14/10/2020 08:07 GMT+7

Nhật ký ngày nước lụt: Nước lênh láng, tim quặn thắt

ÁI NHI (Hội An, Quảng Nam)
ÁI NHI (Hội An, Quảng Nam)

TTO - 20 năm kể từ năm Hội An đạt đỉnh lũ cao nhất (năm 1999), chúng tôi mới lại tất tả chạy lũ. Nước lên tính theo phút, một khi đã tràn vào nhà là cứ dâng cao cao mãi.

Nhật ký ngày nước lụt: Nước lênh láng, tim quặn thắt - Ảnh 1.

Người dân xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh, Quảng Nam dọn dẹp khi nước rút - Ảnh: LÊ TRUNG

Nhìn nước lênh láng xung quanh, lòng quặn thắt nghĩ về những gia đình ở vùng trũng hơn mình trong nhiều ngày tới.

Ngày 10-10,

Bão số 6 ùa vào miền Trung, dự báo mưa to, gió mạnh kéo dài. Bà con ở vùng thấp trũng lo ra chợ mua thực phẩm, chuẩn bị mọi thứ cho những ngày mưa và lụt sẽ đến. Vừa đi vừa lo vì sợ cây đổ, gió xô. Nước sông Hoài đang lên nhanh, nước đã mấp mé, người Hội An đã hì hục dọn dẹp nhà cửa, lo nhất là cảnh cúp điện, rắn rít theo con nước mà vào nhà.

Không thể không lo chuyện thủy điện xả lũ khi hay tin người dân huyện Đại Lộc giữa đêm nhận tin báo xả lũ của các hồ thủy điện thượng nguồn sông Vu Gia - Thu Bồn. Dân sống dưới hạ lưu các con sông, cạnh các đập thầm mong "ông" thủy điện xả lũ ban ngày, thông báo trước vài tiếng để dân còn biết mà đưa bà bầu, trẻ con, người già đi "gửi" và kê đồ đạc trong nhà.

Nhờ mạng xã hội, người dân nhiều nơi (như TP Hội An) nhận được thông tin dự báo kịp thời, từng giờ, đỡ lo âu.

Ngày 11-10,

Nhà chúng tôi nước ngập ngang bụng từ 5h sáng. Chợ, phố cổ cũng đã ngập. Cả nhà cùng nhau dọn dẹp, canh chừng trẻ nhỏ. Mệt, lo, nghe tin bà con xa gần trong tình cảnh ngập sâu hơn nhà mình, nhiều nơi bị cô lập, thiếu thức ăn, nước uống từ mấy ngày trước và dự kiến còn nhiều ngày sau nữa. Hàng xóm có nhà phải đi ở nhờ từ hôm trước. Nhiều nhà để đồ đạc lên giàn khung cao phòng nước ngập, bàn ghế sẽ bồng bềnh và hư hỏng.

Quảng Nam, Đà Nẵng vừa gượng dậy sau đợt dịch bệnh Covid-19 nay lại căng mình trong cảnh ngập lũ.

Bão số 6 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và một áp thấp nhiệt đới đang mạnh lên thành bão số 7 ngoài khơi xa...

Ngày 12-10,

Một ngày đầy những tin buồn. Người miền Trung bao đời quen mưa bão, năm nào cũng có người sẩy chân, bị nước cuốn. Năm nay, đau lòng hơn là có người khi dọn đồ bị điện giật mà chết, sản phụ đi sinh thì ghe lật, hai vợ chồng đi ăn cưới bị nước cuốn để lại con nhỏ, hai em học sinh cũng ra đi giữa dòng nước đục. Và bao tình cảnh thương tâm khác đang kẹt giữa biển nước.

Vùng trũng ngập nước đã đành, bà con ở vùng núi đó đây cũng bị chia cắt với bên ngoài, tàu thuyền không có, xăng dầu dự trữ đang cạn dần sau nhiều ngày ngập lũ...

Hàng cứu trợ cũng không dễ đến nơi giữa mưa to gió lớn, các loại phương tiện đang ưu tiên vận chuyển người trước khi lo hàng hóa.

Ngày 13-10,

Thêm thông tin thương vong do lũ và lở đất. Loa đài nhắc nhở người dân chuẩn bị nhu yếu phẩm, nước, sạc pin... Từ nhiều năm trước, tôi đã ước ao mọi nhà ở vùng trũng đều có áo phao để khi phải ra ngoài khoác vào phòng thân. Đi trong mưa gió, lội bì bõm trong nước mới thấy không thể chủ quan dù chỉ đi đoạn đường ngắn, ở nơi mình thân thuộc. Phải chi mỗi thôn xóm khu thấp lụt có một chiếc thuyền máy có thể sẽ giảm ca tử vong, việc cứu trợ cho vùng bị cô lập cũng nhanh chóng hơn.

Từ bão đến lũ, người dân nhiều nơi đã gồng 4-5 ngày qua trong cảnh thiếu nước sạch, thiếu thức ăn, mất điện. Không có đủ phương tiện cứu hộ phù hợp thì dù có đồ tiếp tế vẫn phải đứng nhìn từ xa chịu thua trong đau xót.

Sống trong cảnh quý từng chút khô ráo, tiết kiệm từng giọt nước, vạch pin mới thấy quý làm sao những tháng ngày bình thường, chỉ cần cơm nóng, có điện thắp sáng và có thể... dùng nhà vệ sinh.

Những mất mát và thiệt hại ở lại khi bão lũ đi qua. Lương thực, vật nuôi trôi theo dòng nước chẳng đợt cứu trợ nào có thể bù đắp nổi. Có những nhà khang trang khô ráo được người dân nhường cho người già, trẻ nhỏ hàng xóm.

Mưa kéo dài, bão sắp đổ bộ, vật nuôi, rau, lúa, trứng vịt... cũng cần được giải cứu, mỗi người giúp nhau một chút, vừa ấm bụng mình vừa đỡ đau lòng người!

Hầu hết người dân ở vùng trũng đều có ý thức về việc sống chung với lũ nên xây nhà phải có cái gác gỗ để mùa mưa có chỗ ngả lưng mà không ướt, đồ đạc không nổi trôi. Nhưng không phải ai cũng đủ kinh tế để xây được nhà có tầng, gác gỗ cách nền nhà 4 mét mà chưa chắc đã an toàn.

Chỉ cần một cơn bão lớn, mưa trên 200mm vài ngày, thủy điện xả lũ một đêm là dòng nước đục ngầu đã có thể nhấn chìm mọi thứ từ tài sản, vật dụng cho đến gà, lợn, chó... Chuỗi ngày dài không điện, cực ít nước sạch, nằm ngồi co ro, có thức ăn nóng đã là mỹ vị nhân gian.

Cứu trợ nào phải dễ! Canô quá to, tạo sóng đánh quá lớn không thể len vào những thôn, xóm nhỏ. Thuyền nhỏ mà đi vào vùng nước quá sâu, chảy xiết thì dễ lật. Hàng xóm chia nhau từng ca nước sạch, miếng cơm nguội, mẩu mì gói khô, dăm ba câu chuyện tiếu lâm để khích lệ nhau cầm cự chờ nước rút. Nhiều nhà phải trổ cửa nhỏ để còn giải cứu trẻ con và phụ nữ phòng khi nước ngập đến nóc, chờ ngày nước rút cùng nhau dọn rửa nhà cửa và dọn đường chung.

Ngập lụt kéo dài sẽ rất căng thẳng Ngập lụt kéo dài sẽ rất căng thẳng

TTO - Trưa 11-10, PV Tuổi Trẻ đã vào được vùng rốn lũ cuối nguồn là xã Phú Mậu và các xã lân cận huyện Phú Vang (Thừa Thiên Huế). Đây là vùng đồng bằng, lại là nơi hợp lưu của sông Hương và sông Bồ tại ngã ba Sình, nên nước từ nguồn đổ về rất lớn.

ÁI NHI (Hội An, Quảng Nam)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên