24/07/2010 02:22 GMT+7

Nhà thương thí trong mơ... - Kỳ 4: Cuộc chiến vì người nghèo

BS Beat Richner
BS Beat Richner

TT - Bệnh viện Kantha Bopha của Beat Richner không chỉ đối mặt với những căn bệnh hiểm nghèo của những đứa trẻ. Họ còn phải gồng mình trước cả những định kiến giàu - nghèo và sự tham lam của những tập đoàn dược phẩm.

gxhgnU1E.jpgPhóng to
Từ nơi này, nhà thương Kantha Bopha sẽ cấp miễn phí các loại thuốc đạt tiêu chuẩn quốc tế cho trẻ nghèo... - Ảnh: L.PHƯƠNG

Kỳ 1:Nhà thương của người nghèoKỳ 2:Triết lý “rạp xiếc”Kỳ 3: Tiếng đàn ở Angkor Wat

Áp lực từ chiếc máy chụp cắt lớp

65% trẻ em Campuchia mắc bệnh lao. Đó là một thảm họa với những đứa trẻ nhà nghèo. Mẹ bệnh, đứa trẻ sinh ra bú sữa mẹ và lây bệnh. Nhiều đứa trẻ khi đưa vào bệnh viện đã quá muộn. Bệnh lao có mặt ở khắp nơi, nhưng người ta không phát hiện vì các bệnh viện thiếu thiết bị. Phòng thí nghiệm của bệnh viện làm việc trong điều kiện áp lực cực lớn. Denis nhớ lại: “Ban đầu, trong gần 2.000 mẫu bệnh phẩm thì chúng tôi chỉ xác định chính xác được hơn 100 có bệnh lao”. Có quá nhiều đứa trẻ phải qua đời vì bệnh lao chỉ vì không có phương tiện xét nghiệm.

Năm 1996, Beat Richner chính thức nhập chiếc máy chụp cắt lớp CT scanner đầu tiên về Campuchia, lắp đặt nó ở Kantha Bopha tại Phnom Penh. Chiếc máy giải tỏa những ẩn ức và áp lực đè nặng lên vai hàng trăm bác sĩ và y tá tại bệnh viện. Lần đầu tiên, ở một quốc gia Thế giới thứ ba nghèo đói, các bác sĩ được thấy rõ nét các hang lao trong não, trong xương, trong nội tạng đứa trẻ. Beat Richner nói như một niềm kiêu hãnh: “Không đứa trẻ nào bị bệnh lao tới Kantha Bopha mà phải chết nữa!”.

"Họ phải bán gà, bán bàn ghế, đồ đạc để trả tiền xe đưa con lên đây khám bệnh. Họ sẽ có gì để trả khi thu nhập bình quân đầu người ở nơi này chưa tới nửa đôla một ngày?"

Trong những buổi sáng chẩn bệnh, bác sĩ Beat Richner và đồng sự phải đối mặt với những bệnh nhân bị lao xương, lao màng não, lao phổi... liên tục được đưa về bệnh viện.

Năm 2009, chiếc máy MRI (máy chụp cộng hưởng từ) đầu tiên của bệnh viện được lắp đặt ở Jayavarman VII với giá 3 triệu USD, đem lại phương pháp phân tích và phát hiện tế bào lao trong não và xương của trẻ tốt hơn bao giờ hết. Khi các bác sĩ Trung Quốc tham quan bệnh viện và nhìn máy móc hiện đại được đưa vào sử dụng hỗ trợ điều trị trẻ em nghèo, nhiều người rơi nước mắt và thốt lên: “Những chiếc máy này chỉ được sử dụng cho bệnh nhân giàu có ở Trung Quốc”.

Thế nhưng, khi những chiếc máy hiện đại như siêu âm, CT scanner, MRI được Kantha Bopha mua về, Beat Richner đã nhận được những phản ứng không thể ngờ.

“Nếu tôi đồng ý chi tiền cho một chiếc máy CT scanner, tôi có thể bị xé tan thành từng mảnh bởi chính những đồng sự, chuyên gia và các quan chức xung quanh mình” - giám đốc Cơ quan Hợp tác phát triển Thụy Sĩ (SDC) đã phát biểu như thế trên báo, khi thông tin chiếc máy CT scanner đầu tiên đang được lắp đặt ở Bệnh viện Kantha Bopha.

“Thật điên rồ khi lắp đặt một thứ xa xỉ như thế ở một nước nghèo như Campuchia”, “Y học đỉnh cao và những phương pháp nổi tiếng ồn ào là giải pháp ngớ ngẩn cho một nước nghèo thế này!” - các cơ quan, tổ chức lớn như bộ y tế, WHO và các tổ chức phi chính phủ (NGO) liên tục đưa ra những bình phẩm trên báo chí nhắm vào Beat Richner.

Xin hãy cứu giúp trẻ em!

Chịu áp lực đủ đường, Kantha Bopha còn nhiều lần phải đuối sức vì những dịch bệnh bất thần. Tháng 6 đến tháng 9-2007, hàng nghìn đứa trẻ nhập viện trong tình trạng sốc nặng do sốt xuất huyết. Ngân hàng máu của bệnh viện cạn kiệt. Có nhiều ngày bệnh nhân ở Siem Reap quá đông, những túi máu quý giá phải được chuyển gấp từ Phnom Penh đến Siem Reap bằng đường hàng không ngay trong ngày để truyền cho các em bị sốc. Chỉ bằng những cuộc điện thoại mệnh lệnh ngắn, máu được chuyển đi tức thời.

“Có những ngày hơn 400 ca sốt xuất huyết nghiêm trọng phải nhập viện” - Beat Richner mô tả những ngày không thể nào quên của năm 2007. Cũng thời gian đó, phòng thí nghiệm của ngân hàng máu liên tục làm việc để có thể kiểm soát tất cả các cuộc hiến máu và truyền máu, HIV và các căn bệnh viêm não luôn ở đâu đó trong tế bào máu. “Nếu một cháu bé nào nhiễm HIV hay viêm não qua đường máu, đó là tội ác của chúng tôi”.

Ngay bên ngoài cổng Bệnh viện Jayavarman VII ở Siem Reap, một tấm bảng ngay lập tức được dựng lên: “Dịch bệnh sốt xuất huyết lan rộng: Xin hãy giúp những đứa trẻ đang bị sốc bằng cách hiến máu (đặc biệt là nhóm máu B và AB)”. Con đường tới Angkor Wat mà bệnh viện may mắn nằm trên ấy đã gặp được sự chú ý ít nhiều của hàng triệu khách du lịch quốc tế đổ về đây. Trong những buổi hòa nhạc từ thiện, bác sĩ Beat Richner nói những lời khẩn thiết: “Xin hãy cho máu, những đứa trẻ cần máu để sống sót”.

Năm 2007, 23.250 đứa trẻ tại Campuchia nhập viện Kantha Bopha vì bệnh sốt xuất huyết nghiêm trọng. Cứ mỗi 10 phút lại có một đứa trẻ phải nhập viện vì sốc do sốt xuất huyết. 8 triệu USD của bệnh viện đã được đổ vào dịch bệnh khủng khiếp này.

Không thể có “chủ nghĩa thực dân mới” trong y học

Nhiều tổ chức lớn tiếng tuyên bố việc miễn phí hoàn toàn của Kantha Bopha là phản khoa học bằng lý lẽ: “Gia đình bệnh nhân phải tự chi trả tiền chữa bệnh để cảm thấy có trách nhiệm nhiều hơn về sức khỏe bản thân họ”- Beat Richner lắc đầu: “Họ phải bán gà, bán bàn ghế, đồ đạc để trả tiền xe đưa con lên đây khám bệnh. Họ sẽ có gì để trả khi thu nhập bình quân đầu người ở nơi này chưa tới nửa đôla một ngày?”.

Trong một phim tài liệu, Beat Richner nói về một ca bệnh nhi nhiễm độc chloramphenicol. Đó là loại thuốc đã bị cấm ở Pháp, Thụy Sĩ... ở khắp châu Âu và cả ở Mỹ vì gây ra chứng ngưng phát triển tủy xương ở trẻ gấp 13 lần so với đứa trẻ bị bệnh bạch cầu. Cũng trong bộ phim tài liệu y tế đó, chính các lãnh đạo của Tổ chức Y tế xuyên biên giới, Hội Chữ thập đỏ quốc tế... vẫn thừa nhận đang tiếp tục sử dụng thuốc này trong điều trị bệnh nhi tại các quốc gia thuộc Thế giới thứ ba vì giá rẻ. Beat Richner gọi tất cả những hành vi đó là chủ nghĩa thực dân mới.

Beat Richner - trong suốt 18 năm sống ở một quốc gia Thế giới thứ ba - đã lần lượt vẽ ra các so sánh đầy đau đớn về y tế, y đức và sự phân biệt đối xử trong điều trị chỉ vì nguyên nhân nước giàu - nước nghèo. “Tại sao WHO khuyến khích tiếp tục sử dụng văcxin phòng chống lao BCG, trong khi ở Mỹ nó đã bị cấm từ thập niên 1970? Trong tất cả sách du lịch của châu Âu người ta đều khuyến cáo không ai được chích ngừa lao ngay cả khi đang sống trong vùng có dịch. Tại sao ở đây người ta vẫn sử dụng BCG và tưởng rằng văcxin đó có thể ngừa lao? BCG chỉ tạo ra lao kháng thuốc mà thôi”.

Ở Kantha Bopha, bệnh nhi được chích ngừa miễn phí các bệnh căn bản và nguy hiểm như viêm não Nhật Bản, nhưng tuyệt đối không cung cấp thuốc chích ngừa bệnh lao. Hơn ai hết, ở Kantha Bopha, người ta đối diện hằng ngày với những biến thể khủng khiếp nhất của bệnh lao trên cơ thể đứa trẻ.

Trong cuộc chiến về sức khỏe con người, người ta không cho mình có quyền sai lầm, ngay cả với những người nghèo ở Thế giới thứ ba. Đó là tâm nguyện của bác sĩ Beat Richner.

______________________________

Bác sĩ Beat Richner trải lòng với Tuổi Trẻ về cảm xúc đời ông và mơ ước được chia sẻ cách thức tổ chức, hệ thống nhà thương thí... cho Việt Nam cũng như mọi quốc gia còn người khổ nghèo...

Kỳ cuối: Tôi, bạn... hãy là những “nhà thương” cho người nghèo!

BS Beat Richner
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên