Xuất hiện nhiều tên tuổi lớn trong thương mại điện tử
Chiều 16-1, đại diện Navigos Search (công ty thuộc Navigos Group) cho biết hiện có sự cạnh tranh khá gắt gao trong thị trường thương mại điện tử Việt Nam, với sự xuất hiện mỗi lúc một nhiều tên tuổi lớn có nguồn tài chính dồi dào. Cùng với đó là sự chuyển đổi mạnh mẽ từ xu hướng bán hàng thông qua các kênh truyền thống sang trực tuyến.
Dự kiến sau Tết Kỷ Hợi, lĩnh vực điện tử tiêu dùng sẽ tăng mạnh về nhu cầu tuyển dụng, do một số công ty sẽ tiếp tục vào thị trường Việt Nam, kéo theo nhiều cơ hội lớn cho cả ứng viên lẫn nhà tuyển dụng. Nhu cầu về các vị trí marketing trong ngành trên cũng sẽ tăng, nhất là ở các công ty đa quốc gia.
Một kỹ sư điện trong giờ làm việc - Ảnh: Funkidslive
Không dừng lại ở đó, do nhiều công ty FDI có kế hoạch chuyển nhà máy sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, sẽ xảy ra tình trạng khan hiếm nhân lực trong mảng công nghiệp điện tử. Tuy vậy, các doanh nghiệp trên sẽ đứng trước thách thức lớn trong việc tuyển dụng bởi mức lương đề xuất không có sự cạnh tranh hơn so với các doanh nghiệp hiện tại.
Dự kiến nhu cầu tuyển dụng trong năm 2019 ở mảng sản xuất điện tử sẽ thuộc các vị trí như: quản lý nhà máy; giám sát; cấp quản lý và trợ lý cho khối văn phòng.
FDI, "siêu dự án"... khiến nhân sự bất động sản hot
Trong năm 2019, dự kiến các nhà đầu tư đang có kế hoạch điều chỉnh danh mục đầu tư (cả trực tiếp và gián tiếp), từ đó tác động đến chuỗi cung ứng, dòng vốn FDI vào thị trường bất động sản của Việt Nam.
Trong quý 4 năm 2018, thị trường bất động sản Việt Nam xuất hiện nhiều siêu dự án, khiến các sàn giao dịch bất động sản mới tăng mạnh, kéo theo nhu cầu tuyển dụng các vị trí liên quan đến kinh doanh và marketing.
Ngành dệt may cũng đang khiến nhiều người quan tâm do những lợi ích lẫn thử thách phát sinh sau khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực.
"Điểm cộng" là hiệp định trên thúc đẩy việc xuất khẩu tăng mạnh hơn, đồng thời với lợi thế về mức giá nhân công cạnh tranh, Việt Nam sẽ thu hút được nguồn vốn đầu tư FDI mạnh mẽ hơn, từ đó nhiều việc làm mới cũng được tạo ra.
Tuy vậy, các công ty đa quốc gia đang hoạt động tại Trung Quốc, và cả các công ty nội địa Trung Quốc thuộc lĩnh vực hàng dệt may, giày dép, đồ dùng thể thao... có xu hướng chuyển các đơn hàng và hoạt động sản xuất các nhóm hàng này sang các nước khác nhằm tránh đánh thuế cao. Trong khối ASEAN, Việt Nam được đánh giá là tiềm năng và cạnh tranh nhất cho việc dịch chuyển của các doanh nghiệp này.
Hiện tại, ngành dệt may ở Việt Nam luôn trong tình trạng khan hiếm nhân lực, đặc biệt là những nhân sự cấp trung cấp cao vừa giỏi chuyên môn và có thể giao tiếp tốt tiếng Anh. Hiện nay, một số doanh nghiệp trong nghiệp đang xảy ra tình trạng liên tục mất nhân công, buộc phải thu hẹp sản xuất hoặc sản xuất không hết công suất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận