20/09/2020 09:55 GMT+7

Nhạc sĩ Phó Đức Phương - người tài hoa về cõi phù vân

NGỌC DIỆP
NGỌC DIỆP

TTO - Nhạc sĩ Phó Đức Phương đã trút hơi thở cuối cùng vào sáng 19-9 trong niềm tiếc thương vô hạn của nhiều người. Có lẽ phải rất lâu nữa nền âm nhạc Việt Nam mới có được một nghệ sĩ tài hoa như tác giả Trên đỉnh Phù Vân.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương - người tài hoa về cõi phù vân - Ảnh 1.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương - Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN

Nhiều nhạc sĩ chỉ có 1-2 bài để đời là đủ để công chúng nhớ họ lâu dài. Trong khi Phó Đức Phương có rất nhiều bài nổi tiếng. Mà thú vị ở chỗ, các tác phẩm của ông không bài nào giống bài nào, vậy mà khi nghe người ta vẫn nhận ra là Phó Đức Phương.

Nhà phê bình NGUYỄN QUANG LONG

Đêm Khúc hát phiêu ly hôm 10-7 tại Nhà hát lớn Hà Nội, không chỉ người nhà của nhạc sĩ Phó Đức Phương mà ca sĩ, khán giả đều xúc động khi thấy hình ảnh nhạc sĩ ngồi trên ôtô vừa lấy tay vỗ nhịp vào thành cửa xe vừa hát một ca khúc rất hào sảng do chính ông sáng tác.

Một sự nghiệp đồ sộ

Đêm nhạc được tổ chức để động viên tinh thần nhạc sĩ trong những ngày ông đang chiến đấu với bệnh ung thư tụy hóa ra lại là cơ hội để công chúng nhìn lại sự nghiệp âm nhạc của Phó Đức Phương - một sự nghiệp thực sự đồ sộ.

Mỹ Linh hát "Trên đỉnh Phù Vân" - Video: NGỌC DIỆP

Là người Việt, ai chẳng từng một lần được nghe: Những cô gái quan họ, Về quê, Hồ trên núi, Không thể và có thể, Một thoáng Tây hồ, Huyền thoại hồ núi Cốc, Chảy đi sông ơi, Trên đỉnh Phù Vân.... Đó là những tác phẩm không chỉ nổi tiếng ngay từ khi ra đời, mà qua thời gian càng khẳng định được sức sống lâu bền.

Điều khiến ông trở thành độc nhất là bởi ông không chỉ sở hữu một tâm hồn nghệ sĩ bay bổng mà còn là con người của khoa học, của lý tính.

Lời ca của Phó Đức Phương đẹp, giàu tính triết lý, trí tuệ, lãng mạn bao nhiêu thì cấu trúc bài hát và giai điệu của ông lại chặt chẽ bấy nhiêu.

Nhà phê bình Nguyễn Quang Long đánh giá Phó Đức Phương là một trong những nhạc sĩ có ảnh hưởng sâu sắc đến nền nhạc nhẹ của Việt Nam: "Ông là một trong số ít nhạc sĩ không chỉ tạo nên phong cách riêng mà phong cách âm nhạc của ông còn có tác động lớn đến đời sống âm nhạc, tạo ra ảnh hưởng trong nhiều thập niên và tiếp tục ảnh hưởng đến tận bây giờ".

Với giới ca sĩ, âm nhạc của Phó Đức Phương là một thách thức để họ chứng tỏ tài năng. Các tác phẩm của ông đã góp phần đưa những danh ca của nền nhạc nhẹ Việt Nam như Thanh Lam, Mỹ Linh, Tùng Dương... vào thời kỳ huy hoàng của giọng hát.

Minh Thu - người đã làm hai album với nhạc sĩ Phó Đức Phương - chia sẻ: "Ông là người thầy vĩ đại của tôi, là người khiến tôi nể trọng cả về nhân cách và tài năng. Với tôi, ông đích thực là mẫu người quân tử, sống hết mình, yêu ghét rất rõ ràng, thấy cái gì đúng sẽ làm, mặc kệ ai nói ra nói vào".

Vui vẻ trước cái chết

Đầu năm 2020, nhạc sĩ Phó Đức Phương phát hiện mình mắc bệnh ung thư tụy. Trong suốt quá trình điều trị, "ông già gân" sống đúng tinh thần của Mãn Giác thiền sư: "có bệnh bảo mọi người".

Ông vui vẻ chấp nhận bệnh tật, thật thà thú nhận "có lúc tớ đau tưởng không qua khỏi..." và luôn để những người đến thăm mình thấy vui vẻ, thoải mái khi ra về.

Dù sút cân, hốc hác, ánh mắt của ông vẫn sáng quắc, giọng nói vẫn sang sảng. Trước đêm Khúc hát phiêu ly, ông còn hát "thị phạm" bài Trên đỉnh Phù Vân cho ca sĩ Mỹ Linh. Ông còn ghi âm giọng nói: "Rất chắc chắn tôi sẽ trở lại, các bạn đợi tôi nhé" gửi tới đêm nhạc.

Nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến nhận định: "Âm nhạc của nhạc sĩ Phó Đức Phương có ảnh hưởng rất lớn tới thế hệ sau, từ cấu trúc âm nhạc, hình tượng âm nhạc đến chủ đề tác phẩm. Nhạc của ông gợi rất nhiều niềm cảm hứng.

Phó Đức Phương nghiên cứu rất sâu về tâm linh, ông có thể ngồi hàng giờ để nghiên cứu đề tài. Ông còn mảng ca khúc tâm linh chưa công bố, đây là mảng ca khúc mà người nghe sẽ cần thời gian để thẩm thấu".

Nằm trên giường bệnh, ông vẫn nung nấu sáng tác tiếp chuỗi ca khúc lấy cảm hứng từ lịch sử dân tộc, tri ân những vị anh hùng dân tộc đã bảo vệ non sông đất nước.

Ông thú thật: "Tớ viết những tác phẩm này vì tớ căm những kẻ nhăm nhe xâm chiếm bờ cõi nước Nam. Tớ viết những tác phẩm này vì luôn có một tiếng nói trong đầu thôi thúc tớ phải viết ra".

Với niềm tin đó, nhạc sĩ Phó Đức Phương đã sống những ngày cuối đời với tất cả niềm ham sống mãnh liệt. Đến giây phút cuối cùng của cuộc đời, con người nhạc sĩ vẫn đau đáu với vận mệnh của đất nước.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương sinh năm 1944. Quê nội của ông ở Hưng Yên, quê ngoại của ông ở Bắc Ninh - hai mảnh đất có ảnh hưởng sâu sắc đến những sáng tác của ông sau này.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương từng là sinh viên khoa toán Trường đại học Sư phạm nhưng bỏ dở để lên Nông trường Cửu Long (Hòa Bình) làm việc. Khi trở về Hà Nội, ông thi vào Trường Âm nhạc Việt Nam và bắt đầu sự nghiệp sáng tác sau đó.

Từ năm 2002 đến 2018, ông làm giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam. Ông đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật đợt 1-2001.

Những khúc ca như dấu chim thiêng

Anh Phương đi trước nhé. Nước rồi cũng bốc hơi, ai rồi cũng phải bay về đâu đó. Ta sinh ra là bước vào con đường đi đến cõi chết. Ta không sợ chết, chỉ sợ sống chưa đủ.

Tôi không biết chắc anh Phương còn thiếu điều gì chưa làm xong. Vợ anh đẹp, con anh làm nhạc giỏi hơn cha là nhà có phúc, anh lo cho đồng nghiệp chuyện bản quyền bạc cả tóc, lại chạy vạy cùng tôi làm đơn lên Chính phủ cứu thủ đô dừng làm tàu điện trên cao Cát Linh - Hà Đông khiến phố phường bị phá nát.

Anh bỏ viết nhạc làm những điều mình cho là đúng. Chắc anh còn điều gì đó mà thấy mình sống chưa đủ.

Tôi cũng như mọi người Việt yêu nhạc thì thấy anh đã sống đủ rồi. Chỉ cần vài khúc ca để lại trên đời rồi bay đi, thế là đủ một cái tên nhạc sĩ Phó Đức Phương.

Những khúc ca như dấu chim thiêng không phải ai cũng có, rồi sẽ lẫn lộn và bay đi cả đàn rợp trời nhiều thế kỷ, biết dấu chân nào của anh Phương, anh Hoàng Vân, Đỗ Nhuận... Nhưng ai cũng biết đó là loài chim của thiên đường, của người nhà Trời.

Ai rồi cũng sẽ chết, nhưng mấy ai biết sống sao cho tử tế như các anh.

Chia tay anh, vài dòng như lời tự nhủ thôi. Ở nơi anh đến, nhớ kiếm vài hòn đá trong rừng yên tĩnh, để nhóm bốn anh em cùng ngồi.

Bên ly rượu hồ đào, bên một nàng tiên ít nói. Mình nhâm nhi và lặng lẽ ngắm cái đẹp với một chút lâng lâng. Thế người ta gọi là trời đánh cũng chưa chết.

Với tôi, sống hay chết không quan trọng bằng bạn có hạnh phúc không.

Nhạc sĩ TRẦN TIẾN

nhạc sĩ phó đức phương

Nhạc sĩ Phó Đức Phương đã qua đời ngày 19-9

Nhạc sỹ Phó Đức Phương đã từ giã cõi đời vào lúc 12h18 ngày 19-9 tại Bệnh viện Quốc tế Vinmec sau một thời gian chống chọi với căn bệnh ung thư tuỵ, hưởng thọ 76 tuổi.

Lễ viếng nhạc sỹ Phó Đức Phương diễn ra từ 11h30 đến 13h45 ngày 24-9-2020 (tức ngày 8-8 âm lịch) tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông - Hà Nội.

Lễ an táng tổ chức vào buổi chiều cùng ngày tại nghĩa trang Công viên Thiên Đức - Phú Thọ.

Nghệ sĩ thương tiếc nhạc sĩ Phó Đức Phương: Vĩnh biệt Nghệ sĩ thương tiếc nhạc sĩ Phó Đức Phương: Vĩnh biệt 'tráng sĩ mạnh mẽ của sông Hồng'

TTO - Nhiều nghệ sĩ đã chia sẻ cảm xúc của họ trước sự ra đi của nhạc sĩ Phó Đức Phương. Ông đã cống hiến một cuộc đời nghệ thuật với nhiều tác phẩm đi cùng năm tháng và nhận được sự kính trọng lẫn yêu thương của nhiều ca sĩ, nhạc sĩ tên tuổi.

NGỌC DIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên