26/01/2016 13:11 GMT+7

Nhạc số cho người nghe trên mạng: đổi mới hay là chết

THU NGUYỆT (theo Economic)
THU NGUYỆT (theo Economic)

TTO - Cuộc cạnh tranh giữa các ứng dụng nhạc kỹ thuật số sẽ còn khốc liệt, và người nghe nhạc trên mạng sẽ được lợi.

Taylor Swift sẽ tung DVD 1989 World Tour bán trên Apple Music.

Cố bắt kịp trào lưu âm nhạc mới nhất là chuyện khó “trần ai”. Nhớ lại thời những năm 1980-1990, mỗi năm, bảng xếp hạng Billboard 200 giới thiệu khoảng 500 nghệ sĩ và 30.000 album mới. Do đó, chỉ những tín đồ cuồng nhạc mới có thể dành thời gian để khám phá núi âm nhạc này.

Nhưng đến hôm nay, làm gì có chuyện người nghe ngồi “đào bới” nổi đống nhạc này bởi số lượng album và số lượng nghệ sĩ xếp hạng trên bảng Billboard đã tăng gấp đôi.

Các ứng dụng nghe nhạc trực tuyến góp phần giúp người nghe giải quyết vấn đề này. Hầu hết những thư viện âm nhạc trực tuyến giới thiệu những ca khúc mới theo gu của từng người dùng.

Nổi tiếng là thị trường âm nhạc kỹ thuật số dạng thương mại điện tử (marketplace), iTune store của hãng Apple giới thiệu người nghe mua và tải những ca khúc phù hợp với gu của họ.

Ứng dụng Spotify lại cho phép người nghe truy cập vào hằng hà sa số những thư viện âm nhạc, thậm chí, ứng dụng này còn gợi ý những ca khúc hợp gu của người nghe.

Một số hãng khác lại áp dụng chiến lược phân tích âm nhạc và cách thức này đang phát triển hàng ngày. Người nghe nhạc không chỉ có nhiều sản phẩm để lựa chọn mà còn có quyền chọn lọc nhiều loại thông tin, nguồn truy cập bổ ích hơn.

Trang âm nhạc trực tuyến Tidal do Jay-Z, chồng của nữ ca sĩ nổi tiếng Beyonce, làm “chủ xị”, ra mắt năm 2015.

Năm 2015 chứng kiến sự thay đổi của ngành công nghiệp âm nhạc trực tuyến khi tiếp tục cải thiện, giúp người dùng có thêm nhiều lựa chọn thông qua hai vụ sáp nhập.

Đầu tiên là vụ mua Ticketfly – đại lý bán vé xem ca nhạc của hãng Pandora (một trong các đối thủ cung cấp nhạc radio trực tuyến của Apple). Pandora đang cạnh tranh với Spotify và Apple Music trên thị trường đang phát triển chóng mặt - thị trường các ca khúc được nghe (tăng trưởng 50% trong năm ngoái).

Tờ báo chuyên về tài chính Financial Times cho biết trong vòng 6 tháng kể từ khi ra mắt, tổng lượng người dùng đăng ký sử dụng và trả tiền cho ứng dụng Apple Music đạt mức 10 triệu người, Trong khi đối thủ đàn anh Spotify phải “hì hà, hì hụi” gần 6 năm mới đạt được con số này.

Còn hãng Pandora hiện chỉ mới đạt 3,9 triệu/78 triệu người dùng chịu chi cho dịch vụ nghe nhạc trả tiền của hãng.

Pandora khác với các đối thủ khác là người dùng truy cập danh sách nhạc chạy liên tục, tương tự như một đài phát thanh cho cá nhân, rất tiện cho những người yêu nhạc không có thời gian ngồi dò tìm các ca khúc.

Gần nửa lượng người dùng của Pandora ở mức ngoài 34 tuổi. Pandora sử dụng thuật toán như gửi kèm thông tin về các chặng lưu diễn sắp tới của ca sĩ đang biểu diễn, từ đó giới thiệu người dùng cơ hội gặp gỡ thần tượng của mình bằng xương bằng thịt khi mua vé tại Ticketfly.

Chiến lược sáp nhập các “chiêu thức” này rất kinh tế khi Pandora đáp ứng việc Ticketfly thỏa mãn nhu cầu muốn xem ca sĩ bằng cách mua vé của người yêu nhạc.

Tuy nhiên, cái giá 450 triệu USD mà Pandora trả để mua Ticketfly là quá đắt. Năm ngoái, cổ phiếu của Pandora giảm gần 25% và tháng rồi Pandora thông báo đang nợ 300 triệu USD.

Trong khi đó, nhiều tin cho rằng Facebook đang phối hợp với nhiều ca sĩ tự do và đầu tư bán vé trực tiếp ngay trên “sân nhà” của mình. Dĩ nhiên, nếu chuyện này xảy ra, Facebook sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh của Ticketfly và sẽ khiến Pandora mất ăn mất ngủ.

Ngoài ra, Pandora còn có điểm yếu là chỉ hiện diện tại 3 thị trường: Mỹ, Úc và New Zealand, trong khi sản phẩm của Mark Zuckerberg lại dàn trải toàn cầu.

Thậm chí, xét về mặt ngang vai bằng vế với Apple, Pandora cũng chịu “dưới cơ” khi có tin cho rằng iTunes Radio sẽ về tay Apple Music.

Người dùng chẳng cần đăng ký nghe nhạc trả tiền vẫn có thể truy cập hàng tá các thể loại âm nhạc và các ca khúc hiện hành (ví dụ nhạc của Dr. Dre, Pharrell Williams).

Thậm chí, người dùng còn có quyền bỏ qua những ca khúc không muốn nghe mà chẳng phải mất thời gian phải nghe quảng cáo. Hãng Apple còn dự tính “thôn tính” đối thủ bằng cách cho người dùng tự tạo kênh nhạc của mình căn cứ theo gu nhạc mà họ thường hay dò tìm trên Apple.

Với cơ sở dữ liệu chứa vô vàn các ca khúc đình đám, phổ biến với giới trẻ, rõ ràng Apple đang hoàn toàn trên cơ Pandora.

Hàng loạt tên tuổi nổi tiếng như Madonna, Chris Martin, Rihanna, Kanye West, Daft Punk, Alicia Keys... ủng hộ trang âm nhạc trực tuyến mới Tidal. Ảnh: Reuters.

“Phi vụ” sáp nhập thứ hai là vụ mua lại tạp chí âm nhạc trực tuyến Pitchfork. Ông trùm truyền thông Condé Nast (chủ của các tạp chí nổi tiếng như Vogue, The New Yorker’s, Vanity Fair…) quyết định mua lại tập chí này và định hướng tấn công vào giới khán giả nam.

Hơn 20 năm ra mắt, Pitchfork thu hút nhiều người nghe nhạc khi hiện tại website này có 7 triệu lượt người truy cập/tháng. Tương lai khá sáng sủa cho Pitchfork khi có thêm kinh phí để hoạt động, tiếp tục cung cấp những bình luận âm nhạc hay cho người nghe sau khi được Conde’ Nast mua lại,

Tuy nhiên, vụ sáp nhập này cũng ẩn chứa nhiều rủi ro. Người hâm mộ sợ rằng Pitchfolk sẽ lạc mất định hướng ban đầu đó là cung cấp những bình luận âm nhạc chất và thông minh, thay vào đó là những bình luận nhạt nhẽo (dù tạp chí vẫn có sự tham gia của người sáng lập và trưởng ban biên tập tiền thân của Pitchfork – Ryan Schreiber).

Điển hình là việc một cộng tác viên của Pitchfork từ chối bình luận về nữ ca sĩ Taylor Swift vì cho rằng “không xứng tầm”. Hoặc chuyện Pitchfork mở đề tài bình luận về cô nàng đình đám Kim Kardashian dù Kim không phải là ca sĩ.

Và cả chuyện Pitchfork ra danh sách các Music Video hay nhất năm 2015 trong đó có những cái tên “nhẵn mặt” như Rihanna, Drake, Beyoncé, Nicki Minaj… Thậm chí, Pitchfork còn bị so sánh với tạp chí âm nhạc nổi tiếng của Anh NME đang phải phát hành miễn phí vì làm ăn thất bát.

Nhìn chung, trên phương diện lý thuyết, hai vụ sáp nhập của Pitchfork và Pandora đang theo chiều hướng có lợi cho người nghe. Nhưng có thể chỉ trong nhất thời bởi Pitchfork có thể mất dần tiêu chí bình luận âm nhạc của mình khi tạp chí này đang bị các đề tài thời trang, phong cách… chiếm lĩnh dần.

Chưa kể đến trong lĩnh vực thuật toán, Apple Music và Facebook có thể sẽ hạ gục Pandora lẫn Ticketfly. Hai đại gia này đang cung cấp cho người nghe thêm nhiều cơ hội để được nghe nhạc mới, hay… trên mạng.

* Trang âm nhạc trực tuyến của Jay-Z được ủng hộ mạnh mẽ

THU NGUYỆT (theo Economic)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên