bạn ở vùng sâu vùng xa, ít có điều kiện tiếp cận với máy tính. Do đó, em cho rằng Bộ GD-ĐT không nên áp dụng việc cho học sinh thi trên máy tính với quy mô toàn quốc. (H.HG. ghi)

Tuyển sinh đại học sao cứ dựa vào thi THPT quốc gia? Tuyển sinh đại học sao cứ dựa vào thi THPT quốc gia?

TTO - Dù có thay đổi cách gọi tên thì tư duy về '2 trong 1' vẫn khó xóa bỏ khi đa số trường đại học hiện nay vẫn tuyển sinh bằng kết quả thi THPT quốc gia, kể cả các trường đặc thù.

TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên