Đây là một nội dung của dự án đánh giá khả năng thay thế của quần thể muỗi Aedes Aegypti (loại muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết) mang Wolbachia tại một phường của tỉnh Khánh Hòa, do Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương chủ trì phối hợp với Viện Pasteur Nha Trang, Sở Y tế Khánh Hòa thực hiện.
Tiến sĩ Trần Như Dương - phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương - cho biết Wolbachia là vi khuẩn có khả năng chống lại virút Dengue, được cấy vào trứng muỗi để sản sinh ra loại muỗi mang “văcxin” chống bệnh sốt xuất huyết, khi đốt người không gây lây bệnh.
Lần đầu tiên tại Việt Nam, vào tháng 4-2013, loại muỗi này được thả ra môi trường tự nhiên tại đảo Trí Nguyên thuộc P.Vĩnh Nguyên (TP Nha Trang) nhằm thay thế quần thể muỗi tự nhiên có thể làm lan truyền bệnh sốt xuất huyết ở đảo này.
Tính đến nay đã là tuần thứ 18 trong kế hoạch 23 tuần thả lăng quăng liên tiếp của dự án, muỗi mang Wolbachia đã chiếm 70-80% quần thể muỗi ở đảo Trí Nguyên, tỉ lệ lăng quăng mang Wolbachia đạt 96%. Đây là những tỉ lệ mong muốn đạt được của dự án.
Theo bác sĩ Lê Đức Lương - đội trưởng Đội y tế dự phòng TP Nha Trang, kể từ sau khi thả lăng quăng để sinh muỗi mang Wolbachia, tại đảo Trí Nguyên không phát hiện ca sốt xuất huyết Dengue nào, trong khi tỉnh Khánh Hòa hiện đang dẫn đầu miền Trung về số ca sốt xuất huyết.
GS.TS Nguyễn Trần Hiển - viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương - đề xuất ý tưởng mở rộng dự án thả loài muỗi có vi khuẩn chống sốt xuất huyết này ra toàn TP Nha Trang trong giai đoạn từ tháng 10-2013 đến tháng 9-2016.
Ông Lê Xuân Thân - phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - cho rằng nếu dự án ở đảo Trí Nguyên thành công thì việc nhân rộng loài muỗi chống sốt xuất huyết này ra diện rộng là điều cần thiết, tuy nhiên việc mở rộng thả muỗi ra toàn TP Nha Trang cần phải thận trọng. Việc này cần phải được bàn bạc kỹ với tập thể lãnh đạo tỉnh, Bộ Y tế và báo cáo Chính phủ mới có thể thực hiện vì đây là TP du lịch.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận