Ảnh minh họa. Nguồn: youtube.com
Người xưa đã nói "nhân nào quả nấy". Hạt cam nẩy mầm sẽ thành cây cam chứ không thành cây bắp. Hạt cam là nhân, cây cam là quả. Cây cam được trồng nơi đất màu mỡ, được chăm bón kỹ sẽ lớn mạnh cho nhiều trái ngọt. Cây trồng nơi đất khô cằn, ít chăm bón sẽ khẳng khiu, trái nhỏ khô xấu. Thực tế cho thấy "nhân" nào "quả" đó, nhưng "nhân" tốt thì chưa chắc "quả" đã tốt nếu thiếu đi những yếu tố hỗ trợ cần thiết.
Nhân quả xuất xứ từ Phật giáo nhưng nó không hạn chế trong phạm vi tôn giáo. Nhân là nguyên nhân, quả là kết quả. Các yếu tố thúc đẩy, hỗ trợ để nhân thành quả là duyên. Nhân quả là một định luật của tất cả mọi sự vật. Đối với y học, nhân là nguyên nhân gây bệnh như vi trùng, vi rút, ký sinh trùng… và quả là bệnh như bệnh lao, bệnh tay chân miệng, bệnh giun sán v.v… Các yếu tố thúc đẩy làm cho con người nhiễm bệnh phụ thuộc vào khách quan (môi trường sống, nước, thực phẩm…) và chủ quan của con người (kiến thức, thói quen, tín ngưỡng…).
Hiểu được nhân quả sẽ hiểu được ý nghĩa câu "phòng bệnh hơn chữa bệnh". Trong Đông y có câu "Người thầy thuốc giỏi trị bệnh lúc bệnh chưa phát triển". Y khoa hiện đại cũng xác nhận việc phòng bệnh là quan trọng nhất. Để không có bệnh (quả) cần phải biết nguyên nhân gây bệnh (nhân) và các yếu tố tác động gây ra bệnh (duyên), từ đó tìm cách làm suy giảm những nguyên nhân gây ra bệnh, tìm cách không tạo duyên xấu để cho hậu quả là bệnh dễ xảy ra và củng cố những duyên lành để ngăn ngừa bệnh.
Y học đã tìm ra được nguyên nhân của nhiều chứng bệnh là do vi trùng, vi rút hoặc ký sinh trùng gây ra. Để làm suy giảm những nguyên nhân gây bệnh, các nhà khoa học đã tìm ra vắc xin, được tạo ra từ các vi trùng hoặc vi rút sống, giảm độc lực để đưa vào cơ thể sẽ không gây bệnh hoặc gây bệnh rất nhẹ. Nói một cách khác, vắc xin là một cách thay đổi duyên làm cơ thể không thuận cho sự phát triển của bệnh. Để giảm nhẹ cái quả là bệnh, các nhà khoa học cũng đã tìm ra được thuốc cũng như nhiều phương cách điều trị. Việc điều trị là cách trợ duyên để người bệnh hồi phục sức khỏe. Tuy nhiên, không phải việc điều trị nào cũng thành công.
Con người khỏe mạnh hay bệnh tật thường là kết quả của chính hành động hoặc hành vi của họ. Như vậy những thói quen hằng ngày, những hành vi chính là nhân. Và gieo nhân tốt sẽ gặt được sức khỏe tốt. Trong đợt dịch tay chân miệng vừa qua, các chuyên gia giáo dục sức khỏe khuyến cáo phải rửa tay thường xuyên với xà bông để không lây truyền vi rút và thực tế cho thấy các trường học hoặc cộng đồng nào thực hiện triệt để biện pháp này thì tỷ lệ bệnh giảm rõ rệt. Chi phí để rửa tay rất thấp, chỉ vài ngàn đồng, trong khi đó chi phí điều trị cho bệnh nhân bệnh tay chân miệng lên đến hàng trăm triệu đồng mà đôi lúc cũng không thành công.
Cũng vậy, hút thuốc lá là một thói quen phổ biến, nếu giảm hút, trước tiên bản thân người hút sẽ giảm được các bệnh liên quan đến hô hấp, tim mạch, ung thư mà chi phí điều trị những bệnh này rất lớn. Kế đến, những người chung quanh sẽ không bị ảnh hưởng bởi khói thuốc lá cũng độc hại như người hút. Nếu giảm bia rượu, trước mắt sẽ giảm được tai nạn thảm khốc do rượu gây ra, giảm được những hệ lụy do rượu gây ra cho gia đình. Về lâu dài, người nghiện bia rượu khi giảm hoặc bỏ hẳn sẽ giảm được những bệnh mạn tính như xơ gan, xơ vữa động mạch làm tắc mạch máu não, nhồi máu cơ tim v.v…
Nhân là cái rất nhỏ nhưng quả là cái rất lớn. Hạt cam rất nhỏ nhưng cây cam lại rất lớn. Rửa tay là bình thường nhưng bệnh tay chân miệng hay tiêu chảy lại nghiêm trọng. Điếu thuốc lá rất nhỏ, chai bia, ly rượu cũng nhỏ nhưng tác hại rất lớn cho bản thân và xã hội. Thói quen giữ vệ sinh cá nhân, thói quen luôn thực hành những khuyến cáo có lợi để không tạo cái duyên cho những loại vi trùng xâm nhập cơ thể; tìm cách tránh những nơi dễ gây ra bệnh tật là góp phần vào sự củng cố những duyên không thích hợp cho bệnh phát triển.
Nhân quả không phải là một khái niệm tôn giáo mà là một quy luật thiên nhiên ảnh hưởng thế giới nội tâm và thế giới vật chất. Để có một sức khỏe tốt, một cuộc sống lành mạnh, hạnh phúc không chỉ cho bản thân mà cho cả cộng đồng chung quanh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận