![]() |
Tàu khu trục Kurama dẫn đầu hạm đội của Lực lượng tự vệ hàng hải Nhật Bản (MSDF) trong một lần diễn tập - Ảnh: Reuters |
Theo báo New York Times, những phương cách này bao gồm viện trợ quân sự cho nước ngoài như giúp đào tạo binh sĩ Campuchia và Đông Timor, xây dựng các liên minh trong khu vực cũng như giúp đỡ các nước nâng cao năng lực quốc phòng.
Tàu chiến của Nhật không chỉ tham gia các cuộc diễn tập ở châu Á - Thái Bình Dương mà còn tham gia tập trận chung với các nước trong khu vực bên cạnh các chuyến thăm các nước láng giềng. Từ năm 2009, hải quân Nhật đã tập trận chung với Úc, tham gia một số cuộc tập trận hải quân đa quốc gia ở Đông Nam Á. Vào tháng 6, lần đầu tiên Nhật đã tập trận chung với Ấn Độ.
Chia sẻ các mối quan ngại
Các quan chức quốc phòng và các nhà phân tích Nhật nhận định sau khi tăng cường viện trợ cho các nước, Tokyo có thể sớm đạt được một bước tiến khác. Đó là bắt đầu bán khí tài cho các nước trong khu vực như thủy phi cơ, thậm chí cả tàu ngầm tàng hình chạy diesel vốn được coi là phù hợp với những vùng nước nông, nơi Trung Quốc đang tăng cường tuyên bố chủ quyền.
New York Times dẫn lời các quan chức Nhật nhấn mạnh chiến lược của họ không phải là để chạy đua ảnh hưởng với Trung Quốc, mà để xây dựng quan hệ với các nước khác và chia sẻ mối quan ngại của những nước này đối với Bắc Kinh. Các quan chức Nhật thừa nhận việc giúp lực lượng tuần duyên của các nước nâng cao khả năng cũng là cách tăng cường năng lực của các nước đó trước bất cứ mối đe dọa nào của Trung Quốc.
“Chúng tôi muốn xây dựng một liên minh riêng ở châu Á để ngăn việc Trung Quốc vượt mặt” - ông Yoshihide Soeya, giám đốc Viện nghiên cứu Đông Á tại Đại học Keio ở Tokyo, cho biết.
Mỹ đã hoan nghênh những nỗ lực này của Nhật, vì phù hợp với chiến lược nâng cao khả năng quân sự của các nước châu Á để đủ sức vững vàng trước Trung Quốc cũng như tăng cường sự hiện diện của Mỹ trong khu vực. Nhật được coi là nước duy nhất trong khu vực có lực lượng tự vệ hàng hải đủ mạnh để kiềm chế Trung Quốc.
Mặc dù chi tiêu cho quốc phòng của Nhật có giảm sút nhưng chi phí dành cho quân sự của Tokyo vẫn lớn vào hàng thứ sáu trên thế giới. “Nhật cùng Mỹ và Úc đang giúp chúng tôi đối mặt với Trung Quốc” - sĩ quan lực lượng tuần duyên Philippines Mark Lim nhìn nhận.
Với chính sách theo đuổi hòa bình, Nhật không có tên lửa tầm xa, tàu ngầm hạt nhân hay các tàu sân bay lớn cần thiết để thể hiện sức mạnh thật sự. Tuy nhiên, tàu ngầm chạy diesel của nước này được đánh giá là loại tốt nhất trên thế giới. Tàu tuần dương của Nhật cũng được trang bị hệ thống Aegis có khả năng bắn hạ tên lửa đạn đạo. Tokyo cũng có hai tàu khu trục lớn chở được máy bay trực thăng cũng như chở được máy bay chiến đấu loại cất cánh lên thẳng.
Thay đổi vai trò quân sự?
Ông Tetsuo Kotani, cựu quan chức Bộ Quốc phòng Nhật, nay là nhà nghiên cứu tại Viện Quan hệ quốc tế Nhật, nói: “Chiến lược của chúng tôi là cung cấp khí tài và kỹ thuật huấn luyện để hình thành một lực lượng tuần duyên mini và một lực lượng tự vệ mini quanh khu vực Đông Nam Á”. Các quan chức Nhật cho biết họ đang trong giai đoạn cuối của chương trình cung cấp cho lực lượng tuần duyên Philippines 10 tàu tuần tra. Bộ Quốc phòng Nhật cũng đang lên kế hoạch tăng gấp đôi chương trình viện trợ quân sự vào năm tới cho một số nước ở Đông Nam Á.
Giới quan sát nhận định những động thái của Nhật không có nghĩa là Tokyo có thể thay đổi vai trò từ tự vệ sang thành một lực lượng quân sự phản công. Dư luận Nhật từng phản đối các nỗ lực trong quá khứ của một số chính trị gia nhằm thay đổi chính sách hòa bình của Nhật và hạn chế việc mở rộng viện trợ quân sự.
Tuy nhiên, theo New York Times, nếu gộp tất cả động thái trên lại có thể thấy Nhật Bản đang có một sự thay đổi đáng kể, nhất là trong bối cảnh Tokyo đang căng thẳng với Bắc Kinh về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Người Nhật lo lắng sự sụt giảm kinh tế của nước họ cộng với khủng hoảng tài chính của đồng minh lớn là Mỹ có thể khiến nước này càng dễ bị tổn thương hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận