19/10/2020 14:39 GMT+7

Nhật Bản cấy ghép tế bào thị giác từ tế bào gốc đa tiềm năng cảm ứng

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam

Nhật Bản đã tiến hành ca thử nghiệm lâm sàng đầu tiên trên thế giới cấy ghép các tế bào thị giác có nguồn gốc từ tế bào gốc đa tiềm năng cảm ứng.

Nhật Bản cấy ghép tế bào thị giác từ tế bào gốc đa tiềm năng cảm ứng - Ảnh 1.

Một ca phẫu thuật mắt tại Kobe, Nhật Bản. Ảnh: asia.nikkei.com

Ngày 15/10, Bệnh viện Mắt Thành phố Kobe (Nhật Bản) cho biết đã tiến hành ca thử nghiệm lâm sàng đầu tiên trên thế giới cấy ghép các tế bào thị giác có nguồn gốc từ tế bào gốc đa tiềm năng cảm ứng, hay còn gọi là tế bào iPS, để điều trị cho một bệnh nhân bị thoái hóa võng mạc sắc tố.

Thoái hóa võng mạc sắc tố có thể gây ra các vấn đề về thị lực, bao gồm chứng khó nhìn vào ban đêm do các tế bào cảm thụ ánh sáng trong võng mạc mất dần. Ở Nhật Bản có khoảng 30.000 người mắc chứng rối loạn di truyền này và hiện tại vẫn chưa có phương pháp điều trị.

Các bác sĩ ở bệnh viện tỉnh Hyogo, phía Tây Nhật Bản này cho biết tùy thuộc vào mức độ tiến triển của bệnh, thị lực của bệnh nhân được cấy ghép có thể không cải thiện đáng kể.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu vẫn đặt mục tiêu xác minh tính an toàn của việc cấy ghép này trên con người sau khi đã hoàn thành thử nghiệm tế bào iPS trên động vật.

Trên cơ sở đột biến gene được cho là nguyên nhân gây ra sự thoái hóa, nhóm này đã sử dụng các tế bào iPS được phát triển từ tế bào máu của người hiến tặng khỏe mạnh thay vì lấy của chính bệnh nhân.

Các tế bào được nuôi cấy thành mô võng mạc ba chiều bằng cách sử dụng các chất khác nhau, sau đó được tạo thành một tấm chứa các tế bào cảm thụ ánh sáng và cấy vào võng mạc của bệnh nhân.

Bệnh nhân sẽ được theo dõi trong vòng một năm xem cơ thể người này có tiếp nhận các tế bào được cấy ghép hay không. Nhóm nghiên cứu cũng sẽ xem xét liệu có sự trao đổi về "thị giác" giữa các tế bào mới với các tế bào sẵn có trong cơ thể và liệu có sự truyền thông tin đến não hay không.

Tế bào iPS được Giáo sư Shinya Yamanaka của Đại học Kyoto phát triển. Giáo sư Yamanaka đã giành giải Nobel Y học năm 2012 cho thành tựu này, giúp phát triển tế bào thành bất kỳ loại mô cơ thể nào.



Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên