01/09/2024 13:39 GMT+7

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm: Không chỉ sống cho bản thân

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm viết Mặt đường khát vọng năm 1971 ở mặt trận Trị Thiên Huế, Nhà xuất bản Văn Nghệ Giải Phóng ấn hành tháng 1-1974. Tới nay tập trường ca vừa tròn 50 năm.

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm: Không chỉ sống cho bản thân - Ảnh 1.

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm - Ảnh: NHẬT LINH

Thư gửi người trẻ

Họ ngồi đó, trong vùng thời gian tựa hồ đã phẳng lặng. Này đồi mồi, đuôi mắt chân chim, đến cả giọng nói cũng trầm thật trầm; cùng nhau kể về hồi ức hai mươi yêu dấu.

Dù dạng nào, phỏng vấn, tự bạch hay ghi chép, những tâm tình, gửi gắm của họ cũng giống như những bức thư tình dành cho quê hương và các bạn trẻ.

* Thưa nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, mốc 50 năm gợi cho ông một cảm xúc gì?

- Thành thật mà nói, cũng có niềm vui, đóng góp nhưng tôi không cho là tài năng gì. Chỉ biết thời điểm đó đất nước cần thì mình đã đóng góp.

Giờ tập trường ca như một sản phẩm nằm giữa đời. Có người đi ngang qua, có người đi lại, có người chú ý, có người không. Không sao cả. Tất nhiên khi người ta chú ý thì mình cũng vui nhưng cũng không phải là điều quá quan trọng.

* Vậy điều gì mới quan trọng?

- Đó là nó có đem đến một thay đổi nào đó về mặt tinh thần, về mặt văn hóa trong cộng đồng hay không? Với tôi, sự thay đổi về nhận thức, tình cảm, tinh thần mới quan trọng.

Có thời kỳ, chúng ta quan tâm đến chính trị, kinh tế, đời sống vật chất… nhưng giờ ta đã bắt đầu quan tâm tinh thần. Đây là giai đoạn, không phải để xem xét đâu là đúng, đâu là sai mà làm sao để đời sống tinh thần con người tốt đẹp hơn. Tôi nghĩ thế.

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm: Không chỉ sống cho bản thân - Ảnh 2.

Một số cuốn sách của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm

Không cứ phải đất nước chưa thống nhất thì mới suy nghĩ nhiều

* Khi viết Mặt đường khát vọng, ông đang tuổi thanh niên. Giờ ông đã hơn 80 tuổi, suy ngẫm về đất nước khác không?

- Với đất nước, thời nào cũng có nhiều vấn đề phải lo nghĩ. Không cứ phải đất nước chưa thống nhất thì mới suy nghĩ nhiều đâu.

Mỗi thời kỳ đòi hỏi một hướng đi cụ thể, những tìm kiếm cụ thể, những phương thức cụ thể. Đất nước khác đi nhiều, nhưng trong tôi vẫn là một lòng thành đấy thôi, vẫn là khao khát đấy thôi, nhưng phải nghĩ sâu hơn nữa về sự tồn tại, chỗ đứng, hướng đi của đất nước, con người Việt.

* Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm nhắn nhủ gì tới các bạn trẻ?

- Có một điều nếu nói ra, có khi người ta coi là sáo ngữ, nhưng thực ra đất nước trong tay những người trẻ. Từ thế hệ trẻ này sang thế hệ trẻ khác. Đi hết tuổi trẻ là giai đoạn trưởng thành - chính là lúc người ta sẽ làm được nhiều việc cho đất nước.

Từ khi còn trẻ, người ta phải nuôi dưỡng chí hướng chăm lo cho đất nước, cho nhân dân của mình. Tất nhiên phải chăm lo cho đời sống của riêng mình, đàng hoàng về cả vật chất lẫn tinh thần.

Tôi nghĩ người Việt sở dĩ vượt qua được nhiều thách thức trong lịch sử bởi họ luôn ý thức không chỉ sống cho bản thân mà còn cho người khác. Trong gia đình, sống cho người thân. Ra ngoài, cho làng xóm, cộng đồng, quê hương… 

Tôi có lòng tin vào chiều hướng đi lên của đất nước vì truyền thống đó không bao giờ thay đổi.

Tôi thấy nhiều người trẻ hiện nay không còn nhận ra chính mình nữa. Cuộc sống vật chất, phù hoa này tác động khá phức tạp trong nội tâm của họ. Chỉ khi can đảm trước chính mình thì mới có thể làm sự nghiệp lớn được.
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm

Sự tự tin là phẩm chất mới mẻ

* Trong quan sát của ông, đất nước hôm nay có dáng hình ra sao?

- Khi viết Mặt đường khát vọng, tôi đang thanh niên. Đất nước khi đó khác: Đói nghèo, chiến tranh, sự chủ động, tự tin không cao. 

Giờ đất nước có một tư thế mới. Ta tin vào tiền đồ, tin vào con đường đi của mình. Người dân cũng tin, bằng sự cố gắng của mình, họ có thể xây được nhà, tìm việc cho con, mở rộng nghề nghiệp, có cuộc sống khấm khá lên.

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm: Không chỉ sống cho bản thân - Ảnh 3.

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm thời trẻ - Ảnh tư liệu

Tôi nghĩ sự tự tin trong xã hội Việt Nam hôm nay là phẩm chất mới mẻ, là vốn liếng cho mỗi người vươn lên, làm cho Việt Nam cất cánh được. Mặt khác, uy tín của dân tộc trên trường quốc tế cũng tăng lên.

Người Việt giờ ít mặc cảm hơn, ít khép nép hơn khi đi ra thế giới. Trong rất nhiều lớp thanh niên tham dự các kỳ thi quốc tế, từ thể thao cho đến học vấn đều tỏ ra có bản lĩnh, có tài năng.

Tất nhiên, thời cơ có nhiều nhưng thách thức cũng không ít. Nếu không nỗ lực thì không thể đi nhanh được.

* Trong Mặt đường khát vọng, ông viết: "Ta đã đi qua những năm tháng không ngờ/ Nhưng chiều nay một buổi chiều dữ dội/ Ta nhận ra mình đang lớn khôn"... Ở tuổi này rồi, ông thấy mình đã lớn khôn chưa?

- Ở thời điểm đó thì nói vậy, chứ con người lúc nào cũng có cả một hành trình trưởng thành liên tục.

Tôi nghĩ đến bây giờ, tôi vẫn là một người rất trẻ trung trong suy nghĩ và khát vọng học hỏi. Tôi cho đó là một cách để "thay máu" chính mình.

* Cảm ơn nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm.

Thư gửi người trẻ: Không chỉ sống cho bản thân - Ảnh 3.Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm: Hãy để người trẻ tự cảm nhận về Đất Nước

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã có những chia sẻ với Tuổi Trẻ Online về bài thơ Đất Nước được đưa vào đề thi văn THPT 2024.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên