21/03/2021 12:52 GMT+7

Nhạc sĩ Bảo Chấn: Tôi từng đau xót, còn giờ thản nhiên vô cùng

MI LY thực hiện
MI LY thực hiện

TTO - 'Tôi sáng tác nhưng không tung ra, không đưa cho bất cứ ai. Những sáng tác ấy vẫn còn nằm im trên giấy, lâu lâu tôi xem lại, nhặt sạn. Tôi gửi gắm trong ấy những tâm tư về cuộc đời...'.

Nhạc sĩ Bảo Chấn: Tôi từng đau xót, còn giờ thản nhiên vô cùng - Ảnh 1.

Nhạc sĩ Bảo Chấn bên vợ và đứa cháu trong căn nhà ở TP.HCM - Ảnh: MI LY

"Anh Bảo Chấn là một "quý tộc" xét về dòng dõi và cả trong nghệ thuật. Bao nhiêu năm qua, sự nghiệp vững vàng ở tư cách một nhà hòa âm, chỉ huy ban nhạc đã cho thấy một Bảo Chấn tài hoa rất mực và luôn là một nhân vật đáng nể trọng. Bảo Chấn gắn liền với Làn sóng xanh và tạo ra một phong cách sáng tác cũng như hòa âm mới, vừa đầy nghệ thuật vừa dễ phổ cập. Anh là người tài hoa đầu bảng của âm nhạc Việt Nam.

Nhạc sĩ QUỐC BẢO

"Vẫn là âm nhạc, luôn là âm nhạc. Âm nhạc với tôi là một" - nhạc sĩ Bảo Chấn khẳng định, dù những sáng tác gần nhất vẫn im lìm trên giấy. Từng đau xót vì nghi vấn đạo nhạc, suy sụp khi người em trai Bảo Phúc qua đời năm 2009, nhưng hiện tại ông sống bình tâm.

Gần đây, Bảo Chấn được người em - nhạc sĩ Quốc Bảo mời tham gia thực hiện album Điều kỳ diệu của số 3 và chương trình âm nhạc 30 năm tình ca Quốc Bảo. Đây là lần hiếm hoi ông xuất hiện trở lại vì sự thương quý với người đồng nghiệp.

Nay 71 tuổi, trò chuyện với Tuổi Trẻ trong căn nhà ở quận 3 (TP.HCM), nhạc sĩ Bảo Chấn bình tâm sau những sóng gió cuộc đời.

Âm nhạc chưa bao giờ rời khỏi cuộc đời tôi

* Gần đây, ông còn sáng tác không, thưa ông?

- Hầu như không, chỉ thỉnh thoảng nhưng cũng nguội dần do tuổi tác. Trước tôi có sáng tác nhưng không tung ra. Tôi không làm demo, không đưa cho ca sĩ thu âm, không đưa cho bất cứ ai nghe, cả đồng nghiệp lẫn người thân, bạn bè. Những sáng tác ấy không có công chúng, vẫn còn nằm im trên giấy. Lâu lâu tôi xem lại, nhặt sạn.

Những sáng tác đó có âm hưởng người già. Tôi gửi gắm những tâm tư về cuộc đời. Hồi trẻ tôi viết về người yêu, về những mối tình. Bây giờ, tôi nhìn cuộc đời qua con mắt người già. Người trẻ nhìn con sông lai láng, chảy ra biển cuồn cuộn, còn người già nhìn con sông vừa phẳng lặng vừa xa cách. Một dòng sông, đôi bờ không bao giờ gặp nhau. Những suy nghĩ ấy tôi đưa vào ca từ.

* Có nghệ sĩ về già thì sáng tác lại hóa trẻ thơ, hướng về thời thơ ấu. Ông có lúc nào như vậy không?

- Bài Hoa cỏ mùa xuân là tôi viết cho trẻ con đó, hay các bài tôi viết cho Bảo Phúc mà chưa công bố. Hoa cỏ mùa xuân được viết cho con gái đầu của tôi, khi nó 16, 17 tuổi chớm biết yêu.

Tôi vẫn hay quan sát con lớn lên. Năm 10 tuổi, con ngại không muốn cha dừng xe đón ngay cổng trường nữa, mà bắt dừng xa một quãng. Năm 14 tuổi, con nói cha đừng "theo dõi" nữa. Rồi khi con có người yêu, ngồi ôm cuốn sổ làm thơ làm đồ. Tôi biết chứ, tôi viết ngay bài Hoa cỏ mùa xuân.

Các ông già, mà nhất là nhạc sĩ, ngồi một chỗ mà biết hết nhưng không bao giờ can thiệp.

Các bài hát tôi viết cho Bảo Phúc cũng là những dòng kỷ niệm. Tôi nhìn dòng sông ở Huế, tôi nhớ Phúc. Những ngày thời bé, nước trong Đại nội lụt lên đến Thượng thành. Nhà tôi sát tường thành, mà trong thành người ta trồng chuối. Hai anh em tôi với thằng Huy, thằng Quyền chặt chuối làm bè, trôi theo nước lụt xuống cống Lương Y. Cả đám khóc dữ lắm. Bà con phải quăng dây kéo vô.

Bây giờ tôi về Huế, khung cảnh khác đi nhiều. Có những nơi chốn đã nhốt tuổi thơ của mình trong đó, giờ nhìn lại không còn giống nữa. Những căn nhà cũng trở nên nhỏ xíu.

* Những đổi thay, mất mát ấy có khiến ông chán chường âm nhạc?

- Đời tôi, "cú" nặng nhất là mất Phúc. Bảo Phúc em tôi. Phúc ra đi là tôi gần như ngừng sáng tác từ đó. Vì Phúc là ruột thịt. Cả cuộc đời học nhạc của nó, hầu hết là tôi phụ đạo. Phúc rất sợ tôi nhưng lại là đồng nghiệp. Phúc vui lắm, trai lơ. Tôi viết nhiều bài hát sau này, như bài Sông khuya, Nỗi đau ngọt ngào là về nó đó. Phúc mất đi, tôi trống rỗng lắm.

* Với nhạc sĩ, âm nhạc như xương sống của một con người. Nếu rời xa âm nhạc, "xương sống" của ông là gì?

- Vẫn là âm nhạc, luôn là âm nhạc. Âm nhạc với tôi là một. Tôi nghĩ đến nó hằng ngày. Nhưng không có nghĩa là tôi chỉ nghĩ đến nhạc của mình, tôi nghe nhạc của nhiều người lắm. Chỉ có điều, tôi chưa nghe nhiều nhạc Việt Nam bây giờ, có lẽ lỗ tai tôi chưa đủ giỏi chăng (cười)? Họ không sai nhưng mình không quen.

Âm nhạc chưa bao giờ rời khỏi cuộc đời tôi. Khi tôi nằm ngủ, nó luôn văng vẳng. Tôi nghe nhạc từ nhỏ tới lớn, từ cổ điển, tân cổ điển đến nhạc nhẹ, nhạc jazz.

Người ta vẫn còn hát Tình thôi xót xa rất nhiều

* Bây giờ, thỉnh thoảng có nghệ sĩ bị nghi đạo nhạc nhưng hầu như không ai mất sự nghiệp vì điều đó. Nhìn lại chuyện của ông năm 2004 với ca khúc Tình thôi xót xa, ông có còn đau xót?

- Hồi đó tôi từng đau xót, còn bây giờ tôi có câu trả lời rồi. Câu trả lời là người ta vẫn còn hát Tình thôi xót xa rất nhiều. Sự việc ngày trước không phải là cách phê bình để mình tốt lên, mà vì mục đích khác. Tôi không còn để tâm nữa.

Phê bình thì hãy nói về nhạc, về lời, phê bình chuyên nghiệp về nghiệp vụ. Nếu người ta sai, hãy gói gọn trong nghiệp vụ. Thời đó tôi ngu ngốc nên mới bị đau, còn giờ tôi thản nhiên vô cùng.

Nhưng tôi không đau bằng những đứa nhỏ trong nhà, các con tôi. Người ta lèo lái, tạo nên dư luận, nó quá đáng quá, nó lớn hơn cả bài hát vì cạnh tranh nghề nghiệp.

* Thật buồn khi một thế hệ tài năng lớn của nhạc Việt đang dần qua đi?

- Mọi thứ đúng như nó vốn có, có phải mình tôi đâu. Anh Dương Thụ, anh Phú Quang, anh Trương Ngọc Ninh, một thế hệ "dữ dằn" đã buông súng rồi, bởi người ta không thuộc về. Còn anh Phó Đức Phương thì mất rồi.

Anh Dương Thụ còn có một sự nghiệp riêng ngoài âm nhạc là nhà tâm lý học, người tổ chức các chương trình cho người trẻ. Tôi không có khiếu đó. Tôi thường chỉ ngồi cà phê với người trẻ để tìm hiểu nhau.

* Thế hệ sau có nhạc sĩ Quốc Bảo luôn trân trọng ông. Ông nghĩ sao về tấm tình nghệ sĩ ấy?

- Tôi biết Quốc Bảo thương tôi lắm. Bảo là nhân vật dữ dằn á, giỏi, là con người vượt lên số phận, vượt lên mọi thứ để tạo con đường riêng của mình, là một nhân vật đáng quý.

Thời tôi nổi tiếng, đối với đàn em, chưa bao giờ tôi xấc xược. Tôi đối xử ngang hàng, không bao giờ nói về những thiếu sót trừ khi họ hỏi. Tôi nói với tính chất trao đổi, chứ không bao giờ lái sang dạy bảo. Thành ra, điều sung sướng nhất của tôi là các đàn em từ nhỏ tới lớn đều kính trọng.

Nhạc sĩ Bảo Chấn so sánh chuyện viết nhạc như việc trồng cây Nhạc sĩ Bảo Chấn so sánh chuyện viết nhạc như việc trồng cây

TTO - Trong buổi ra mắt album vol.4 'Nguyễn Hải Yến & Những tình khúc Bảo Chấn' vào chiều 26-11, nhạc sĩ Bảo Chấn đã so sánh viết sáng tác như việc trồng cây và ký bản quyền một trang A4 danh sách bài hát cho ca sĩ Hải Yến.

MI LY thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên