11/12/2013 08:04 GMT+7

Nhập từ miếng vải đến... công nghệ

T.V.NGHI - C.V.KÌNH - B.HOÀN
T.V.NGHI - C.V.KÌNH - B.HOÀN

TT - Không chỉ ồ ạt nhập các mặt hàng tiêu dùng, nông sản, hàng điện tử, gia dụng..., các nhà sản xuất trong nước cũng thừa nhận đang bị lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc.

Kỳ 1: Nhập từ bao lì xì đến dây thun... Kỳ 2: Nhanh, nhiều, rẻ

y6dK7W9C.jpgPhóng to
Dù trong nước đã sản xuất được khá nhiều loại vải nhưng vẫn lép vế so với các loại vải nhập, trong đó có mặt hàng vải từ Trung Quốc đổ về theo đường biên mậu. Trong ảnh: chợ vải Soái Kình Lâm (Q.5, TP.HCM), nơi tập trung nhiều nguồn vải từ trong nước đến nước ngoài được bày bán tại đây - Ảnh: Hữu Khoa

Viêc nhập máy móc, thiết bị từ Trung Quốc, theo các nhà sản xuất trong nước, là do giá khá rẻ. Trong khi đó, ở các lĩnh vực dệt may, da giày, nguồn nguyên liệu trong nước vẫn chưa đáp ứng được về mẫu mã, chủng loại.

70% nguyên liệu từ Trung Quốc

Sản xuất khoảng 35.000 balô, túi xách/tháng nhưng hơn 70% nguyên phụ liệu để làm ra sản phẩm này đều được Công ty may túi xách Minh Tiến (Miti) nhập từ Trung Quốc. Theo ông Nguyễn Trí Kiên - giám đốc Công ty Minh Tiến, việc lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc khó tránh khỏi bởi nguồn cung trong nước không những phập phù về mẫu mã, chất lượng mà còn thua hẳn về độ nhanh nhạy cung ứng ra các sản phẩm mới.

Theo ông Kiên, một số chủng loại nguyên liệu trong nước cũng có thể đáp ứng được như đầu kéo, dây kéo, thậm chí vải nền chính của balô, “nhưng chúng tôi cũng chỉ mua tạm bợ, bởi mẫu mã trong nước quá chậm, yếu tố thời trang không nhanh bằng Trung Quốc nên buộc phải nhập khẩu thay thế”. Do lệ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc nên dù chưa bị tình trạng đứt hàng, ông Kiên cũng thừa nhận: “Chi phí tài chính dành cho việc nhập nguyên phụ liệu, thời gian lưu kho khá lớn đã khiến vòng xoay vốn chậm, đồng vốn bị ngâm lâu nên sản phẩm làm ra mất đi sự cạnh tranh so với chính hàng Trung Quốc nhập khẩu ngược trở lại VN”.

Ở lĩnh vực may mặc, theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu vải từ Trung Quốc trong mười tháng đầu năm nay đã lên đến 3,15 tỉ USD, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ 2,46 tỉ USD. Các doanh nghiệp trong ngành may mặc cho biết phần lớn lượng kim ngạch này đổ vào nguồn nguyên liệu phục vụ cho hàng dệt may xuất khẩu. Chủ tịch HĐQT một công ty cổ phần may cho biết khi thực hiện hợp đồng, dù làm hàng theo phương thức FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm), nhưng nhà đặt hàng vẫn buộc nhà sản xuất phải nhập khẩu nguồn nguyên liệu ở nơi họ giới thiệu “mà phần lớn những cung ứng đều đến từ Trung Quốc nên chúng tôi chỉ nhập theo chỉ định mà thôi”. Cũng theo vị này, ngay cả khi đơn hàng có nhiều nguồn nguyên liệu nhập khẩu khác nhau như Hàn Quốc, Nhật, nhưng tính ra nguồn vải, phụ liệu các loại có xuất xứ từ Trung Quốc vẫn chiếm áp đảo trong yêu cầu nhập khẩu từ nhà đặt hàng.

Một chuyên gia lâu năm trong ngành da giày cho biết trong cơ cấu xuất khẩu giày hiện nay của VN, lượng giày trung bình thấp và thấp chiếm tỉ trọng khoảng 70%, 30% còn lại là trung cao và cao cấp. Đối với loại giày trung bình thấp và thấp, các doanh nghiệp xuất khẩu có thể sử dụng 90% nguồn nguyên phụ liệu trong nước, nhưng giá trị xuất khẩu thường ở mức thấp.

“Nhưng với tầm trung và cao cấp, có giá trị xuất khẩu cao hơn gấp 5-10 lần, phần lớn da, vải chính, vải lót, các loại trang trí phụ kiện đều nhập từ Trung Quốc, chiếm hơn 60% tổng giá trị đôi giày” - vị chuyên gia này nói. Đáng nói hơn, dù số lượng giày trung cao và cao chỉ chiếm 30%, nhưng lại chi phối gần 50% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu chung của toàn ngành. “Nếu nguồn cung nguyên phụ liệu da giày từ Trung Quốc đột nhiên bị đứt hoặc tăng giá chóng mặt, nhiều doanh nghiệp ngành da giày chắc chắn sẽ bị sụp đổ” - vị này nói.

Ồ ạt nhập máy móc, phụ tùng

Thông tin từ Tổng cục Hải quan cho biết trong mười tháng đầu năm nay, kim ngạch nhập khẩu máy móc thiết bị từ Trung Quốc đã tăng thêm khoảng 1 tỉ USD so với cùng kỳ năm 2012. Cụ thể, kim ngạch nhập khẩu nhóm mặt hàng này đã lên đến 5,28 tỉ USD, tương ứng mức tăng khoảng 23,26%. Hải quan một số cửa khẩu tại TP.HCM cho biết máy móc, thiết bị nhập khẩu từ Trung Quốc chủ yếu là máy mới, nhưng giá rẻ hơn máy của Nhật Bản, Đức... nên doanh nghiệp nhập khẩu về nhiều.

Máy móc nhập khẩu từ Trung Quốc đủ loại, từ lắp đặt dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp đến dùng trong văn phòng, máy dùng trong ngành nhựa, may mặc đến thủy điện... Chẳng hạn, khảo sát một cảng tại TP.HCM trong tháng 11-2013 cho thấy mặt hàng máy móc, thiết bị từ Trung Quốc nhập về đa số có giá thấp như: máy ép nhựa dùng trong sản xuất công nghiệp, máy ép nhựa dùng trong văn phòng, máy dán thùng cactông, thiết bị bay hơi dùng trong kho lạnh công nghiệp, máy cưa kim loại, máy in hạn sử dụng... Thực tế, máy cưa kim loại nhập từ Trung Quốc bán trên thị trường giá chỉ bằng một nửa so với máy nhập từ Đức.

Theo các công ty chuyên nhập khẩu máy móc thiết bị, các loại máy móc của Trung Quốc có mặt ở hầu hết ngành sản xuất. Đơn cử trong ngành nhựa, hàng Trung Quốc có máy nghiền nhựa, dây chuyền sản xuất ống nhựa, sản xuất ống hút, dây chuyền rửa nhựa tái chế... “Hiện nay máy móc thiết bị cũ nhập khẩu từ Trung Quốc bị kiểm soát rất gắt gao. Tuy nhiên, doanh nghiệp thường nhập máy mới từ Trung Quốc với giá thậm chí còn rẻ hơn nhập máy cũ cùng loại ở những thị trường khác”, một doanh nghiệp cho biết.

Ông N.H.K. - giám đốc doanh nghiệp tư nhân TT, chuyên sản xuất các loại bao xốp PE - cho biết phần lớn thiết bị dập, cắt, in trang trí trong chuyền sản xuất đều được ông mua từ Trung Quốc. “So với thiết bị cùng chủng loại của Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật, dù chất lượng máy của Trung Quốc không cao, hay hỏng hóc nhưng giá thấp hơn ít nhất 30% nên tôi vẫn mua. Nếu có hư đi sửa thì chi phí vẫn kham được, còn hơn mua máy của nước khác giá đắt quá không chịu nổi” - ông N.H.K. cho hay.

Theo các chuyên gia, sở dĩ nhập siêu của VN với Trung Quốc cao vì rất nhiều ngành, nhiều lĩnh vực nhập khẩu từ Trung Quốc gần như từ A-Z. Công nghệ nhà máy đường, ximăng, sắt thép, thủy điện hay nhiệt điện... đều chủ yếu nhập từ Trung Quốc. Thậm chí, ngay các tổ máy cho các nhà máy điện lớn nhất của VN như thủy điện Sơn La, dù mua các thiết bị của các hãng thuộc những nước công nghiệp phát triển (G7) nhưng thực tế, máy móc cũng được sản xuất tại Trung Quốc.

Phần lớn nhà máy nhiệt điện đều sử dụng công nghệ Trung Quốc

Ông Tô Quốc Trụ - giám đốc Trung tâm Tư vấn năng lượng, Hiệp hội Năng lượng VN - cho biết để làm một nhà máy nhiệt điện, nếu dùng công nghệ Trung Quốc, suất đầu tư một nhà máy 1.200MW sẽ chỉ khoảng 1,2 tỉ USD. Trong khi đó, nếu dùng công nghệ của các nước công nghiệp tiên tiến (G7), tổng mức đầu tư có thể lên đến 1,6-1,7 tỉ USD. Đây là con số chênh lệch lớn. Vì vậy hiện nay hàng loạt nhà máy nhiệt điện đã, đang và sẽ làm của VN đều mua máy móc, thiết bị từ Trung Quốc, điển hình là các nhà máy nhiệt điện Hải Phòng, Quảng Ninh gần đây... Thậm chí, tại nhà máy này đã có một vị nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định với phóng viên Tuổi Trẻ, đến gạch lát nhà vệ sinh họ cũng mua từ Trung Quốc.

T.V.NGHI - C.V.KÌNH - B.HOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên