05/11/2022 10:12 GMT+7

Nhiệm kỳ VFF khóa 9: Hướng về World Cup 2026

KHƯƠNG XUÂN
KHƯƠNG XUÂN

TTO - Ngày mai (6-11), Đại hội Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) sẽ diễn ra tại Hà Nội. Đại hội sẽ bầu lên những người lãnh đạo con tàu bóng đá Việt Nam thực hiện ước mơ đưa đội tuyển nam giành vé đến World Cup 2026.

Nhiệm kỳ VFF khóa 9: Hướng về World Cup 2026 - Ảnh 1.

Đại hội VFF khóa 9 sẽ bầu ra đội ngũ lãnh đạo với mục tiêu đưa đội tuyển nam quốc gia giành vé đến World Cup 2026 - Ảnh: NAM TRẦN

VFF khóa 9 (nhiệm kỳ 2022 - 2026) sẽ có 1 chủ tịch, 3 phó chủ tịch (phụ trách các lĩnh vực: chuyên môn, tài chính, truyền thông) và 13 ủy viên ban chấp hành.

Tất cả các chức danh sẽ được bầu trực tiếp tại đại hội dưới sự giám sát của LĐBĐ thế giới (FIFA), LĐBĐ châu Á (AFC), LĐBĐ Đông Nam Á (AFF).

Nhiệm kỳ rực rỡ

Bóng đá Việt Nam đã trải qua nhiệm kỳ 8 (2018 - 2022) rực rỡ nhất trong lịch sử. Cụ thể, đội tuyển nam quốc gia đã lần đầu tiên lọt vào đến vòng loại cuối cùng World Cup 2022, giành HCV AFF Cup 2018.

Đội tuyển quốc gia nữ lần đầu tiên giành quyền tham dự vòng chung kết FIFA World Cup 2023, ba lần liên tiếp vô địch SEA Games.

Đội tuyển U23 quốc gia hai lần liên tiếp vô địch SEA Games vào các năm 2019, 2022. Đội tuyển futsal nam lần thứ hai giành quyền tham dự vòng chung kết FIFA Futsal World Cup và xuất sắc lọt vào vòng 1/8.

Theo báo cáo tài chính của VFF, tổng nguồn thu của VFF trong nhiệm kỳ 8 là hơn 1.000 tỉ đồng. Trong số đó, chỉ tính riêng tiền thu từ hoạt động vận động tài trợ đạt 679,4 tỉ đồng, gấp đôi so với nhiệm kỳ 7 (2014 - 2018).

Số tiền tài trợ lớn đã giúp VFF có tiền để thuê HLV Park Hang Seo dẫn dắt đội tuyển Việt Nam, đồng thời dành một khoản kinh phí lớn cho các đội tuyển quốc gia các lứa tuổi tập huấn và thi đấu liên tục ở trong nước và quốc tế. Điều này đã giúp các cầu thủ cọ xát, phát triển chuyên môn, rèn luyện bản lĩnh.

Một lãnh đạo VFF chia sẻ: "Nếu như trước kia đội tuyển quốc gia tập trung chỉ ở tại VFF hoặc các khách sạn 3 sao, thì những năm qua nhờ có nguồn thu tốt nên khi cầu thủ tập trung đội tuyển luôn được ở tại khách sạn 5 sao.

VFF cũng có tiền để trả thêm thù lao cho cầu thủ khi lên tập trung đội tuyển quốc gia. Trước đây, khi thành tích đội tuyển bết bát, có cầu thủ thậm chí tìm cách từ chối khi được gọi lên tập trung đội tuyển quốc gia. Còn hiện nay, được triệu tập lên đội tuyển quốc gia là khao khát của mỗi cầu thủ".

Bầu trực tiếp chủ tịch, phó chủ tịch, ban chấp hành

Đại hội VFF khóa 9 sẽ diễn ra trong ngày 6-11. Đại hội có sự tham dự của các đơn vị thành viên VFF, đại diện lãnh đạo các bộ ngành quản lý VFF, các khách mời.

Đại diện của 74 tổ chức thành viên VFF bao gồm các CLB V-League, hạng nhất, CLB nữ, futsal, liên đoàn bóng đá địa phương... sẽ là những người được bỏ phiếu tại đại hội. Đại hội sẽ bầu trực tiếp chủ tịch, phó chủ tịch, ban chấp hành VFF.

Hiện ông Trần Quốc Tuấn (quyền chủ tịch VFF khóa 8) là ứng viên duy nhất ứng cử chức danh chủ tịch VFF khóa 9.

Ở vị trí phó chủ tịch phụ trách chuyên môn, có hai ứng viên tham gia tranh cử là các ông: Trần Anh Tú (chủ tịch HĐQT Công ty VPF), Dương Nghiệp Khôi (nguyên phó tổng thư ký VFF). Tuy nhiên, tối 4-11, do ông Dương Nghiệp Khôi đã rút lui không tranh cử nên vị trí này chỉ còn ông Trần Anh Tú.

Vị trí phó chủ tịch truyền thông có hai ứng viên đã được giới thiệu và đồng ý tham gia tranh cử là các ông: Cao Văn Chóng (phó chủ tịch truyền thông VFF khóa 8, phó giám đốc Sở VH-TT&DL Bình Dương), Nguyễn Xuân Vũ (chủ tịch CLB bóng đá Phù Đổng).

Vị trí phó chủ tịch tài chính có hai ứng viên tham gia tranh cử là các ông: Nguyễn Trung Kiên (tổng giám đốc Công ty cổ phần giải pháp truyền hình Thế hệ mới - Next Media), Lê Văn Thành (phó chủ tịch tài chính VFF khóa 8, chủ tịch HĐQT - tổng giám đốc Công ty cổ phần Động Lực).

Do vị trí chủ tịch và phó chủ tịch chuyên môn gần như đã ngã ngũ nên cuộc đua tại Đại hội VFF khóa 9 chỉ thực sự diễn ra giữa các ứng viên tranh cử ở ghế phó chủ tịch truyền thông và tài chính.

Cơ hội nào cho tuyển Việt Nam ở World Cup 2026?

World Cup 2026 sẽ tăng số đội tham dự từ 32 lên 48. Theo phân bổ của FIFA, châu Á sẽ có 8 1/3 suất dự World Cup. Các khu vực còn lại là CONCACAF 6 2/3, Nam Mỹ 6 1/3, châu Âu 16, châu Phi 9 1/3, châu Đại Dương 1 1/3.

Như vậy, sẽ có tổng cộng 46 vé chính thức dự World Cup 2026. Ngoài ra, 6 đội đến từ CONCACAF (2 đại diện), Nam Mỹ, châu Á, châu Đại Dương và châu Phi (1 đại diện) sẽ bước vào vòng play-off liên khu vực để xác định hai vé cuối cùng dự World Cup 2026.

Theo thể thức thi đấu vừa được công bố của AFC, vòng loại khu vực châu Á 2026 sẽ trải qua 4 vòng đấu. Tuyển Việt Nam nhiều khả năng sẽ bắt đầu ở vòng loại thứ 2 cùng 24 đội dẫn đầu bảng xếp hạng FIFA khu vực châu Á và 11 đội vượt qua vòng loại thứ 1.

Tại vòng loại thứ 2, Việt Nam cùng 35 đội khác sẽ chia vào 9 bảng đấu, mỗi bảng 4 đội. Hai đội dẫn đầu 9 bảng đấu sẽ đoạt vé vào vòng loại thứ 3. Nếu muốn giành vé dự World Cup 2026, tuyển Việt Nam ít nhất phải có mặt ở vòng loại thứ 3.

Tại vòng loại này, 18 đội sẽ chia làm 3 bảng, mỗi bảng 6 đội. Hai đội nhất nhì 3 bảng sẽ giành vé dự World Cup 2026, 6 đội đứng thứ 3 và 4 ở 3 bảng sẽ bước vào vòng play-off. Kết thúc vòng play-off, 2 đội dẫn đầu sẽ giành vé thứ 7 và 8 dự World Cup 2026.

Xét trên lý thuyết và kết quả thi đấu của "những chiến binh sao vàng" thời gian qua, cơ hội dự World Cup 2026 của tuyển Việt Nam là có. Tuy nhiên, không phải dễ dàng đạt mục tiêu này bởi dù nâng số lượng đội tham dự World Cup nhưng sự cạnh tranh cũng vẫn rất khốc liệt. (H.D.)

World Cup 2026: Cơ hội nào cho tuyển Việt Nam? World Cup 2026: Cơ hội nào cho tuyển Việt Nam?

TTO - Với việc châu Á có 8 suất chính thức dự vòng chung kết World Cup 2026 do Mỹ, Mexico và Canada đồng tổ chức, câu hỏi lớn nhất vào lúc này là liệu tuyển Việt Nam có tận dụng được cơ hội này để góp mặt ở ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh?

KHƯƠNG XUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên