Một cụ ông rèn luyện thể lực tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: TTXVN
Các dự luật này được xây dựng trong bối cảnh Nhật Bản đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng do dân số đang già hóa nhanh chóng.
Mặc dù các quy định trong các dự luật trên không có tính bắt buộc nhưng các dự luật này kêu gọi các công ty lựa chọn một trong số năm phương án gồm: Tăng tuổi nghỉ hưu của các lao động, bỏ tuổi nghỉ hưu, cho phép người lao động tiếp tục làm việc sau khi đến tuổi nghỉ hưu, giao khoán một số công việc cho những người đến tuổi nghỉ hưu nhưng muốn tiếp tục làm việc; hoặc bố trí họ làm việc cho một số dự án nhân đạo mà các doanh nghiệp này đang triển khai.
Chính phủ Nhật Bản dự định sẽ đệ trình các dự luật này lên Quốc hội trong kỳ họp thường niên hiện nay để các dự luật có thể có hiệu lực từ tài khóa 2021 (bắt đầu vào tháng 4/2021). Trong tương lai, Chính phủ có thể sẽ bắt buộc các doanh nghiệp phải sử dụng người lao động cho đến 70 tuổi.
Các số liệu thống kê của Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản (MIC) cho thấy vào thời điểm cuối năm 2018, số lượng người từ 65 tuổi trở lên ở nước này là 35,88 triệu người, chiếm tới 28,4% dân số. Đây là nước có tỉ lệ người già cao nhất trên thế giới. Viện Nghiên cứu Dân số và An sinh Xã hội Quốc gia của Nhật Bản ước tính số người từ 65 tuổi trở lên sẽ chiếm 30% dân số vào năm 2025 và 35,3% dân số vào năm 2040.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận