Người phụ nữ nhặt được điện thoại của chị Oanh trong quán nước - Ảnh cắt từ clip
Danh tính người phụ nữ này được phát hiện khi đoạn clip từ camera an ninh của quán nước được tung lên mạng.
Nhặt điện thoại rồi đem bán
Chị Kiều Oanh (24 tuổi, ngụ TP Biên Hòa, Đồng Nai) cho biết khoảng 21h tối 14-2, chị đi uống nước tại quán trên đường Phan Trung (KP2, P.Tân Mai).
Lúc ra về chị Oanh để quên một chiếc điện thoại iPhone XS max (trị giá 33 triệu đồng) trong quán nước.
Một lúc sau chị Oanh phát hiện liền lấy điện thoại người thân gọi vào điện thoại của chính mình nhưng không ai nghe máy. Khi chị Oanh quay lại quán nước tìm thì điện thoại đã biến mất.
Chị Oanh mượn điện thoại của chủ quán gọi vẫn nghe tiếng đổ chuông nhưng khoảng 15 phút sau thì điện thoại không còn liên lạc được.
Qua hình ảnh trích xuất từ camera an ninh của quán nước cho thấy một phụ nữ đã nhặt được chiếc điện thoại của chị Oanh.
Tuy nhiên, chị này không tri hô hay giao lại cho chủ quán. Sau khoảng 10 phút ngồi trong quán, người phụ nữ này ra lấy xe về cùng chiếc điện thoại nhặt được.
Theo chị Oanh, mặc dù chị đã nhiều lần điện thoại, nhắn tin vào số điện thoại trong máy đánh rơi để xin chuộc lại nhưng đều không có hồi đáp.
Hết cách, chị Oanh đã đăng clip ghi lại cảnh người phụ nữ nhặt điện thoại lên mạng với hi vọng cư dân mạng tìm giúp.
Đến ngày 20-2, từ nguồn tin trên mạng xã hội cung cấp, chị Oanh đã tìm đến phòng trọ gặp một người phụ nữ tên N.T.T.T., giống với hình ảnh trong clip.
Chị T. đã thừa nhận nhặt được điện thoại của chị Oanh. Tuy nhiên, chị này đã mang điện thoại lên TP.HCM bán với giá 7,5 triệu đồng.
Sau đó, chiếc điện thoại này tiếp tục được bán lại cho một người khác. Sau đó chị T. xin được bồi thường tiền cho chị Oanh.
Có thể bị phạt tù đến 2 năm
Đánh giá về vụ việc trên, luật sư Trương Tiến Dũng - Đoàn luật sư Đồng Nai - cho biết trường hợp này người nhặt được điện thoại đã phạm vào tội "chiếm giữ trái phép tài sản" theo quy định tại điều 176 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Theo đó, tội "chiếm giữ trái phép tài sản" được hiểu là hành vi cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được sau khi có yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật.
Trong đó, người nhặt tài sản buộc phải biết tài sản đó không phải của mình mà cố tình không trả lại cho chủ sở hữu hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm và bán cho người khác là đã có hành vi chiếm giữ trái phép tài sản.
Theo quy định, người chiếm giữ trái phép tài sản trị giá từ 10 triệu đến dưới 200 triệu đồng; hoặc dưới 10 triệu đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật thì bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Nếu phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200 triệu đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia thì bị phạt tù từ 1 - 5 năm.
"Như vậy, chiếc điện thoại của chị Oanh khi mua mới có giá trị 33 triệu đồng, nếu có giám định cũng sẽ trên 10 triệu đồng. Do đó, hành vi chiếm đoạt tài sản của người nhặt điện thoại đã cấu thành tội chiếm giữ trái phép tài sản" - luật sư Dũng nhận định.
Cũng theo luật sư Dũng, đối với người mua chiếc điện thoại, nếu biết đây là tài sản do hành vi trái pháp luật mà có của người nhặt điện thoại thì sẽ phạm vào tội "chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có" theo điều 323 Bộ luật hình sự.
Ngược lại, người mua không biết đây là tài sản do hành vi trái pháp luật mà có thì sẽ không phạm tội, nhưng phải trả lại chiếc điện thoại cho chủ sở hữu.
Còn người nhặt điện thoại đem bán phải trả lại tiền cho người mua điện thoại, đồng thời còn bị xử lý theo quy định của Bộ luuật hình sự.
Trong vụ việc trên, nếu chị Oanh và người phụ nữ nhặt được điện thoại thương lượng thành công mà cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng có tình tiết giảm nhẹ là bị can đã khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại.
Trong khi đó, đánh giá về vụ việc, một kiểm sát viên tại Đồng Nai cho rằng về mặt pháp luật hoàn toàn có thể xử lý hình sự được khi người nhặt được điện thoại cố tình không trả và đem bán lấy tiền.
Tuy nhiên, thông thường các trường hợp bên nhặt được điện thoại chịu bồi thường cho người đánh rơi điện thoại thì sẽ ưu tiên áp dụng xử lý về mặt dân sự.
Nghĩa là hai bên sẽ thỏa thuận với nhau về mức giá bồi thường hoặc áp mức giá chung theo định giá.
Trả lại tài sản đánh rơi có thể được thưởng lớn
Luật sư Dũng cho biết người nào nhặt được của rơi mà tài sản mặc nhiên có người nhận thì thôi, đó là đạo đức xã hội.
Trường hợp nhặt của rơi mà báo cho cơ quan có thẩm quyền, sau 1 năm cơ quan ra thông báo nhưng không có người nhận thì người nhặt được của rơi có thể được thưởng.
Cụ thể, đối với tài sản dưới 10 tháng lương cơ bản thì người nhặt được sẽ được giao luôn tài sản đó.
Còn tài sản trị giá trên 10 tháng lương cơ bản thì phải giao cho Nhà nước.
Khi đó, ngoài 10 tháng lương cơ bản được hưởng, người nhặt được của rơi còn được hưởng thêm 50% giá trị của tài sản nhặt được sau khi đã trừ 10 tháng lương cơ bản.
Tuy nhiên, tài sản nhặt được là di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa thì không được hưởng 10 tháng lương mà phải trả cho Nhà nước nhưng được thưởng. Mức thưởng bao nhiêu thì do Nhà nước tùy nghi, không quy định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận