Bị cáo Nguyễn Đức Kiên - Ảnh: TTO |
Theo án sơ thẩm, Nguyễn Đức Kiên (Nguyên phó chủ tịch hội đồng sáng lập ngân hàng ACB) cùng các cựu lãnh đạo của ngân hàng ACB đã cố ý làm trái, ủy thác cho nhân viên ACB đem 718 tỷ đồng qua Vietinbank gửi và bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt.
ACB và Vietinbank tiếp tục đổ trách nhiệm về 718 tỷ đồng
Luật sư Trương Thanh Đức (bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Ngân hàng ACB) cho rằng ACB không kháng cáo, bản án sơ thẩm xác định ACB là nguyên đơn nhưng bản chất ACB là người bị thiệt hại, thành ra ACB trở thành nguyên đơn dân sự ảo, người bị thiệt hại ảo.
Về việc gửi tiền của ACB tại Vietinbank, luật sư Đức cho rằng hoạt động này không sai vì nó chỉ là một hoạt động uỷ quyền dân sự mà không phải là một hoạt động kinh doanh, không phải là một dịch vụ cần phải xin phép.
Theo luật sư Đức: “Do quy định của pháp luật không cấm ủy thác nhưng lại không rõ ràng, hiểu thế nào cũng được.
Hội đồng xét xử sở thẩm đã nhận thấy vấn đề này nên đã nêu kiến nghị Ngân hàng Nhà nước khẩn trương rà soát các văn bản và có hướng dẫn.
Luật sư Đức cho rằng Vietinbank phải chịu trách nhiệm về việc để Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt 718 tỷ đồng của ACB.
“Vietinbank chuyển tiền sang thẻ tiết kiệm ma. Lỗi chết người của Vietinbank chính là ở đây, rồi sau đó mang thẻ tiết kiệm ma đi cầm cố trái ý chí của người gửi tiền” - Ông Đức nói.
Luật sư Trương Thanh Đức nói tới đây liền bị hội đồng xét xử ngắt lời. Tòa cho rằng luật sư không nên dùng các từ “lỗi chết người”, “thẻ tiết kiệm ma”. Tòa nhắc nhở: “Các luật sư không được dùng diễn đàn này để mạt sát người khác”.
Phản đối lại ý kiến nêu trên của luật sư Đức, luật sư Nguyễn Thị Bắc (bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Vietinbank) lại cho rằng việc chiếm đoạt tiền của ACB là do Huỳnh Thị Huyền Như và xuất phát từ lỗi của nhân viên ACB.
“Nhân viên ACB thờ ơ vô trách nhiệm, phó thác bỏ mặc cho Huyền Như làm các thủ tục để chiếm đoạt tiền. Lợi dụng việc phó thác này, Huyền Như đã chiếm dụng các thẻ tiết kiệm.
Thực chất ACB đã mượn tài khoản của nhân viên để giao dịch ngầm với Huyền Như, để thu lợi bất chính”- Lời luật sư Bắc trước tòa.
Luật sư Nguyễn Thị Bắc cho rằng trách nhiệm bồi thường cho ACB là của Huỳnh Thị Huyền Như chứ Vietinbank hoàn toàn không có lỗi.
Cựu lãnh đạo ACB: "chúng tôi lách luật chứ không làm trái"
Chiều 9-12, các bị cáo đã được hội đồng xét xử cho trình bày bài tự bào chữa.
5 bị cáo Lý Xuân Hải (nguyên Tổng giám đốc ACB), Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang (đều nguyên phó chủ tịch HĐQT ACB) và Huỳnh Quang Tuấn (nguyên thành viên HĐQT ACB) đều trình bày các tình tiết về nhân thân và gia đình để mong tòa giảm nhẹ hình phạt.
Bị cáo Huỳnh Quang Tuấn:" Đây là biến cố lớn cho tôi và đồng nghiệp, tôi rất đau xót!" - Ảnh: T.Lụa |
Bị cáo Lê Vũ Kỳ tại tòa phúc thẩm chiều 9-12 - Ảnh: T. Lụa |
|
|
Ông Phạm Trung Cang: "Sơ suất này làm tôi rất ray rứt, rất ân hận" - Ảnh: T.Lụa |
Trong khi đó, luật sư của các bị cáo này cho rằng thời điểm năm 2010, luật không cấm chủ trương ủy thác gửi tiền nên mong HĐXX xem xét cho các bị cáo.
Bị cáo Lý Xuân Hải cho rằng việc mua cổ phiếu của ACB, bị cáo không biết, cấp dưới không báo cáo.
Giải bày trước tòa về chủ trương ủy thác cho nhân viên ACB đi gửi tiền, bị cáo Trịnh Kim Quang cho biết thời điểm 2010, nhiều ngân hàng gặp khó khăn, hệ thống liên ngân hàng bị tê liệt, ACB dư khoảng 130.000 tỷ đồng nên đã ủy thác cho nhân viên đi vào ngân hàng khác để sinh lợi.
“Chúng tôi lách luật để ủy thác chứ không trái pháp luật, vì chúng tôi không có lựa chọn nào khác, nếu để tiền trong kho sẽ xảy ra hậu quả quá nặng nề, gây chao đảo thị trường…”- Bị cáo Quang nói.
Thừa nhận trách nhiệm của mình, bị cáo Phạm Trung Cang nói trước tòa: “Là thường trực HĐQT ra chủ trương ủy thác gửi tiền nhưng tôi lại không kiểm tra. Tôi xin chịu một phần trách nhiệm. Sơ suất này làm tôi rất ray rứt, rất ân hận”- Ông Cang nói trước tòa.
Ông Cang trình bày hoàn cảnh có mẹ già 87 tuổi ở quê, bản thân ông tuổi đã cao, lại ốm yếu nên xin tòa cho ông được hưởng án treo.
Tự bào chữa trước tòa, bị cáo Huỳnh Quang Tuấn nói: “Đây là biến cố lớn cho tôi và đồng nghiệp, tôi rất đau xót! Bản thân tôi thấy mình có một phần trách nhiệm”.
Sáng 10-12, phiên tòa tiếp tục với phần trình bày bài tự bào chữa của bị cáo Nguyễn Đức Kiên và phần đối đáp của của đại diện VKS.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận