
Nha sĩ cho rằng bỏ qua việc đánh răng và dùng chỉ nha khoa là điều tối kỵ - Ảnh: FREEPIK
Dưới đây là chia sẻ từ chuyên gia về những thói quen phổ biến mà họ tránh để bảo vệ sức khỏe răng miệng.
Không nhai đá lạnh
"Nhiều người có thói quen nhai nước đá trong ly nước và không hề để tâm đến tác hại mà hành động có thể gây ra", tiến sĩ Natalie Peterson, phó giáo sư lâm sàng ngành nha khoa tại Đại học Minnesota, cho biết.
Peterson lưu ý rằng đá không chỉ cứng mà còn lạnh, có thể làm gãy răng. Điều này đặc biệt nguy hiểm với người có răng trám.
"Chỉ nghĩ đến việc nhai đá thôi cũng khiến tôi rùng mình", bà chia sẻ.
Không cắn móng tay
Theo tiến sĩ Jennifer Soncini - phó giáo sư lâm sàng nha khoa nhi tại Đại học Boston, cắn móng tay có thể dẫn đến các vấn đề về răng miệng. Thêm vào đó, đây thường là thói quen lặp đi lặp lại, khiến răng phải chịu tác động liên tục.
Khi cắn móng tay, bạn đang làm mòn lớp men ở viền răng, Soncini giải thích. Men răng đóng vai trò quan trọng, giúp bảo vệ răng khỏi sâu, mòn, nhiễm trùng và nhạy cảm với đồ lạnh, nóng hoặc ngọt.
Không dùng răng để mở bao bì hoặc chai lọ
Dùng răng để mở túi bánh snack hay nắp chai nước nghe có vẻ vô hại, nhưng nha sĩ cho rằng không nên.
"Răng khỏe và rất bền, nhưng chúng không được tạo ra để mở nắp chai, xé bao bì hoặc nhai vật cứng", tiến sĩ Jarrett Manning, nha sĩ chuyên về thẩm mỹ và cấy ghép, đồng thời là chủ phòng khám JLM Dental Studios ở Georgia, chia sẻ.
Cách sử dụng răng như vậy gây áp lực không cần thiết lên răng. "Việc đó có thể dẫn đến đau, gãy hoặc nứt răng, cần chữa tủy, thậm chí là nhổ răng", Manning cho biết thêm.
Tránh ăn kẹo dẻo
Các loại kẹo dính như kẹo sâu, gấu dẻo đều là những món mà nha sĩ tránh xa. Chúng dễ mắc lại ở rãnh răng và kẽ răng, có thể gây sâu răng và làm bung miếng trám.
Ngoài các loại kẹo dẻo nói chung, Peterson đặc biệt tránh xa kẹo dẻo chua. "Đó là bộ ba tai hại: dính, cực kỳ ngọt và rất chua", Peterson nói.
Không uống rượu quá mức
Ai cũng biết rằng uống quá nhiều rượu không tốt cho gan, làm tăng nguy cơ ung thư và ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Manning cho biết rượu cũng có hại cho răng.
"Rượu gây khô miệng và giảm tiết nước bọt - yếu tố có vai trò làm sạch miệng, bảo vệ răng và trung hòa axit. Khi thiếu nước bọt, nguy cơ sâu răng sẽ tăng lên", Manning chia sẻ.
Không dùng bàn chải có lông quá cứng
Peterson cho biết bà khuyên dùng bàn chải lông mềm. Bàn chải có lông cứng hoặc trung bình "có thể gây mài mòn mạnh với nướu, dẫn đến tụt nướu, mà một khi tụt rồi thì rất khó hồi phục", bà giải thích. Ngoài ra, loại bàn chải này cũng có thể làm mòn bề mặt răng.
Không hút thuốc
"Tôi sẽ không bao giờ hút thuốc hay dùng sản phẩm chứa nicotine", Manning nói. "Hút thuốc không chỉ gây ra các vấn đề nghiêm trọng với sức khỏe nói chung, mà còn gây tổn thương nghiêm trọng cho sức khỏe răng miệng, làm răng ố màu. Trong những trường hợp nghiêm trọng còn dẫn đến ung thư miệng".
Không quên vệ sinh răng miệng hằng ngày
Nha sĩ cho rằng bỏ qua việc đánh răng và dùng chỉ nha khoa là điều tối kỵ. "Dùng chỉ nha khoa hằng ngày cùng với đánh răng là chìa khóa để chống lại bệnh nướu", Manning nói. Ngoài ra, Soncini cho biết việc đánh răng buổi tối là đặc biệt quan trọng.
"Đừng bao giờ đi ngủ mà chưa đánh răng", Soncini nhấn mạnh. Việc đi ngủ với một khoang miệng sạch sẽ giúp ngăn vi khuẩn sinh sôi qua đêm, bà nói.
Không bỏ lỡ các cuộc hẹn khám răng
"Tôi cũng sẽ không bao giờ bỏ qua các lần khám nha định kỳ", Manning chia sẻ. "Khám răng thường xuyên rất quan trọng để duy trì sức khỏe răng miệng và phát hiện sớm các vấn đề".
Tần suất khám răng định kỳ phụ thuộc vào tiền sử răng miệng và các yếu tố cá nhân khác.
"Lịch khám nên được điều chỉnh cho từng người dựa trên các yếu tố rủi ro và tình trạng răng miệng tổng thể", Peterson nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận