Nhạc sĩ Đỗ Bảo - Ảnh: TIẾU TÙNG
Nhạc sĩ chuyên viết tình ca gọi Tôi là anh lính binh nhất là bản tình ca anh dành tặng cuộc sống mến yêu.
Ca khúc mới bắt nguồn từ suy tư của tác giả khi đọc được những lời tâm sự trên báo của anh lính binh nhất tên Ya Thiện - người đồng bào dân tộc K’Ho, công tác tại Sư đoàn 302, được thủ trưởng phân công vào TP.HCM tham gia chống dịch.
Những căng thẳng, mệt mỏi, ngột ngạt, khó khăn của ngày tháng qua là điều có thật, song nếu cứ đắm chìm vào đó thì ta không thể có được động lực nào để sống cho ra hồn nữa.
Nhạc sĩ Đỗ Bảo
Hấp lực của văn hóa nước ngoài và những đề tài bị bỏ quên
* Khi đọc được những lời chia sẻ của anh lính binh nhất Ya Thiện, cảm xúc của anh ra sao?
- Đây là lần đầu một anh lính đến với thành phố hoa lệ vốn nổi tiếng sôi động, tấp nập nhưng lại không được thụ hưởng đầy đủ những vẻ đẹp hay nhịp điệu vốn có của nó. Thay vào đó, anh bước vào một thành phố vắng lặng, khi thành phố trở lại vẻ đẹp đẽ vốn có thì cũng là lúc anh phải nói lời tạm biệt.
Trong bối cảnh căng thẳng đó, anh vẫn mở lòng mình để kể về khó khăn của bạn anh ấy là lính tuyến đầu ở biên giới, kể về những vẻ đẹp xung quanh. Những hẻm đường, công viên, tình người với người, đó là những đóa hoa "chọn ngày gian khó đến nở trong tim" anh.
Những người như anh ấy cũng là những đóa hoa như vậy, chỉ khi gian khó chúng ta mới thấy...
Tôi rất xúc động khi thấy những đoàn bác sĩ hay bộ đội thay phiên nhau đi về các tỉnh. Không ai mong chờ và thích thú những ngày gian khó, nhưng chỉ có khi đó, ta có thể thấy được lòng người và khát vọng của con người.
Chia sẻ bình dị của anh lính binh nhất ấy cho tôi chút lạc quan, ít nhiều thức tỉnh tôi. Nếu các lực lượng y tế, bác sĩ, bộ đội, tình nguyện viên, nhiều người căng mình ở tuyến đầu còn có thể suy nghĩ tích cực, lạc quan thì tại sao chúng ta lại cứ than vãn khi còn được bình yên trong nhà. Chuyện đó nhắc tôi nhìn đời sống rộng và sinh động như nó vốn có.
Khi viết bài hát Tôi là anh lính binh nhất, bản thân tôi đã có những lúc vỡ òa cảm xúc, muốn rơi nước mắt. Nó cũng là một bài hát tôi dường như viết cho mình, giải tỏa những trăn trở và mong đợi của mình. Tôi luôn thích đề tài trong sáng tác của mình đa dạng, không đóng khung vào mảng miếng nào.
* Điều anh vừa nói khiến tôi nhớ ra hình như nhạc Việt đương đại thời gian qua đang thiếu cái sự đa dạng đó?
- Kinh tế thị trường ghê lắm; nó dẫn đến việc những bài hát viết về những nhóm người đặc thù, những nhóm người thiểu số trong xã hội trở nên hiếm hoi hơn hoặc ít được số đông quan tâm. Sự quan tâm và trân trọng đúng mực dành cho những nhóm người hay nhóm khán giả thiểu số cũng bị giảm đi phần nào.
Khi viết ca khúc này, nó cũng gợi cho tôi nhớ về những câu chuyện và những con người ít được chú ý - những con người lâu rồi ta không còn để ý đến nữa, dù họ vẫn đang hiện diện trong đời này, thậm chí từng được xem là những lớp người quan trọng trong với lịch sử.
Chẳng hạn, ở thời chiến, viết về người lính là mảng đề tài chủ đạo; nhưng sang thời bình, mảng nhạc này không nhận được sự chú ý đã đành, mà ngay cả những bài hát khác không bám "trend", không đi theo "phong cách thời trang" du nhập từ phương Tây cũng bị giảm đi mối quan tâm. Nói cách khác, người nghe bị ảnh hưởng bởi xu hướng.
Hấp lực của văn hóa nước ngoài lớn đến mức nhiều người thụ động trước một số mảng đề tài vốn dĩ vẫn còn đó sự hấp dẫn, tiếng nói riêng. Một anh lính binh nhất, một người y tá, một người thợ lò... họ cũng cần được kể những câu chuyện của họ. Đây là câu chuyện vĩ mô mà trách nhiệm phần nào thuộc về những nhà làm chính sách văn hóa, chính sách truyền thông.
Có người không tin nhạc sĩ tình ca viết bài hát về người lính
* Cách nhìn cuộc sống ở trạng thái cân bằng cũng là quan điểm sống của anh?
- Tôi chỉ cố gắng công bằng và cân bằng giữa các giá trị đan trộn trong cuộc sống, giữa các luồng văn hóa, cũng như với các sự thật xung quanh.
Nếu có một điều gì sai, hay một khía cạnh nào đó không hay trong xã hội thì phải nhìn nhận rằng nó không hay, không thể nào tô hồng một cách duy ý chí được. Nhưng nếu có một điều gì tốt đẹp thì dù nó nằm ở cá thể nào, tập thể nào... thì mình vẫn phải trân trọng. Tôi nghĩ mọi điều trong đời sống đều có những vai trò hay lý do quan trọng với riêng nó. Không có điều gì thật sự vô nghĩa cả.
Với các tác giả nói riêng, việc quan sát rộng và rung cảm đủ nhiều các cung bậc cảm xúc sẽ giúp anh ta viết bất cứ điều gì mình quan tâm mà không thẹn. Khi bài hát này ra, tôi nghĩ là có thể đâu đó một vài ý kiến thắc mắc tại sao Đỗ Bảo lại viết một bài hát như thế? Bài hát tuyên truyền ư? Họ không tin nhạc sĩ tình ca viết ra một bài hát về đề tài này.
Là một người viết nhạc, tôi không thấy bài hát mâu thuẫn gì với các ca khúc khác của mình. Thậm chí có một điều kỳ lạ: đây lại là ca khúc mà khi viết xong, tôi vội vàng đi khoe khắp nơi. Từ xưa đến giờ, chưa có tác phẩm mới nào của tôi mà tôi từng làm như vậy. Tôi nhớ là mình rất vui khi thấy một Đỗ Bảo mới mẻ. Tôi thấy mình ổn hơn khi viết bài hát này.
* Bỏ qua những suy nghĩ trong việc tiếp nhận ca khúc viết về người lính (thường bị gắn mác chính trị, tuyên truyền, giáo điều), tôi rất muốn nhìn ca khúc mới của Đỗ Bảo như một gợi mở cho những ca khúc mới viết về người lính hôm nay...
- Đây cũng là điều khiến giới tác giả trăn trở nhiều năm qua. Tôi không muốn câu trả lời của mình trở thành một gợi ý nào đó có vẻ to tát. Chỉ có một điều ai cũng thấy rõ: có nhiều đề tài không dễ để viết cho hay. Nói như thế không có nghĩa viết những ca khúc đề tài tình yêu thì dễ. Viết tình ca không khéo cũng dễ thành sáo rỗng, thừa thãi; có điều nếu so sánh với một ca khúc viết về đề tài người lính thì một bản tình ca nhạt nhẽo ít bị phản ứng, phán xét hơn.
Trong khi ở đâu đó, người nào đó vẫn thích những "lời nói to", chẳng hạn viết về lính thì nhất thiết là hành khúc, hô hào. Quan niệm này vốn phát huy hiệu quả giục giã lên đường trong một giai đoạn lịch sử, thì giờ đây có lẽ lại không thật phù hợp.
Âm nhạc nhìn chung cần đi từ cảm xúc chân thành, lay động mang ý hướng tốt đẹp của người viết là cốt yếu, còn hình thức của nó tôi cho thế nào cũng tốt cả. Tôi hy vọng ca khúc mới của tôi có thể là một tham khảo mở ra những gợi ý nào đó trong việc sáng tác đề tài người lính cho thế hệ tác giả sau tôi, kể cả những tác giả không thuộc quân đội cũng có thể viết về những đề tài như thế. Tại sao không?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận