Đó là thông tin nổi bật trong tọa đàm giữa Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản Kato Katsunobu, ngày 5-5.
Không hủy bỏ chương trình thực tập sinh kỹ năng
Theo ông Kato Katsunobu, nhiều phương tiện truyền thông đưa tin Nhật Bản hủy bỏ chương trình thực tập sinh kỹ thuật. Điều này khiến nhiều người lao động nước ngoài lo lắng, trong đó có lao động Việt Nam.
Cụ thể, hội đồng chuyên gia nước này từng nhắc tới cụm từ "hủy bỏ" trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi quy định liên quan đến tiếp nhận thực tập sinh, lao động nước ngoài.
Theo Bộ trưởng Kato Katsunobu, chương trình thực tập sinh kỹ năng có mục tiêu chuyển giao kỹ thuật, đào tạo nhân lực, bổ sung nguồn lao động cho Nhật Bản… Do vậy, Chính phủ Nhật Bản đang tiến hành rà soát chương trình thực tập sinh kỹ năng và lao động kỹ năng đặc định.
"Thực chất, chúng tôi không hủy bỏ toàn bộ chương trình", ông Kato Katsunobu khẳng định.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản nhận định chương trình thực tập sinh kỹ năng đang bị lợi dụng ở một số điểm. Điều này dẫn tới một số thực tập sinh trở thành công nhân "làm việc tay chân".
"Việc thay đổi chương trình này là cần thiết nhằm xây dựng một hệ thống bảo vệ và phát triển nguồn nhân lực mới. Đây được coi là bước ngoặt tư duy mới của chúng tôi trong việc tiếp nhận lao động nước ngoài.
Bên cạnh đó, thay đổi mới này cũng tạo điều kiện cho người lao động nâng cao kỹ năng, tay nghề. Sau khi hết thời hạn làm việc tại Nhật, họ có thể trở về đóng góp cho quê hương bằng những kinh nghiệm, kỹ năng học hỏi được", ông Kato Katsunobu nói thêm.
Sẽ có thông báo chính thức về chương trình thực tập sinh kỹ năng
Sắp tới, Chính phủ Nhật Bản sẽ thông báo thay đổi của chương trình thực tập sinh kỹ năng. Dự kiến, cuối năm nay, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản sẽ hoàn thiện báo cáo trình Chính phủ nước này về những thay đổi của chương trình thực tập sinh kỹ năng.
Ngoài ra, ông Kato Katsunobu còn đề cập câu chuyện nhiều lao động nước ngoài bỏ trốn. Nguyên nhân từ sự thiếu hiểu biết của các doanh nghiệp phái cử ở các nước, các doanh nghiệp tiếp nhận ở Nhật Bản, người lao động phải trả chi phí cao…
Do đó, ông đề nghị hai Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản và Lao động - Thương binh và Xã hội thường xuyên trao đổi, chia sẻ, giải quyết vấn đề thực tập sinh.
Ghi nhận các ý kiến trên, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung bày tỏ ủng hộ Nhật Bản nghiên cứu sửa đổi quy định pháp luật liên quan đến chương trình tiếp nhận thực tập sinh, lao động nước ngoài.
Ông Dung cũng đề nghị phía Nhật Bản tiếp tục quan tâm, đảm bảo các quyền của lao động nước ngoài về thu nhập, bảo hiểm, các chế độ phúc lợi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận