24/08/2019 08:00 GMT+7

Nhạc số Việt: hơn 10 năm vẫn 'chớm nở'

QUỲNH NGUYỄN
QUỲNH NGUYỄN

TỰ GIỚI THIỆU - Ngay từ đầu năm 2019, nhiều dự đoán cho rằng đây là thời điểm bắt đầu "kỷ nguyên vàng" của nhạc số tại Việt Nam.

Nhạc số Việt: hơn 10 năm vẫn chớm nở - Ảnh 1.

Việc các "chiến binh" của K-pop: BTS (trên), Psy (trái) và Blackpink (phải) chiếm giữ vị trí top 3 đạt 100 triệu views nhanh nhất trên toàn thế giới khiến thị trường nhạc số châu Á, trong đó có Việt Nam thêm hi vọng theo kịp xu hướng thế giới - Ảnh: INTERNET

Hẳn nhiên, dự báo này đến từ những con số thống kê đã được công bố. Ví dụ, trong số 60 triệu người dùng internet tại Việt Nam, 70% sử dụng các dịch vụ giải trí như nghe nhạc, xem video...

Bên cạnh đó, ước tính hiện có hơn 34 triệu người sở hữu điện thoại thông minh ở Việt Nam và dự kiến tới năm 2022, con số này sẽ đạt 53 triệu người.

Lượng người nghe/tải nhạc trực tuyến trong nước cũng được kì vọng sẽ tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn, khi streaming trở thành hình thức phổ biến và hàng ngàn nghệ sĩ đã hiện diện trên các nền tảng stream nhạc.

Những con số đầy hứa hẹn

Sinh sau đẻ muộn, lại lớn cùng thói quen xài miễn phí của hầu hết người Việt nên dù đã trải qua hơn 12 năm, thị trường âm nhạc trực tuyến Việt vẫn đang mới chớm nở sau rất nhiều cuộc đón chào lẫn chia tay những trang web, nền tảng nghe nhạc và các nhà đầu tư mới.

Và phải đến gần đây, khi gần như toàn bộ ca sĩ ra đĩa nhạc hay ca khúc mới đều có cho riêng mình một đối tác phát hành nhạc số thì người ta mới tin rằng nhạc số đang thật sự "sống".

Sự tin tưởng được đẩy lên cao khi ca khúc mới nhất của "hoàng tử nhạc số" Việt Nam là Sơn Tùng M-TP là Hãy trao cho anh đạt được 100 triệu lượt xem chỉ sau nửa tháng ra mắt và 10 triệu lượt nghe chỉ sau hai ngày đăng tải độc quyền trên trang nghe nhạc trực tuyến phổ biến nhất Việt Nam là NhacCuaTui.

Giải trí 24h: Chờ đón MV “Hãy trao cho anh” của Sơn Tùng M-TP

Thành tích lẫn những kỷ lục mới này của Sơn Tùng M-TP khiến những đơn vị kinh doanh nhạc số tin vào tương lai tươi sáng của nhạc số Việt. Bên cạnh đó, sự tăng trưởng đến chóng mặt của thị trường thế giới cũng làm dấy lên hi vọng nhạc số Việt rồi cũng đi vào đúng quỹ đạo hay xu hướng của toàn cầu.

Nhiều lời động viên "cố lên" khi vừa qua, chính các đại diện châu Á mà cụ thể là Hàn Quốc chứ không phải Mỹ, là những quán quân 100 triệu views. Giữ vị trí số 1 là BTS với Boy with luv đạt 100 triệu views sau 1,6 ngày ra mắt.

Hạng nhì là BlackPink với Kill this love đạt 100 triệu views sau 2,6 ngày. Kế đến là Gentleman của Psy đạt 100 triệu views sau 2,8 ngày. Những cái tên đình đám thế giới như Ariana Grande, Taylor Swift hay Adele phải chịu về sau.

Nhạc số Việt: hơn 10 năm vẫn chớm nở - Ảnh 3.

Thực tế vẫn là ly cafe đắng

Thị trường gần 100 triệu dân với hơn 34 triệu người đang dùng điện thoại thông minh chứng tỏ Việt Nam là một thị trường vô cùng tiềm năng, khiến hàng loạt doanh nghiệp nội, ngoại kinh doanh nhạc số hăm hở bước vào thị trường. Nhưng sau một thời gian, thực tế lại có vị mặn, đắng.

Sự ra đi của Guvera (một ứng dụng nghe nhạc trực tuyến của Úc) sau thời gian thu phí thử nghiệm tại thị trường Việt Nam cho thấy vẫn còn rất nhiều khó khăn mà những nhà đầu tư, kinh doanh nhạc số tại Việt Nam phải đối diện.

Tất cả các đơn vị kinh doanh nhạc trực tuyến trong và ngoài nước như: NhacCuaTui (NCT Corp), Keeng (Viettel), Apple Music, Spotify… vẫn đang đau đầu trước câu hỏi: Hành trình đưa nhạc số Việt Nam vào quỹ đạo sẽ đi đến đâu trước thực trạng nghe nhạc miễn phí vẫn phổ biến và gần như là hiển nhiên ở Việt Nam?

Thực tế, lượng người chấp nhận nghe nhạc trả phí tại Việt Nam chiếm chưa đến 1% người sử dụng. Bên cạnh đó, doanh thu quảng cáo trực tuyến ngày càng teo tóp vì Google và Facebook. Trong khi các đơn vị kinh doanh quốc tế liên tục bù lỗ thì nhóm trong nước cũng không khá gì hơn, buộc phải "biến hóa" mô hình kinh doanh từ trải nghiệm, quảng cáo trò chơi trong ứng dụng đến phân phối - phát hành game… chứ không phụ thuộc vào quảng cáo hay phí thuê bao để tồn tại.

Đến nay, để "giáo dục" hay thay đổi thói quen người nghe, ngoài việc đưa ra mức giá thật hợp lý, thật cạnh tranh, tất cả các trang web, nền tảng nghe nhạc trực tuyến kinh doanh tại Việt Nam đều phải chấp nhận vận hành song song ở cả hai hình thức: miễn phí lẫn thu tiền.

Và thị trường phát nhạc trực tuyến, được cho là chỉ mới đang trong giai đoạn chớm nở, sẽ mở ra nhiều cơ hội mở rộng thị phần cho các đấu thủ khi số lượng người nghe trả phí được dự báo sẽ tăng mạnh mẽ trong những năm tới.

Ngày càng có nhiều người nghe chấp nhận đổi quyền sở hữu âm nhạc (CD, file nhạc tải về) để được quyền tiếp cận với kho nhạc phát theo yêu cầu khổng lồ chỉ với mức phí nhỏ, bằng một tô phở, mỗi tháng. Vậy nên, sự tin tưởng về tương lai có lãi từ kinh doanh nhạc số dù khó nhằn nhưng không đến mức là không thể.

Nhạc số Việt: hơn 10 năm vẫn chớm nở - Ảnh 4.

Giao diện NhacCuaTui

Bởi như nhận định của ông Nhan Thế Luân - CEO NhacCuaTui - thì: "Theo thời gian, sự phát triển của Internet đã thay đổi thói quen nghe nhạc của khán giả. Nhạc số không chỉ rút ngắn thời gian ra mắt sản phẩm mà còn tối ưu hóa công đoạn phát hành, từ đó giúp các nghệ sĩ chuyên lẫn không chuyên dễ dàng giới thiệu ca khúc đến tai người nghe.

Người dùng, nhất là các bạn trẻ, đã quen và cũng bắt đầu chấp nhận việc nghe nhạc trả tiền như một điều hiển nhiên trong cuộc sống. Vậy nên chúng tôi tin rằng trong ba đến năm năm kế tiếp, kinh doanh nhạc số tại Việt Nam sẽ có lãi để các doanh nghiệp tái đầu tư và phát triển ngày một tốt đẹp hơn".

Ở quy mô toàn cầu, ngành công nghiệp nhạc trực tuyến hiện có giá trị tương đương 9 tỉ đôla Mỹ và đóng góp tới 47% doanh thu toàn ngành âm nhạc.

Theo báo cáo của Liên đoàn Công nghiệp ghi âm quốc tế (IFPI) được công bố hồi quý I-2019, thị trường phát nhạc trực tuyến tiếp tục tăng trưởng tới 34% trong năm 2018 và được xem là tương lai của hoạt động nghe nhạc, khi mà lượng sử dụng điện thoại thông minh bùng nổ.

Nhan Thế Luân: Mong mỗi trái tim người Việt đều có NhacCuaTui Nhan Thế Luân: Mong mỗi trái tim người Việt đều có NhacCuaTui

QUẢNG CÁO - Nhân kỷ niệm sinh nhật 12 năm NhacCuaTui, ông Nhan Thế Luân - CEO NhacCuaTui - đã dành cho Tuổi Trẻ Cuối Tuần một cuộc trao đổi cởi mở và đầy tâm huyết về nhạc số và những khát vọng trong tương lai.


QUỲNH NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên