24/07/2019 10:31 GMT+7

Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo: Người từ trăm năm...

PHẠM VŨ thực hiện
PHẠM VŨ thực hiện

TTO - 102 tuổi, Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo xuất hiện và làm nhân vật chính trong cuộc trò chuyện giao lưu 'Chuyện xưa tích cũ' tại Thư viện tỉnh Đồng Tháp chiều 22-7.

Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo: Người từ trăm năm... - Ảnh 1.

Nhạc sĩ Vĩnh Bảo tại cuộc trò chuyện giao lưu “Chuyện xưa tích cũ” ở Thư viện tỉnh Đồng Tháp chiều 22-7 - Ảnh: TỰ TRUNG

Trí tuệ uyên bác, minh mẫn. Ánh mắt linh hoạt, tinh anh. Phong thái duyên dáng, dí dỏm. Trí nhớ tuyệt vời từng cảnh vật, từng việc, từng người từ mấy mươi năm trước. Vẫn như những ngày nào ông thể hiện ngón đàn điêu luyện của mình trong những đêm trò chuyện về âm nhạc dân tộc ở Sài Gòn...

Vẫn ngồi bên cây đàn, nhưng những câu chuyện ông nói hôm nay không chỉ là âm nhạc.

Âm nhạc vô cùng

* Nói chuyện hơn hai tiếng, con gái đến hỏi ông mệt chưa, ông say sưa lắc đầu: "Chưa mệt", nhưng rồi về nhà ông lại ngồi thở. Sự chia sẻ đã mang đến cho ông hứng khởi và sức mạnh thật sự...

- Nhạc sư NGUYỄN VĨNH BẢO: Trước nay tôi luôn sống theo quan niệm giúp được ai cái gì thì giúp. Đến tuổi này, tôi đã được coi như người của thời xưa, may mắn được trải nghiệm, được làm chứng nhân, được thụ hưởng chút gì đó của tiền nhân đã dày công thể nghiệm, sáng tạo.

Tôi cho mình là người cộng tác với người đương thời, nơi nương tựa của hậu thế và sẵn sàng san sẻ những gì đã biết, đã học cho tất cả mọi người, không phân biệt...

* Rời Sài Gòn về lại quê hương Cao Lãnh, Đồng Tháp, nhịp sống của ông có thay đổi gì không?

- Sài Gòn là quê hương gắn bó phần lớn đời người, nhưng Cao Lãnh là nơi chôn rau cắt rốn. Về đây không khí trong lành, yên tĩnh hơn, cảnh vật nhiều thay đổi nhưng vẫn thân quen, mọi người thân thiết, quý trọng. Tôi vẫn làm việc mỗi ngày trên máy tính, dành nhiều thời gian hơn viết nhạc gửi cho học trò ở các nơi.

Thỉnh thoảng có những người không quen biết, chỉ nghe nhạc nhưng đã vượt mấy trăm cây số đến thăm tôi. Rất vui và cảm động, vì họ quan tâm đến tôi tức là rất thiết tha với âm nhạc dân tộc.

* Được biết đến ở khắp thế giới là nhạc sư, nhưng cả đời ông lại sinh sống bằng những nghề rất khác nhau. Âm nhạc đóng vai trò như thế nào trong hạnh phúc của người chơi nhạc, thưa ông?

- Âm nhạc là ngôn ngữ của tâm hồn, liên hệ trực tiếp với tim, với não và cuộc sống sâu kín. Mỗi khi đàn, tôi lại đắm chìm vào trạng thái tĩnh lặng, tìm về nội tâm, hiểu bản thân mình, nỗi thống khổ của kiếp người để tự thanh lọc, tự giải thoát ra khỏi những nguồn gốc của giận dữ, thù hận, sợ hãi.

Từ ấy, tình yêu thuần khiết sinh ra. Âm nhạc đưa tôi trên con đường đi tìm chân lý, yêu mến cái đẹp của thiên nhiên, con người, cuộc đời, yêu tất cả mọi người không phân biệt màu da, ngôn ngữ, địa vị, văn hóa...

Tôi cống hiến đời tôi cho âm nhạc. Âm nhạc thì vô cùng, mà đời người thì hữu hạn. Tôi vẫn còn những ước mơ về âm nhạc chưa với tới được và còn nhiều kế hoạch vẫn phải tiếp tục...

Đừng nhầm trí thức với khoa bảng

* Thưa ông, cả đời ông là một quá trình dài tự học, tự nghiên cứu, từ ngón đàn đến âm nhạc, đến ngoại ngữ, kinh tế, xã hội... mà không cần tới trường lớp, bằng cấp. Ông quan niệm thế nào về tri thức và trí thức?

- Tôi cho rằng tri thức khác với khoa bảng. Tri thức nằm ở mọi người, nằm ở cuộc sống nhiều hơn trong sách vở. Cũng vì vậy, người trí thức không hẳn là người có học vị, bằng cấp cao, sử dụng được nhiều ngoại ngữ. Người trí thức thật sự là người không ngừng học hỏi, am hiểu thời cuộc, biết lắng nghe, biết nghĩ, sáng suốt phân biệt đúng sai, hành xử theo đạo lý, mạnh dạn nói lên những điều mình cho là đúng, chọn con đường lý tưởng...

Người trí thức luôn khiêm nhường, cầu tiến; quý trọng lắng nghe mọi người, dù là người thất học, để trau dồi cho mình kiến thức, suy tư, hiểu biết sâu sắc về con người, cuộc sống... Người chỉ có khoa bảng mà thiếu những văn hóa ấy thì chưa phải là trí thức.

Đừng nhầm lẫn giữa "người trí thức" và "người khoa bảng". Trong khi nhầm lẫn, chúng ta sẽ mặc nhiên để cho những "người khoa bảng" lạm dụng từ ngữ trí thức để mưu lợi cá nhân.

* Vâng, ông cũng từng nói ông đã tìm cách học hỏi từ tất cả những người ông gặp và giao lưu, kể cả về âm nhạc. Vậy theo ông, cần phải thể hiện cách đối xử với người trí thức như thế nào là đúng đắn?

- Suốt thế kỷ vừa qua, chúng ta đã được chứng kiến sự chinh phục sáng chói của khoa học trong mọi lĩnh vực. Người trí thức có quyền được hưởng sự kính trọng và khâm phục của cả nhân loại.

Nếu cứ theo những nếp cũ, giao tiếp, đối xử với trí thức dựa trên bằng cấp, sách vở, giáo điều, dư luận, chỉ chọn những người cùng đồng phục, cùng suy nghĩ, quan điểm là thiếu suy nghĩ sâu sắc, đúng đắn, tự đánh mất cơ hội học hỏi, phát triển. Bản chất của người trí thức là bộc trực, luôn thẳng thắn phô bày cá tính, nét tự nhiên của mình.

Đất nước chúng ta đang rất cần những người trí thức để có thể theo kịp đà phát triển của nhân loại, từ đó mới bảo vệ được độc lập, quyền lợi của dân tộc mình. Đừng để tiếng nói của người trí thức bị cô lập và rơi vào thinh lặng.

* Ai trò chuyện với ông cũng đều thán phục trí nhớ tuyệt vời của ông, như ông vừa thể hiện trong cuộc nói chuyện vừa rồi. Và dường như những người, những chuyện ông nhắc nhớ đều đẹp...

- Cuộc đời tôi đương nhiên có rất nhiều thăng trầm, có lúc đi dạy bằng xe hơi, cũng có lúc trong nhà không còn tiền đi chợ. Những điều ấy mình biết rõ.

Sống trên đời giúp được nhiều người, cũng được nhiều người giúp. Cuộc đời đi qua, những điều tốt đẹp mới ở lại được lâu bền. Tôi đương nhiên cũng biết, cũng nhớ nhiều chuyện không đẹp, nhưng những chuyện ấy không đáng để nhắc đến.

Theo dõi báo chí những ngày này thấy nhiều chuyện xấu ở nước mình, ở cả thế giới. Mà nhân loại đang sở hữu những nguồn năng lượng giàu bất tận, những khả năng khoa học đến vô cùng, thật đáng tiếc biết bao khi những điều đó không được dùng vào lợi ích chung của thế giới mà lại dùng để tăng thêm sự tàn phá, gieo rắc nghèo đói, tai ương.

Mỗi lần đọc những chuyện như vậy, tôi thấy rùng mình và những muốn cất lên tiếng nói của mình kêu gọi mỗi người hãy hướng về cộng đồng, hướng về yêu thương.

* Âm nhạc của ông cũng có giá trị truyền tải tình yêu thương rất lớn. Ngoài ra, ông có thể hiện bằng những cách nào khác?

- Tôi vẫn viết, mỗi ngày, những suy nghĩ của mình. Bằng âm nhạc, bằng tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp, viết cho mình, cho học trò. Tôi cũng muốn truyền tải rộng rãi hơn, nhưng lại có một số người phản ứng tiêu cực và việc tranh luận thì không còn có ích với tuổi của tôi nữa.

Chân dung tự họa

Trăm lẻ hai tuổi, tâm huyết vẫn còn

Như cây cổ thụ, che bóng cành non

Muốn trao báu vật cả đời tích lũy

Cho cả mọi người, không chỉ cháu con.

Mắt còn sáng, danh lợi không che lấp

Tinh thần trẻ trung, vật chất xem thường

Nặng đời người chỉ hai chữ tình thương

Nên suối nhạc như hương bay rộng khắp.

NGUYỄN VĨNH BẢO - 2019

Cuộc đời cống hiến cho nhạc dân tộc

Nhạc sĩ Vĩnh Bảo

Nhạc sĩ Vĩnh Bảo đã cải tiến đàn tranh từ 16 dây thành 17, 19 và 21 dây - Ảnh: NGỌC TÀI

Nhạc sư Vĩnh Bảo tên thật là Nguyễn Vĩnh Bảo, sinh năm 1918 tại Cao Lãnh, Sa Đéc. Tiếp xúc với đàn gáo, đàn kìm, đàn tranh từ khi lên 5 tuổi, ông say mê từ đó và cống hiến cả cuộc đời dài của mình cho âm nhạc dân tộc.

Ông còn là nghệ nhân đóng đàn, đã cải tiến đàn tranh từ 16 dây thành 17, 19 và 21 dây, làm phong phú thêm âm sắc, âm lượng, tăng cơ hội ứng tấu cho người biểu diễn.

Từ năm 1955-1964, ông dạy đàn tranh và là trưởng ban nhạc cổ miền Nam tại Trường quốc gia Âm nhạc và kịch nghệ Sài Gòn.

Năm 1972, ông ghi âm đĩa nhạc tài tử Nam Bộ cùng GS.TS Trần Văn Khê cho Hãng Ocora và UNESCO tại Paris. Năm 1970-1972, ông là giáo sư thỉnh giảng đàn tranh tại Đại học Illinois (Mỹ).

Ông đi diễn thuyết và trình tấu âm nhạc dân tộc Việt Nam nhiều nơi trên thế giới.

Ông đã nhận giải thưởng Đào Tấn, giải thưởng Phan Chu Trinh, được Chính phủ Pháp tặng Huy chương Bội tinh nghệ thuật và văn hóa.

Bảo tàng tỉnh Đồng Tháp dành một gian nhà lưu niệm để trưng bày các nhạc cụ, kỷ vật và tài liệu của nhạc sư tặng.

Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo: Vẫn miệt mài tìm kiếm môn sinh lý tưởng Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo: Vẫn miệt mài tìm kiếm môn sinh lý tưởng

Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo bắt đầu làm quen với nhạc truyền thống từ lúc lên năm. Hai mươi tuổi thành danh (1938) sau khi đĩa Béka của hãng Keller (Đức) mời thu âm. Năm 1950, ông nghĩ đến việc cải tiến nhạc cụ nhạc tài tử Nam bộ, bắt đầu là cải tiến đàn tranh 16 dây ra đàn tranh 17, 19 và 21 dây. Việc làm này gặp phải sự chỉ trích phê bình của một số nhạc sư, nhạc sĩ thời đó.

PHẠM VŨ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên