Phóng to |
Bài hát Đường xa tuyết trắng trong bộ phim Hai phía chân trời mang lại nhiều cảm xúc cho người xem - Ảnh: T.L. |
Ca khúc bỗng dưng nhiều người biết đến khi phim chưa lên sóng khiến nhà sản xuất phim Siêu thị tình yêu lúng túng. Ông Trần Minh Tiến, giám đốc Hãng phim Lasta, nói: “Sự ồn ào của Nơi tình yêu bắt đầu trong thời gian vừa qua chúng tôi chẳng được lợi lộc gì, lại còn khiến bộ phim Siêu thị tình yêu bị ảnh hưởng ít nhiều. Chúng tôi phải lên kế hoạch phát sóng bộ phim này sớm hơn dự định, bởi nếu để trễ hơn nữa phim ít được quan tâm hơn”.
Bất ngờ nổi tiếng
Bài hát Nơi tình yêu bắt đầu do diễn viên kiêm nhạc sĩ chuyên viết nhạc phim Tiến Minh viết cho phim Siêu thị tình yêu từ năm 2009. Có lẽ mọi việc sẽ lặng lẽ cho đến khi phim lên sóng nếu như Tiến Minh không giới thiệu ca khúc này cho ca sĩ Bằng Kiều nghe, và sau đó Trung tâm Thúy Nga mua lại tác quyền để hát trong chương trình thực hiện trong năm 2011.
Giọng ca của Bằng Kiều cộng với giai điệu da diết, khắc khoải khiến Nơi tình yêu bắt đầu vượt ra khỏi khuôn khổ của một bộ phim truyền hình để đến với người nghe một cách độc lập. Qua mạng xã hội YouTube có đến hơn 3 triệu lượt người nghe Bằng Kiều hát ca khúc này. Đặc biệt hơn, khi thí sinh Bùi Anh Tuấn trình bày Nơi tình yêu bắt đầu tại cuộc thi The Voice, thì bài hát tiếp tục trở thành hiện tượng với số lượng người truy cập lên đến gần 4,5 triệu.
Không quá “nóng” như Nơi tình yêu bắt đầu nhưng ca khúc Đường xa tuyết trắng (sáng tác Lê Anh Dũng) trong bộ phim Hai phía chân trời (đang phát sóng trên VTV1) cũng đang tạo được sự quan tâm của người xem với gần 30.000 lượt người xem trên YouTube. Mỗi khi Tùng Dương cất tiếng: “Tìm nơi xa xôi nhọc nhằn nỗi đắng cay/ Hòa trong nước mắt rơi cùng bông tuyết/ Để chìm trong ký ức nhạt nhòa/ Mơ về một ngày mai bóng ai lấp đầy thương nhớ...” nhiều người đã thổn thức.
Nickname Chi Lê giãi bày: “Bài hát hay, ý nghĩa. Kết nhất đoạn điệp khúc cao trào, dạt dào cảm xúc”. Triyenbang thì chia sẻ: “Trước khi sang CH Czech, thấy những người sang đây lao động rồi gửi tiền về cảm thấy sao họ sướng quá. Đến lúc đặt chân lên mảnh đất này, tự đi làm thêm vào cuối tuần, tiếp xúc với họ mới biết những đồng tiền họ gửi về là đầy gian khổ và mồ hôi. Tiền không dám tiêu để dành cho ba mẹ, cho em út học hành. Cảm thấy ngưỡng mộ và đồng cảm”. Còn Dohaiba 32 bày tỏ: “Ai đã sống ở châu Âu thì nghe bài hát này càng buồn da diết!”.
Chọn nhạc sĩ còn khó hơn diễn viên
Một trong những người rất chăm chút cho âm nhạc phim của mình đó là Vũ Ngọc Đãng. Anh cho biết ngay từ khi bắt tay viết kịch bản anh đã phải tính toán luôn những phân đoạn nào sẽ đưa nhạc vào cho hợp lý và ai sẽ là người viết nhạc phim. Những dự án phim của Đãng luôn có 5-7 ca khúc mới. Đãng bật mí: “Chọn nhạc sĩ viết nhạc phim còn khó khăn hơn cả diễn viên.
Người sản xuất và đạo diễn phải biết được nhạc sĩ nào phù hợp với nội dung và cách làm phim của mình mới hi vọng thành công. Ví dụ như với những bộ phim tình cảm nhẹ nhàng như Tuyết nhiệt đới tôi đặt hàng cho Thủy Tiên, còn phim mạnh mẽ như Bỗng dưng muốn khóc tôi chọn Minh Thư. Trong bộ phim mới của mình Vừa đi vừa khóc tôi đang lựa chọn một nhạc sĩ có thế mạnh về ghita”.
Trong chương trình trên VTV, đạo diễn Vũ Hồng Sơn khẳng định: “Nhạc trong phim như một nhân vật đi song hành cùng phim, giúp nhân vật diễn tả được chiều sâu hơn”. Đạo diễn Nguyễn Khải Hưng thì cho rằng: “Một bộ phim sau khi phát sóng có thể sẽ quên nội dung nhưng nếu bài hát hay người ta sẽ nhớ mãi”.
Rõ ràng tầm quan trọng của âm nhạc không thể phủ nhận, nhưng trong tình hình các hãng phim đang thắt lưng buộc bụng thì vấn đề này lại đang ít được chú ý nhất. Hiện nay mặt bằng chung các nhà sản xuất trả cho nhạc sĩ viết ca khúc trong phim dao động từ 5-10 triệu đồng/bài, tùy thuộc tên tuổi của nhạc sĩ. Nhưng cũng có nhạc sĩ nhận lời làm ca khúc trong phim chỉ với giá 700.000-1 triệu đồng.
Thông thường một bộ phim nhà sản xuất đặt hàng cho nhạc sĩ viết hai ca khúc mới để đưa vào phần mở đầu và kết thúc của phim. Nhưng đôi khi để tiết kiệm, một bộ phim chỉ có một ca khúc sáng tác mới. Thậm chí có phim bê luôn cả ca khúc cũ vào phim cho khỏe. Như trong Lâu đài tình ái, các nhà làm phim đưa hai ca khúc cũ là Lâu đài tình ái của Trần Thiện Thanh và Tôi ơi đừng tuyệt vọng của Trịnh Công Sơn làm ca khúc chủ đạo.
Thù lao viết kịch bản phim truyền hình cố định và khó có thể làm giàu được từ việc sáng tác này. Nhưng trường hợp của ca sĩ Thủy Tiên là ngoại lệ. Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng kể: “Khi nhận lời viết nhạc cho phim truyền hình, Thủy Tiên đề nghị không lấy tiền công sáng tác với điều kiện là cô toàn quyền sử dụng các ca khúc này. Dĩ nhiên nhà sản xuất đồng ý vì bớt được một khoản chi phí. Nhưng với Thủy Tiên, sự tính toán khôn ngoan này đã giúp cô kiếm bộn tiền từ ca khúc của mình qua việc hợp tác với nhà mạng để kinh doanh nhạc chuông, nhạc chờ”.
Trong một chọn lựa khác, diễn viên Khương Ngọc cũng đang bắt đầu tập tành viết nhạc phim. Hai ca khúc do anh sáng tác Đến trường thôi và Tình yêu lạ kỳ được sử dụng trong hai bộ phim truyền hình Ngôi đền cổ tích và Chàng trai không biết ghen ít nhiều đã được người xem để ý.
Khương Ngọc cho biết: “Ca khúc trong phim giúp người nhạc sĩ đến với công chúng nhanh hơn bởi nó được tác động cả về phần nghe và nhìn, đồng thời thẩm thấu từng ngày từng ngày khi phim phát sóng”.
Cách đây mười mấy năm, trong thời vàng son rất nhiều bài hát trong phim trở thành ca khúc độc lập được nhiều người yêu thích như: Bài ca đất phương Nam (tác giả Lư Nhất Vũ sáng tác cho bộ phim Đất phương Nam), Trên mảnh đất tình người (tác giả Trần Long Ẩn, phim Đất khách), Những nẻo đường phù sa (tác giả Bảo Phúc, phim Những nẻo đường phù sa), Mong ước kỷ niệm xưa (tác giả Xuân Phương, phim Xin hãy tin em)... Gần đây nhất là ca khúc Giấc mơ tuyết trắng (Thủy Tiên, phim Tuyết nhiệt đới),Ngôi nhà hạnh phúc (Thủy Tiên, phim Ngôi nhà hạnh phúc)... Đáng tiếc là sự phát triển ồ ạt của phim truyền hình trong những năm gần đây thì nhạc phim lại không được các nhà sản xuất chú ý nhiều. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận