11/01/2004 16:21 GMT+7

Nhà thơ Thanh Thảo: Làm thơ phải cực kỳ đơn giản

Theo LĐ
Theo LĐ

Thơ hiện đại hình như vẫn chưa muốn ló mặt ra thành một chân dung định hình mà chỉ thách đố người làm thơ tìm ra tiếng nói thật của nó. Những năm qua, có một Thanh Thảo bình lặng không cho ra một tập thơ nào nhưng vẫn còn khả năng vận hành mình mới trở lại từ sự trung thực với chính mình. "Thực ra nhà thơ cách tân không phải lúc nào cũng chăm chăm làm cho mình quái lạ đi. Làm thơ phải cực kỳ đơn giản, làm mà như không ấy..", nhà thơ trò chuyện.

bCaooZeL.jpgPhóng to
Nhà thơ Thanh Thảo
Thơ hiện đại hình như vẫn chưa muốn ló mặt ra thành một chân dung định hình mà chỉ thách đố người làm thơ tìm ra tiếng nói thật của nó. Những năm qua, có một Thanh Thảo bình lặng không cho ra một tập thơ nào nhưng vẫn còn khả năng vận hành mình mới trở lại từ sự trung thực với chính mình. "Thực ra nhà thơ cách tân không phải lúc nào cũng chăm chăm làm cho mình quái lạ đi. Làm thơ phải cực kỳ đơn giản, làm mà như không ấy..", nhà thơ trò chuyện.

* Khi "cúi nhìn thật chậm" vào bản thân mình, anh nhìn thấy gì từ gương mặt thơ Thanh Thảo ngày hôm qua?

- Tôi có một cái may là không phải phân thân, không phải làm thơ tuyên ngôn. Thành ra những bài thơ cũ vẫn đọc được. Như là bài Thử nói về hạnh phúc hay bài Một người lính nói về thế hệ mình. Lớp trẻ có một kênh đồng cảm thì có thể hiểu. Bởi vì bài thứ nhất tôi viết về số phận con người trong chiến tranh, bài thứ hai viết về sự tự ý thức của một thế hệ trẻ.

Trong hoàn cảnh chiến tranh, bản thân ý thức đã phải chịu một sự va đập lớn, phải chống chọi, phải vật lộn, nói chung có thể phải chấp nhận bị "đánh đập" để tự khẳng định. Bây giờ dễ hơn, lớp trẻ khi đã tự ý thức được thì có thể viết bằng tâm huyết của mình.

Đã có một Thanh Thảo khác trong Khúc chậm 2000, Ngẫu cảm, Đường sẽ dài hơn. Ở đó, anh tự "khoanh vùng mình" và gần như hoà tan vào cuộc sống xung quanh. Anh cũng đã biết điều mình muốn khám phá đến cùng:

Bây giờ tôi biếtnhững thế giới kháccũng thế thôinhư con chim tập yêu chiếc lồng của mìnhnhưng không cần tập hót.

Chấp nhận, nhưng không thoả hiệp: "Suốt đời anh một ngọn lửa/anh cố giữ dù ở dạng tro than".

Và một Thanh Thảo luôn cầu toàn:"Tôi hối hả quét dọn con người mình/kịp xe rác/quét tất/sạch bong/lúc ấy/chữ hiện dần như sao mọc".

* Có cảm giác anh bắt kịp một chân sang thơ hiện đại, điều rất khó đối với một thế hệ thơ thời chiến?

- Có thời điểm tôi quay lại thơ Nga với những nhà thơ mình rất thích như Blốc, Exênhin, Pasternak, có khi mình lang thang ở chân trời hiện đại rồi lại trở về với những gì êm đềm.

Thực ra nhà thơ cách tân không phải lúc nào cũng chăm chăm làm cho mình quái lạ đi. Làm thơ phải cực kỳ đơn giản, làm mà như không ấy. Có lúc phức tạp, nhưng không nên phức tạp mọi lúc. Vì thơ là những trạng thái khác nhau.

Thơ của anh phải là người đang sống trong hiện tại, không có ranh giới cách tân hay cổ điển. Cách tân vô giới hạn không đem lại thành công. Đã có những người mở đường, hy sinh, nhưng văn học vốn tàn nhẫn chỉ tính những gì còn lại.

* Nhiều người cho rằng thơ VN những năm gần đây như bị "bại liệt". Anh nghĩ sao?

- Nói thơ bị bại liệt, giả dối là bởi chính do người làm thơ không thành thật, thứ hai do tài kém, thứ ba do sợ hãi. Nếu gạt bỏ được ba cái đó thì thơ vẫn là thơ thôi, nhưng đúng là thơ VN còn thiếu nội lực.

Trong nội lực thơ có cả bản năng thơ, trí tuệ thơ, nhận thức thơ. Bản năng gốc của thơ chính là sức mạnh nhà thơ có mà không nhận biết được. Một phần do tiên thiên (trời cho), một phần rất lớn là do tích lũy năng lượng từ văn hoá, đời sống, sách vở.

Đúng ra thì thơ xưa người ta tự đặt ra nhiều barie hơn, vì người ta nghĩ thơ phải là cái khuôn chảy ra theo hệ thống như hệ thống thuỷ lợi bêtông hoá bây giờ. Còn thơ hiện đại thì người ta để chảy tràn ra. Nhưng không phải vì thế mà thơ chảy trong "đường ống bêtông" thì không phải là thơ. Nó vẫn là thơ đấy chứ, nhiều khi còn chảy xiết hơn, mãnh liệt hơn là thơ ngoài đường ống.

Nhưng dù vật lộn đến đâu thì thơ ra phải tự nhiên. Thơ xuất kỳ bất ý. Cái ý có nằm ở đâu thì cũng trong sâu thẳm tâm hồn, tiềm thức của người làm thơ, còn khi thơ đã gọi ra rồi thì bất ý.

* Vậy theo anh, nhà thơ thời nay đang vấp phải rào chắn nào?

- Thơ VN hiện đại chưa hiện đại lắm, chưa sướng lắm. Có cảm giác bản thân từng nhà thơ VN vẫn bị níu kéo bởi nghệ thuật truyền thống, những rào chắn cũ. Để vượt qua không thể ngày một ngày hai; hoặc phải dung hòa nó, hoặc tìm ra một con đường để có thể đối lập hoàn toàn.

Nhưng đạt đến bao nhiêu tùy vào từng nhà thơ. Vì vấn đề là anh tìm tòi trên xác chữ nhưng nội lực, bản năng thơ của anh như thế nào, tâm hồn thơ của anh tới đâu - đó mới là sự đo lường cuối cùng của bài thơ.

Có cảm giác nhiều nhà thơ bây giờ trong khi làm thơ vẫn nghĩ mình là thế này thế nọ, thì chỉ làm hỏng thơ. Mà thực ra khi làm thơ chỉ còn sướng với thơ thôi chứ không còn nhớ bất cứ cái gì khác.

* Anh nhìn thấy gì ở tương lai thơ?

- Nước mình nhiều người làm thơ thế chẳng lẽ không có ai? Trong số đông làm thơ cũng sẽ có nhà thơ thực sự, cho dù là rất ít. Và hy vọng vào số rất ít nhà thơ đó có thể mang lại gì cho nền thơ VN hiện đại. Thơ khó trên toàn thế giới chứ không phải chỉ khó ở VN. Hiện tượng như nhà thơ Mỹ Allen Ginsberg cũng rất hiếm.

Dù sao các nhà thơ lớn ngay trong những bài thơ nhỏ cũng đã tạo ra được dáng dấp của một bài thơ lớn. Và tính cách của họ quá mạnh. Thơ phải là số phận của chính anh, nhà thơ mà không có số phận riêng của mình trong thơ thì sẽ lu mờ.

* Người ta nói, văn chương còn có thể mang ra bình luận, giao lưu quốc tế; còn thơ thì hầu như đành bó tay vì bản chất của thơ là sự tinh xảo của ngôn từ và hồn vía ở câu chữ mà người dịch không tải nổi?

- Theo tôi, chuyện giao lưu thơ quốc tế vẫn có thể được. Thơ lục bát thì khó dịch, nhưng thể thơ tự do thì dễ hơn. Thơ không thể ào ào như nhạc, nó kéo người nghe lại từ từ và dẫu có kén người đi chăng nữa thì còn một ít người đồng cảm đã là tốt rồi!

Theo LĐ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên