30/08/2011 00:30 GMT+7

Nhật: Thách thức kép của tân thủ tướng

DANH ĐỨC
DANH ĐỨC

TT - Hôm nay, nếu không có gì thay đổi, Bộ trưởng Tài chính Yoshihiko Noda sẽ trở thành tân thủ tướng Nhật. Tháng 6 năm ngoái, một bộ trưởng tài chính khác, ông Nato Kan, cũng đã được Đảng Dân chủ bầu lên cầm quyền.

Ông Yoshihiko Noda đắc cử thủ tướng Nhật

Một bộ trưởng tài chính lên thay cho một thủ tướng nguyên là bộ trưởng tài chính. Nói theo ngôn ngữ bóng đá, thay một trung vệ bằng một trung vệ, thậm chí một trung vệ “dập”, để cản phá mọi nguy cơ khủng hoảng tài chính trong bối cảnh khủng hoảng tài chính của các nền kinh tế đối tác “môi hở răng lạnh” với Nhật là Mỹ và EU, nhất là khi công nợ của Nhật nay đã hơn gấp đôi tổng sản lượng của nền kinh tế Nhật.

Căn cứ theo các nguồn tin ban đầu, ông Y.Noda sẽ rất nghiêm khắc trong chính sách tài khóa, tăng thuế và giảm chi ngân sách, nắm vững dây cương công nợ, như ông đã tự giới thiệu: ”...Một thủ tướng phải đối diện với một cuộc khủng hoảng quốc gia thật sự với một đồng yen quá mạnh (nên mất cạnh tranh xuất khẩu), nạn thiểu phát (sản xuất đình trệ, thất nghiệp, phá sản, khủng hoảng tài chính), tái thiết sau thảm họa hạt nhân... (bao nhu cầu mới bức thiết*)”.

Nếu so với người tiền nhiệm trước nữa của ông Y.Noda, tức cựu thủ tướng Hatoyama, người đã khai trương “triều đại” cầm quyền của Đảng Dân chủ vào tháng 9-2009 sau hơn nửa thế kỷ dưới triều đại của Đảng Tự do dân chủ, sẽ thấy rõ sự khác biệt giữa hai chủ trương cầm quyền. Ông Hatoyama khi lên nắm quyền đã hứa sẽ trợ cấp các gia đình có trẻ con phải nuôi (để kích thích tăng dân số) cùng các bà mẹ đơn thân, bãi bỏ học phí trung học công lập, trợ cấp cho nông dân, tăng chi tiêu cho các chính sách an sinh xã hội, tăng ngân sách giáo dục... Còn ông Y.Noda nay chủ trương cắt và cắt.

Điều gì khiến cùng một “đội bóng” (Đảng Dân chủ), tức cùng một cương lĩnh, mà chỉ trong vòng hai năm phải đổi hướng 180 độ? Có phải do Nhật nợ “xấu” đến mức mới bị S&P hạ một nấc chỉ số tín nhiệm hôm 23-8, xuống còn Aa3?

Thật ra vấn đề công nợ Nhật khác với vấn đề công nợ Mỹ khi đồng yen Nhật vẫn cứ đang vững mạnh hơn bao giờ hết (hôm 10-8, 1 USD chỉ còn đổi được 76,453 yen Nhật), đến nỗi ai ham vay đồng yên chỉ còn có thể “lè lưỡi” khi phải xuất khẩu lấy USD đem đi đổi sang đồng yen Nhật! Với tỉ giá cứ cao ngất trời này, hàng Nhật (tỉ như xe Nhật) sản xuất ở Nhật càng khó bán ra nước ngoài, trừ phi di tản sản xuất ra nước ngoài.

Hậu quả là công ăn việc làm nội địa phải giảm, dân tình nhốn nháo... Nguyên bộ trưởng tài chính Y.Noda trong vai trò mới sẽ làm gì được cho/với đồng yen Nhật và nền sản xuất Nhật khi nhà máy in tiền của Cục Dự trữ liên bang Mỹ gần Nhà Trắng vẫn cứ được lệnh in tiền? Liệu ông sẽ “lái” được nền sản xuất nội địa cho thị trường nội địa, như Hãng Nissan hồi đầu tháng đã khởi sự chuyển hướng?

Đối phó trên “mặt trận” chủ quyền lãnh thổ còn khó hơn, vì đây là những bức bách ngay trước mắt. Đầu giờ chiều thứ hai, Tân Hoa xã đã “dàn chào” ông Y.Noda bằng một cảnh cáo: ”Nhật Bản, nay với ban lãnh đạo mới, cần có những bước cụ thể và rõ rệt nhằm thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc và tôn trọng lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Nhật Bản và Trung Quốc, hai đại cường của Đông Á, vẫn còn đang lao vào tranh chấp lúc này lúc nọ, đe dọa hòa bình và ổn định khu vực. Nhật Bản phải bị phê phán vì điều đó...!”.

Đối phó được trên cả hai “mặt trận” này hẳn đòi hỏi một lãnh đạo đủ cứng rắn lẫn mềm dẻo và bản lĩnh.

(*) Chú thích của Tuổi Trẻ.

DANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên