08/11/2012 06:55 GMT+7

Nhắn tin quấy rối, đe dọa người khác, tội gì?

DUY THANH
DUY THANH

TT - Trong vòng hai tháng liền, điện thoại di động của ông Nguyễn Văn Cùng, phó bí thư Đảng ủy xã Ninh Tân, thị xã Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa), và con gái ông nhận đến 375 tin nhắn cùng hàng chục cuộc điện thoại lăng mạ, dọa nạt...

Các tin nhắn nói trên đến từ số máy 01273599... Ngoài ra, ông Cùng cho biết: “Nhiều lần tôi và con gái nhận điện thoại từ một thuê bao lạ, giọng đàn ông trong máy đòi đánh, tạt axit con gái tôi...”.

Sự việc chỉ lộ ra khi bà N.T.T. (29 tuổi, giáo viên Trường mầm non Ninh Tân) dùng số máy đã nhắn tin cho ông Cùng và con gái ông để gọi cho một người ở địa phương. Theo thông tin từ Công an xã Ninh Tân, bà T. đã khai nhận vì nghe người chồng vừa ly dị với bà có tình cảm với con gái ông Cùng nên bà bực tức nhắn tin như trên.

Ngày 7-11, ông K’Oanh - bí thư Đảng ủy xã Ninh Tân - cho biết đã lập tổ công tác kiểm tra đảng viên có dấu hiệu vi phạm đối với bà N.T.T.. Cùng ngày, bà Phạm Thị Loan - hiệu trưởng Trường mầm non Ninh Tân - nói đang xin chỉ đạo của cấp trên để thực hiện quy trình xem xét kỷ luật đối với bà T..

Trao đổi về việc xử lý tin nhắn quấy rối như thế nào, luật sư Nguyễn Hồng Hà - phó chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Khánh Hòa - cho biết người bị quấy rối nên chủ động thông báo số thuê bao của người quấy rối cho nơi cung cấp dịch vụ, yêu cầu có biện pháp ngăn chặn tin nhắn hoặc cuộc gọi đến.

Theo luật sư Hà, hành vi quấy rối, xúc phạm người khác bằng gọi điện hoặc nhắn tin qua điện thoại di động khó có thể xử lý hình sự được vì Bộ luật hình sự hiện hành không quy định. Đối với các vụ việc nghiêm trọng, các tin nhắn có nội dung đe dọa giết người hoặc có dấu hiệu tội phạm khác thì người nhận tin phải cung cấp chứng cứ, yêu cầu công an tiến hành điều tra, xác minh, giám định. Từ kết quả xác minh thu thập chứng cứ, tùy từng trường hợp mới có thể xử lý về hình sự hay xử phạt hành chính.

Khó xử lý sim “rác”

Theo luật sư Nguyễn Hồng Hà, việc tìm cho ra người nhắn tin, gọi điện thoại quấy rối, hù dọa, “khủng bố” tinh thần người khác là điều không dễ dàng. Nguyên nhân chính là các đối tượng vi phạm thường chỉ dùng các loại sim “rác”, xài một vài lần rồi bỏ, không đăng ký cụ thể lý lịch người sử dụng dịch vụ như thuê bao điện thoại cố định hoặc thuê bao trả sau. “Lỗi lớn nhất trong vấn đề này, theo tôi, là do việc quản lý sim điện thoại di động trả trước ở VN nhiều năm qua thiếu chặt chẽ. Hiện nay đã có quy định về khai báo chủ thuê bao khi đăng ký sim điện thoại di động trả trước, nhưng thực tế thị trường cho thấy mua được sim “rác” không phải là chuyện khó khăn gì” - ông Hà nói.

Ông Võ Văn Xuân - giám đốc Trung tâm Dịch vụ khách hàng viễn thông Khánh Hòa - cũng thừa nhận từ ngày 1-10-2012, Vinaphone thực hiện nghiêm quy định khai báo thông tin khách hàng khi đăng ký sim điện thoại di động trả trước, “tuy nhiên khó có thể ngăn được tình trạng sim “rác” vì có nhiều trường hợp dùng tên giả, địa chỉ giả để khai báo trước đây, nay chúng tôi mời đến để xử lý nhưng họ chưa đến”.

DUY THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên