Phóng to |
Các chính trị gia Nhật Bản quan sát quần đảo Senkaku từ xa - Ảnh: Japan Times |
Theo Kyodo, chuyến đi diễn ra một ngày trước phiên điều trần của thị trưởng thành phố Tokyo Shintaro Ishihara trước Ủy ban kiểm toán và giám sát của Hạ viện Nhật Bản ngày 11-6 về kế hoạch mua ba đảo trong quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Giới chuyên gia lo ngại những hành động của các nghị sĩ và tuyên bố mạnh mẽ của thị trưởng Ishihara lần này có thể sẽ khiến Bắc Kinh phản ứng cứng rắn hơn trong tranh chấp chủ quyền ở biển Hoa Đông.
Ảnh hưởng ngoại giao
Tranh chấp ở vùng biển này đã nóng lên từ tháng 9-2010, sau khi lực lượng tuần duyên Nhật Bản bắt giữ một thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc húc vào tàu của Nhật. Căng thẳng Nhật - Trung lại bùng lên vào tháng 4-2012 khi thị trưởng Tokyo Shintaro Ishihara tuyên bố sẽ mua lại quần đảo Senkaku. Chưa đầy một tháng sau, ông Ishihara cho biết đã quyên góp được 1 tỉ yen.
Báo chí Nhật Bản tỏ ra dè dặt trước tuyên bố và kế hoạch mua đảo của thị trưởng Tokyo. Báo Japan Times cho rằng dù ông Ishihara đang tự thể hiện mình là một chính trị gia mạnh mẽ trong bảo vệ chủ quyền, song hành động của ông có thể sẽ gây tổn hại đến mối quan hệ ngoại giao Nhật - Trung. Nhật báo Mainichi nhấn mạnh vấn đề Senkaku vượt ngoài tầm của một chính quyền địa phương và kêu gọi ông Ishihara không được “đơn độc lao vào một cuộc chiến ngoại giao, bởi nó sẽ gây khó khăn cho vai trò chính yếu của chính quyền trung ương”. Báo Asahi Shimbun còn chỉ trích tuyên bố của ông Ishihara là “vô trách nhiệm vì rõ ràng ông ấy biết nó sẽ làm ảnh hưởng đến chính sách ngoại giao của Nhật Bản”.
Nhà phân tích người Nhật Yoshibumi Wakamiya cho rằng những quan điểm của ông Ishihara “có thể sẽ làm leo thang tình hình và khiến Bắc Kinh có cớ bành trướng thêm quân sự của họ ở biển Hoa Đông”.
Dù vậy, thị trưởng Shintaro Ishihara vẫn lên tiếng chỉ trích gay gắt Bắc Kinh đang cố kiểm soát quần đảo Senkaku và nhấn mạnh đây là một giai đoạn trên con đường Trung Quốc tiến tới kiểm soát toàn bộ Thái Bình Dương.
Bắc Kinh lập tức có phản ứng khi cho rằng hành động của ông Ishihara là “vô trách nhiệm, làm vấy bẩn hình ảnh của nước Nhật”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân nhắc lại Bắc Kinh luôn xem quần đảo Senkaku là “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc.
Tokyo cần tăng cường hiện diện trong khu vực
Giới chuyên gia cho rằng Tokyo dường như đang có những động thái nhằm ứng phó với Bắc Kinh trong chiến lược giành chủ quyền ở biển Hoa Đông.
Trong hội nghị lãnh đạo các đảo quốc ở Thái Bình Dương vào cuối tháng 5, truyền thông Nhật Bản đều nêu rõ hội nghị này nhằm đối phó với sự bành trướng của Trung Quốc ở Thái Bình Dương, trong đó có quần đảo Senkaku. Hãng Kyodo lúc đó đã viết: “Việc lần đầu tiên Mỹ có mặt trong hội nghị giữa Nhật Bản và các quốc đảo ở Thái Bình Dương phản ánh sự xuất hiện của một thế lực châu Á mới làm đối trọng ở Thái Bình Dương, nơi mà Trung Quốc đang bành trướng ảnh hưởng của họ. Về phần mình, Nhật Bản hơn bao giờ hết cần tăng cường sự hiện diện của mình trong khu vực”. Báo Yomiri Shimbun dẫn lời giới chuyên gia nhận định Tokyo đang tiếp bước sau Washington tận dụng lý do “an ninh” và “trật tự” hàng hải để chống lại các tuyên bố chủ quyền gây tranh cãi của Bắc Kinh, trong đó có biển Hoa Đông và biển Đông. Bằng chứng là ngay sau khi Tokyo ngỏ ý ủng hộ Philippines trong tranh chấp ở biển Đông, bốn tàu chiến của lực lượng phòng vệ Nhật Bản đã đến thăm Manila kèm theo tuyên bố sẽ cung cấp cho Manila 10 tàu tuần tra mới để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Philippines.
Các hãng truyền thông và chính trị gia của Nhật Bản so sánh tranh chấp ở bãi cạn Scarborough giữa Manila và Bắc Kinh rất giống với tình hình quần đảo Senkaku. Theo Japan Times, đó là lý do mà chính sách quốc phòng của Nhật Bản đã tập trung vào chuỗi đảo phía tây nam nước này, trong đó có quần đảo Senkaku.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận