05/08/2016 12:28 GMT+7

“Nhân ái” nhường sân cho “giải trí”

HOÀNG LÊ
HOÀNG LÊ

TT - Việc dừng sóng chương trình Ngôi nhà mơ ước là ví dụ mới nhất cho một thực tế của truyền hình hiện nay: các chương trình nhân ái đang ngày càng lép vế và phải nhường sóng cho các chương trình giải trí, đặc biệt là các chương trình hài.

Chương trình Lục lạc vàng - Ảnh: T.L.
Chương trình Lục lạc vàng - Ảnh: T.L.

Cùng xây tương lai - chương trình truyền hình xây trường học và giúp đỡ người dân ở vùng khó khăn - đã ngưng phát sóng trên HTV7 từ tháng 3-2016 sau hai năm lên sóng.

Bếp yêu thương cũng ngưng từ năm 2015 sau bốn năm hỗ trợ các bếp ăn từ thiện tại bệnh viện và giúp đỡ bệnh nhân nghèo.

Nước sạch cho em đã tạm ngưng trên Let's Việt vào cuối năm 2015 sau khi đem nước sạch đến 21 trường tiểu học miền quê.

Trước đó nữa, chương trình Trở về từ ký ức - kết nối thông tin về liệt sĩ và những người hi sinh trong chiến tranh - cũng ngưng phát sóng trên VTV1 từ tháng 4-2015 sau ba năm lên sóng... Mặc dù trên thực tế một số chương trình này vẫn hoạt động lặng lẽ.

Nhiều nhà sản xuất truyền hình cho biết chi phí sản xuất các chương trình an sinh xã hội, nhân ái cao hơn nhiều so với các chương trình giải trí đơn thuần, vì thế chương trình rất cần nhà tài trợ.

Mặt khác, hiện nay các nhãn hàng không mặn mà đăng ký quảng cáo vào giờ phát sóng này. Vì thế, xét về mặt kinh tế thì các chương trình truyền hình nhân ái, an sinh xã hội không mang lại lợi nhuận nên đang ngày càng bị thu hẹp và mất sóng giờ đẹp...

Chương trình Nhịp cầu ước mơ
Chương trình Nhịp cầu ước mơ

Bà Bích Liên - giám đốc Công ty Sóng Vàng, đơn vị từng phối hợp với VTV2 sản xuất Đèn đom đóm (chương trình truyền hình nhân đạo giúp đỡ các em nghèo, xây trường học ở vùng sâu vùng xa, kết thúc phát sóng từ năm 2014) - kể:

“Những chuyến đi làm chương trình của Đèn đom đóm có khi kéo dài cả tháng mà chỉ sản xuất được hai chương trình (15 phút/chương trình). Phương tiện đi lại, vận chuyển rất khó khăn.

Thậm chí khi xây dựng trường học ở các tỉnh miền Tây Bắc, vài con ngựa thồ chở vật liệu bị lao xuống vực chết. Rất nguy hiểm.

Vất vả là thế nhưng xét về hiệu quả truyền thông thì các chương trình truyền hình nhân ái không cao như các chương trình giải trí, nên các nhãn hàng giờ không mặn mà nữa”.

Theo ông Lê Quang Nguyên - giám đốc Đài PT-TH Vĩnh Long, trước đây đài có tám chương trình phát sóng, nhưng nay rút lại còn năm chương trình như Chuyến xe nhân ái, Thần tài gõ cửa, Thắp sáng niềm tin, Trái tim nhân ái, Địa chỉ nhân đạo.

Ông cho biết: “Sau một thời gian đánh giá lại, chúng tôi thấy rằng một số chương trình xem hơi buồn, hơi ngán nên cần phải thay đổi cách làm mới hơn.

Dĩ nhiên các chương trình nhân ái không có nhiều người xem như các chương trình giải trí, nhưng ý nghĩ về mặt xã hội là rất tốt. Khi phát sóng các chương trình này, chúng tôi không nhắm vào doanh thu. Kinh phí thực hiện thông qua quảng cáo và tài trợ”.

Còn ông Trần Minh Tiến - tổng giám đốc Công ty Lasta, đơn vị sản xuất khá nhiều chương trình truyền hình về an sinh xã hội như Vượt lên chính mình (HTV7), Lục lạc vàng (VTV2), Nhịp cầu ước mơ (Let's Việt)... - khẳng định:

“Hiện tại các chương trình nhân ái gặp nhiều khó khăn vì bị áp lực doanh thu, nhưng các chương trình này sẽ vẫn tồn tại, luôn có chỗ đứng trong khán giả.

Các chương trình thể loại này rất cần sự ủng hộ của nhà đài và sự chung tay giúp sức của toàn cộng đồng”.

Chương trình Vượt lên chính mình
Chương trình Vượt lên chính mình

Nghệ sĩ, MC Quyền Linh: Trái tim mách bảo mình tiếp tục

Nghệ sĩ Quyền Linh, người gắn bó với rất nhiều chương trình truyền hình nhân ái, cho biết tham gia các chương trình này rất vất vả vì phải đi xa, thức khuya dậy sớm, dầm mưa dãi nắng... 

“12 năm tham gia những chuyến đi khắp mọi miền đất nước, cũng có lúc tôi chùn chân vì sức khỏe. Nhưng mỗi tối khi nhắm mắt lại thấy những nụ cười hạnh phúc của các bé được mổ tim, của người nghèo được nhận ngôi nhà mới, của những người dân khi lần đầu đặt chân trên chiếc cầu mới là lòng tôi ấm lại, trái tim mách bảo mình cần phải tiếp tục lên đường”.

Quyền Linh nói về những niềm vui mà anh đã nhận được và thừa nhận một thực tế: “Đôi khi tôi cũng thấy buồn, nhưng khó trách các công ty truyền thông. 

Bây giờ người xem đang thích những chương trình hài, những xìcăngđan, trai xinh gái đẹp... Mà chương trình phải có người xem, có quảng cáo mới có tiền để sản xuất tiếp. 

Còn các chương trình nhân đạo nhân ái không những tiền không vô mà nhà sản xuất còn phải bỏ ra tiền nhiều hơn”. 

Nhưng rồi anh trăn trở: “Bên cạnh tiếng cười sảng khoái trước một tiết mục hài vui nhộn thì cũng cần lắm sự chia sẻ, để lòng nhân ái được nhân rộng đến với nhiều người”.

“Tiếp tục đồng hành cùng xây Ngôi nhà mơ ước”

Xung quanh thông tin Ngôi nhà mơ ước ngưng phát sóng từ ngày 16-7 như thông báo từ fanpage của chương trình, Công ty cổ phần thép Pomina - đơn vị tài trợ chương trình - cho biết thêm:

“Sau 11 năm gắn bó với chương trình, Công ty cổ phần thép Pomina luôn mong muốn làm mới hơn và tốt hơn nữa chương trình này. Hiện tại, chúng tôi đang ký kết hợp đồng với các đơn vị và tổ chức y tế - xã hội để tiếp tục tài trợ cho chương trình nối tiếp Ngôi nhà mơ ước.

Chúng tôi cam kết tiếp tục đồng hành cùng xây Ngôi nhà mơ ước và hơn nữa, đổi mới qua những chương trình chăm sóc y tế để nhiều mảnh đời bất hạnh được hạnh phúc hơn”. Như vậy, với lời hứa của đơn vị tài trợ, hi vọng những mảnh đời nghèo sẽ có thêm những “ngôi nhà mơ ước” của mình.

HOÀNG LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên