17/09/2014 10:30 GMT+7

​Nhật Bản thúc đẩy “kinh tế phụ nữ”

VIỆT PHƯƠNG
VIỆT PHƯƠNG

TT - Tại một hội thảo quốc tế về phụ nữ tuần trước, Thủ tướng Shinzo Abe đã nhắc lại cam kết nâng cao vị thế của phụ nữ trong xã hội, để họ đóng vai trò to lớn hơn trong phát triển kinh tế.

Bà Akie Abe (trái) và bà Cherie Blair (vợ cựu thủ tướng Anh Tony Blair) đồng chủ trì buổi nói chuyện ở Hội đồng thế giới của phụ nữ tổ chức tại Tokyo - Ảnh: Reuters

Theo Japan Times, phát biểu trước khoảng 1.000 đại biểu tham dự hội nghị Hội đồng thế giới của phụ nữ tại Tokyo, ông Abe cam kết sẽ giải quyết các thách thức đang cản trở phụ nữ tham gia tích cực vào xã hội.

“Để tạo ra một xã hội nơi phụ nữ có thể tỏa sáng là một trong những vấn đề được ưu tiên hàng đầu của chính phủ của tôi kể từ khi lên cầm quyền tháng 12-2012” - ông phát biểu.

Vai trò phụ nữ còn thấp

"Các doanh nghiệp phải dang rộng vòng tay hơn nữa đối với phụ nữ, làm cho môi trường làm việc linh động hơn. Một trong những lựa chọn là thật sự đảm bảo môi trường làm việc thu hút phụ nữ"

Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế CHRISTINE LAGARDE nói tại hội nghị ở Tokyo

Hồi đầu tháng, ông Abe đã công bố nội các mới sau khi cải tổ, trong đó có năm người là phụ nữ (Nội các cũ chỉ có hai phụ nữ). Đây là con số kỷ lục về phụ nữ nắm giữ các vị trí chính trị cấp cao tại Nhật Bản.

Từ khi lên nắm quyền tháng 12-2012, ông Abe đã nói về sự cần thiết phải vực dậy Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, bằng cách giải phóng cho một lực lượng lớn những phụ nữ được giáo dục tốt. Đây là đối tượng bị giao cho những vị trí thấp cấp trong nguồn lực lao động.

Ông Abe thậm chí còn đặt tên cho chính sách mới của mình là “womenomics” (nền kinh tế dựa vào phụ nữ) để diễn tả các mục tiêu đề ra, với kế hoạch đưa Nhật Bản sống lại sau những năm tháng khủng hoảng kinh tế.

Tuy nhiên, theo New York Times, ông Abe vẫn bị chỉ trích trong thời gian qua vì chưa làm được gì nhiều để giúp phụ nữ ngoài những tuyên bố về nâng cao nhận thức.

Theo Công ty nghiên cứu Governance Metrics International, phụ nữ chỉ chiếm dưới 1% trong số các thành viên hội đồng quản trị tại các tập đoàn Nhật Bản, đưa nước này xuống cuối bảng trong các nền kinh tế tiên tiến. Ở Mỹ, phụ nữ chiếm đến 11,4% trong hội đồng quản trị và con số này ở Đức là 8%. Tương tự, số nghị sĩ nữ ở Nhật chỉ chiếm 8%, trong khi ở Mỹ tỉ lệ này là 18,3%.

Từ khi Nhật Bản thông qua luật cơ hội bình đẳng năm 1986, phụ nữ nước này cũng chẳng được xem trọng nhiều hơn khi nhiều người vẫn dính chặt lấy những công việc văn phòng, phục vụ trà nước và đón khách.

Thực tế là các công ty thường kỳ vọng nhân viên có chí tiến thủ, thể hiện sự trung thành bằng cách làm nhiều giờ hơn tại công sở. Điều đó thường khiến phụ nữ phải đối mặt với lựa chọn là theo đuổi sự nghiệp hoặc ở nhà sinh con. Theo con số thống kê mới nhất, đến 60% phụ nữ Nhật Bản bỏ việc sau khi sinh con đầu lòng.

3 lý do của nước Nhật

Với các biện pháp mới sẽ được đưa ra vào tháng sau, chính phủ của ông Abe kỳ vọng sẽ đạt được tỉ lệ nữ giới trong các vị trí quản lý là 30% vào năm 2020. Tỉ lệ này năm ngoái là 7,5%.

Theo Telegraph, có ba lý do mà ông Abe nghĩ rằng phụ nữ sẽ giúp vực dậy nền kinh tế. 

Thứ nhất, là một trong những nước có tỉ lệ sinh thấp nhất thế giới, dân số Nhật đang già đi. Tokyo cần một kế hoạch hành động để giữ lực lượng lao động không bị co lại.

Thứ hai, Nhật Bản cần đưa phụ nữ vào các vị trí cấp cao khi mà tỉ lệ phụ nữ làm quản lý ở Nhật, như đã nói ở trên, là quá thấp, thấp hơn cả ở Ấn Độ, Bahrain và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất. Theo Telegraph, nhiều nghiên cứu cho thấy đưa phụ nữ vào các vị trí giám đốc sẽ làm gia tăng sự sáng tạo và giá trị của công ty, thu hồi vốn nhanh.

Thứ ba, phụ nữ làm chính khách có lợi cho đất nước. Các nghiên cứu cho thấy số nghị sĩ là phụ nữ tương quan một cách tích cực với sự tăng lên về chi tiêu cho y tế và cũng sẽ dẫn tới việc thu hẹp khoảng cách chênh lệch tuổi thọ giữa hai giới tính.

Ông Abe cũng phải lau dọn nhà

Đệ nhất phu nhân Nhật Bản - bà Akie Abe - kể rằng bà cũng có lịch làm việc bận rộn nên đôi khi chồng bà phải làm chuyện bếp núc và dọn dẹp nhà cửa. Theo The Guardian, bất chấp việc ông Abe mang hình ảnh là một người bảo thủ, bà Akie khoe rằng chồng mình sẽ làm việc vặt trong nhà khi ông ấy có thể. Chồng bà đôi khi cũng cằn nhằn vì nhà cửa không ai dọn dẹp nhưng không bao giờ tỏ ra đòi hỏi.

Bà Akie Abe nói sự linh động này là cần thiết cho sự tiến bộ của phụ nữ Nhật Bản. Phu nhân thủ tướng kể chồng bà còn để bà có thêm thời gian tham gia nhiều hoạt động khác, từ trồng lúa hữu cơ đến xuất hiện tại các buổi diễu hành của người đồng tính. Bà tiết lộ rằng mình là người ủng hộ nhiệt thành chính sách “womenomics” của chồng.

 

VIỆT PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên