20/05/2016 11:12 GMT+7

Nhà văn Nguyễn Khắc Phục qua đời vì ung thư phổi

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Nhà văn Nguyễn Khắc Phục vừa trút hơi thở cuối cùng, giã biệt văn đàn vào 3g45 ngày 20-5 tại Bệnh viện quân y 103 (Hà Nội), sau 11 tháng chống chọi với căn bệnh ung thư phổi.

Nhà văn Nguyễn Khắc Phục. -Ảnh: Hội Nhà văn Việt Nam

Theo tin từ nhà văn Trần Nhương - người gẫn gũi với gia đình nhà văn Nguyễn Khắc Phục -  ông ra đi thanh thản nhẹ nhàng mặc dù chứng ung thư phổi đã di căn lên não.

Nhà văn Nguyễn Khắc Phục sinh năm 1947 tại Sài Gòn, quê gốc ở làng Cổ Lễ, Trực Ninh, Nam Định. Theo nhà văn Nguyễn Việt Chiến, năm 1952 ông theo gia đình trở về quê Bắc.

Năm 20 tuổi, đang học Trường Trung cấp hàng hải, Nguyễn Khắc Phục nổi danh là người viết truyện ngắn hay (như Hoa cúc biển, Ngã ba vô tình) và kịch bản sân khấu Người từ giã cuối cùng. Kịch bản này sau đó được đạo diễn Đặng Nhật Minh chuyển thể thành kịch bản phim đầu tay Những ngôi sao biển.

Ông được cử đi học lớp bồi dưỡng những nhà văn trẻ khóa IV của Hội Nhà văn Việt Nam ở Quảng Bá, Hà Nội rồi được cử vào chiến trường khu V làm công tác tuyên huấn và dân vận.

Năm 1976 ông chuyển về công tác tại Xưởng phim truyện Việt Nam và nổi tiếng khắp nước với nhiều kịch bản phim nhựa như: Chiến trường chia nửa vầng trăng, Sơn ca trong thành phố, Tự thú trước bình minh, Nhiệm vụ hoa hồng, Học trò thủy thần, Lạc cầm thứ mười ba và đặc biệt là phim Bọn trẻ được trao giải thưởng huy chương vàng cho kịch bản văn học trong liên hoan phim quốc tế Á-Phi năm 1994.

Đạo diễn Tô Hoàng - người theo dõi sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Khắc Phục từ thời chiến  tranh, từng dành cho Nguyễn Khắc Phục những nhận xét trân trọng:

“Phục nhanh chóng gia nhập hàng ngũ cùng những Thi Hòang, Hoàng Hưng, Vũ Quần Phương, Lưu Quang Vũ, Bằng Việt… Rồi Phục lên đường vào Chiến trường Khu V để không bao lâu sau có ngay trường ca Ăn cốm giữa sân, kịch Vườn thầy Năm.

Vào năm 1977, 1978 anh có kịch bản văn học Thành phố không bị chiếm (Nhà xuất bản Tác Phẩm Mới – Hội Nhà văn in vở kịch này thành sách), đạo diễn Phạm Kỳ Nam dựng thành một bộ phim truyện nhựa dài 9 cuốn với tên mới Tự thú trước bình minh”.

Ông Tô Hoàng cũng nhớ lại giai đoạn sau khi học ở Nga về, Nguyễn Khắc Phục lần lượt cho ra đời bộ ba tiểu thuyết Học phí trả bằng máu, Đầu sóng, Thành phố đứng trước biển và hàng chục vở kịch sân khấu… từng thu hút công chúng rất sôi nổi lúc bấy giờ.

Cho đến cuối đời, thống kê chưa đầy đủ cho thấy Nguyễn Khắc Phục đã viết 12 cuốn tiểu thuyết, 12 kịch bản phim, 70 kịch bản sân khấu được các nhà hát dàn dựng, công diễn.

Ông còn viết vài chục kịch bản lễ hội, trong đó có 2 kịch bản khai mạc và bế mạc Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội…, cho thấy sức làm việc miệt mài đáng kính nể của một nhà văn chuyên nghiệp và nghiêm túc.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên