30/05/2015 08:20 GMT+7

Nhạc Việt và câu chuyện tranh chấp hi hữu

QUANG THI
QUANG THI

TT - Không còn giới hạn trong nước, nhạc Việt giờ đây đang xảy ra vụ việc chưa có tiền lệ là tranh chấp bản quyền ở Ðài Loan.

Có lẽ vụ kiện tụng này sẽ giúp các ca sĩ lưu ý hơn nữa điều khoản lãnh thổ mỗi khi ký kết hợp đồng. 

Văn phòng luật sư Hà Hải đã thông báo họ sẽ đại diện cho năm ca sĩ là Bằng Cường, Tống Gia Vỹ, Phạm Trưởng, Nguyễn Thanh Vũ và Akira Phan tham gia vụ kiện tranh chấp bản quyền âm nhạc tại Ðài Loan. Bên bị kiện là Công ty TNHH TM-DV Ðông Hải (TP.HCM).

Trước đó, trong đơn gửi TAND TP.HCM hồi đầu tháng 3-2015, các ca sĩ Tống Gia Vỹ, Phạm Trưởng, Nguyễn Thanh Vũ, Akira Phan trình bày năm 2014 họ ký kết hợp đồng bán bản quyền âm nhạc cho Công ty Huyền Hoặc (Ðài Loan) để công ty này sản xuất karaoke độc quyền ở Ðài Loan.

Tuy nhiên sau đó Công ty Huyền Hoặc của ông Tsao Scheng Ching phát hiện tháng 9-2013, Công ty Ðông Hải ở Việt Nam đã bán bản quyền âm nhạc của các ca sĩ trên cho một công ty Ðài Loan khác là Gao Lê cũng để sản xuất karaoke.

Cho rằng việc này làm mất sự độc quyền thị trường Ðài Loan, ông Tsao Scheng Ching đã yêu cầu các ca sĩ phải kiện Công ty Ðông Hải vì vấn đề bán bản quyền cho Công ty Gao Lê mà không xin phép họ.

Riêng trường hợp ca sĩ Bằng Cường, người đại diện là Lại Văn Minh cho biết trước đây họ có ký hợp đồng bán bản quyền cho Công ty Ðông Hải, nhưng thỏa thuận chỉ được sử dụng trong lãnh thổ Việt Nam.

“Họ lấy phần nhạc, phần lời mix lại thành chương trình karaoke rồi bán qua Ðài Loan mà không cho chúng tôi biết. Tiền trả cũng không đúng công sức. Vậy nên chúng tôi mới đi kiện” - người đại diện của ca sĩ Bằng Cường cho hay.

Được trả tiền để... kiện bản quyền

Phía Công ty Ðông Hải, bà Ðỗ Ánh Tuyết - phó giám đốc công ty - xác nhận tháng 9-2013 bà có ký hợp đồng mua bán nhạc Việt với Công ty Gao Lê của Ðài Loan.

Theo giải thích của bà Tuyết, Công ty Ðông Hải dùng phần nhạc của các ca sĩ lồng với hình ảnh, khung cảnh... để làm nên một chương trình karaoke hoàn chỉnh, sau đó bán cho Công ty Gao Lê.

“Trước khi ký kết với Công ty Gao Lê, chúng tôi đã nhiều lần nhắc nhở họ nên liên hệ với các ca sĩ để mua bản quyền bài hát, còn chúng tôi chỉ bán sản phẩm karaoke. Tôi cho rằng đây chỉ là sự hiểu lầm giữa các ca sĩ với chúng tôi” - bà Tuyết trình bày. Khi vụ việc đã đến tòa án, bà cũng nói bà muốn hòa giải êm thấm bởi các bên đều là đối tác làm ăn lâu dài với nhau.

Tuy nhiên, chuyện hi hữu là để theo đuổi vụ kiện này, văn phòng luật sư Hà Hải phải “chạy” theo các ca sĩ để giục họ... kiện. Còn ông Tsao Scheng Ching cũng phải chịu chi tiền để các ca sĩ... kiện.

Luật sư Hà Hải cho hay: “Chúng tôi phải vất vả đuổi theo các ca sĩ để giục họ kiện. Bởi vì các ca sĩ thường nghĩ những tác phẩm của mình như hương hoa, được thêm một số tiền cũng tốt, mà mất cũng không sao...”.

Chỉ khổ cho ông Tsao Scheng Ching vừa bị mất thế độc quyền ở Ðài Loan, vừa mất thêm chi phí kiện tụng.

Ông nói: “Tôi cũng biết theo đuổi một vụ kiện bản quyền ở Việt Nam là khó khăn. Nhưng tôi sẵn sàng bỏ tiền theo đuổi vụ kiện để xem như một bằng chứng từ Việt Nam mà chúng tôi có thể đưa về Ðài Loan củng cố chứng cứ kiện Công ty Gao Lê”.

Nhạc Việt và thị trường cô dâu Việt

Về mức tổn hại ở vụ kiện trên, luật sư Hà Hải cho hay ông đã tư vấn cho các ca sĩ đưa ra mức yêu cầu Công ty Ðông Hải bồi thường. Theo ông, ở Ðài Loan có hơn 400.000 cô dâu Việt, cộng thêm những người từng kinh doanh, lao động, có quan hệ... với Việt Nam thì khoảng 1 triệu người.

Cho nên các ca sĩ đưa ra mức bồi thường là 3.600.000 đồng/bài hát, trong đó ca sĩ Bằng Cường có 168 bài, Akira Phan: 54 bài, Tống Gia Vỹ: 32 bài, Nguyễn Thanh Vũ: 52 bài, Phạm Trưởng: 47 bài.

Rõ ràng các cô dâu Việt đang mở ra một thị trường mới cho nhạc Việt ở Ðài Loan, hứa hẹn không ít những tiềm năng. Ðó chính là lý do các công ty Ðài Loan sốt sắng nhảy vào, sẵn sàng bỏ tiền để kiện bản quyền.

Còn thị trường nhạc Việt ở Hàn Quốc thì sao? Nếu ai đó từng ghé khu phố Ansan - nơi tập trung đông đảo lao động quốc tế tại Seoul (Hàn Quốc) - sẽ bắt gặp những quán ăn Việt, cửa hiệu điện thoại cả ngày mở xập xình nhạc Việt. Nguyễn Thị Châu - cô dâu Việt có một quán bar nhỏ cho khách Việt ở Ansan và có người thân mở dịch vụ karaoke - cho hay nhu cầu giải trí của cô dâu và lao động Việt Nam ở đây tăng rất nhanh.

Có nhiều quán karaoke của chủ Việt lẫn chủ Hàn đều thuê người Việt phục vụ để dễ dàng tư vấn nhạc Việt. Khi được hỏi họ mua đầu karaoke của công ty nào, có bản quyền không, Châu cho hay các quán karaoke ở Hàn Quốc chỉ mua đĩa lậu để hát.

“Tất nhiên chất lượng không hay bằng karaoke đầu số nhưng khách hàng cũng dễ chịu. Với họ, miễn có cặp loa âm thanh ấm là được!” - Châu nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhạc sĩ Ðinh Trung Cẩn - trưởng đại diện chi nhánh Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc (VCPMC) phía Nam - cho biết Hàn Quốc đã ký kết với Việt Nam các thỏa ước về bản quyền theo quy định quốc tế. Cho nên việc trả tiền bản quyền sẽ được thanh toán hằng năm qua các đại diện chính thức của hai bên.

Riêng Ðài Loan và Việt Nam không ký kết thỏa ước như vậy nên việc giao dịch bản quyền âm nhạc mới được thực hiện trực tiếp thông qua các công ty.

Với nhạc Việt, thị trường của các cô dâu Việt ở Đài Loan mới được chú ý từ năm 2013 trở lại đây. Đây cũng là thời điểm các công ty Huyền Hoặc hay Gao Lê của Đài Loan bắt đầu nhảy vô thị trường này.

Bà Đỗ Ánh Tuyết của Công ty Đông Hải cho hay việc phía Đài Loan chọn các ca sĩ trẻ như Bằng Cường, Akira Phan, Tống Gia Vỹ, Phạm Trưởng, Nguyễn Thanh Vũ năm 2013 cũng là tình cờ. Khi phía Gao Lê đặt yêu cầu, công ty bà Tuyết từng làm việc với các ca sĩ trên nên họ mua.

Sau này, khi họ đặt vấn đề mua nhạc của các ca sĩ tên tuổi hơn như Đan Trường, Cẩm Ly…, bà Tuyết đã trả lời công ty bà không giao dịch nữa.

 

QUANG THI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên