29/03/2018 14:46 GMT+7

Nhà thầu chân chính 'đói' vì nạn cướp thầu

LÂM HOÀI
LÂM HOÀI

TTO - Tổng thư ký Hiệp hội nhà thầu Việt Nam chua xót thốt lên như vậy tại hội nghị lắng nghe khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách trong đầu tư xây dựng cơ bản do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Xây dựng tổ chức sáng 29-3.

Nhà thầu chân chính đói vì nạn cướp thầu - Ảnh 1.

Tổng thư ký Hiệp hội nhà thầu Việt Nam chua xót nói "các nhà thầu chân chính 'đói' vì nạn cướp thầu" - Ảnh: LÂM HOÀI

Chúng tôi rất trăn trở vì hầu hết các nhà thầu chân chính rơi vào tình trạng "đói", không có công ăn việc làm, trong khi những nhà thầu có việc làm là những "chân gỗ" của chủ đầu tư. Rồi các dự án xin cho, đi đêm, đi ăn nhậu với nhau để trúng thầu

Tổng thư ký Hiệp hội nhà thầu Việt Nam DƯƠNG VĂN CẬN

Theo tổng thư ký Hiệp hội nhà thầu Việt Nam Dương Văn Cận, dù luật đấu thầu quy định rõ nhưng hiện nay ở các địa phương có tới 70% các dự án chỉ định thầu mà không hề đấu thầu công khai.

Hở ra là có tình trạng "quây thầu", "cướp thầu"

"Nhiều dự án bản chất là công khai nhưng hở ra là có tình trạng "quây thầu", "cướp thầu" hoặc gây khó dễ trong bán hồ sơ để cho các nhà thầu tay trong trúng thầu", ông Cận nêu.

Theo ông Cận, lý do kéo dài và tái diễn thực trạng trên là do các văn bản hiện nay chế tài không đủ mạnh, không khiến chủ đầu tư sợ.

"Luật đấu thầu, Luật xây dựng đều quy định rõ về đấu thầu, nghị định cũng có hướng dẫn cụ thể, vì thế phải nghiên cứu điều chỉnh, đôi khi chỉ thay đổi một vài chữ thôi là đã giải quyết được tận gốc của vấn đề", ông Cận đề xuất.

Trong khi đó, PGS.TS Trần Chủng - nguyên cục trưởng Cục giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Bộ Xây dựng - cho rằng công tác quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng hiện vẫn còn "ám ảnh" bóng dáng thời bao cấp, ở tâm thế bề trên và rất ngại nghe phản biện.

"Việc lập và ban hành các thông tư này phần nhiều do các đơn vị quản lý "cài" vào các điều kiện để buộc các chủ thể liên quan phải đến "xin" để "cho", ông Chủng phân tích.

"Một rừng vướng mắc"

Phúc đáp ý kiến các doanh nghiệp, chuyên gia, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà thừa nhận thực trạng hiện nay đang còn "một rừng vướng mắc".

Theo ông Hà, thực tế có việc người quản lý thường muốn "ôm" tất, còn người bị quản lý thì không muốn bị quản lý.

Do vậy, việc xử lý các vấn đề của lĩnh vực xây dựng là một yêu cầu khó, cần phải cẩn trọng. Bởi nếu xử lý không tốt sẽ gây hậu quả đến tài sản, tính mạng, đời sống của người dân.

Đối với những vướng mắc, kiến nghị về thể chế, ông Hà nói sẽ tiếp cận và tháo gỡ theo trình tự đầu tư cơ bản, từ chủ trương, thẩm định đến phê duyệt, lựa chọn nhà thầu, thi công, nghiệm thu… Vướng ở đâu gỡ "mạch lạc" đến đó.

Đề cập tới các văn bản dưới luật, ông Hà cho hay Bộ Xây dựng luôn lưu ý những điểm không đúng, không phù hợp với luật để cho điều chỉnh.

"Đúng là chỉ cần một từ, một chữ là có thể làm thay đổi luật", bộ trưởng Hà nhìn nhận.

Hiện Bộ Xây dựng đang triển khai đề án liên quan tới quy chuẩn, tiêu chuẩn và sửa đổi đơn giá, chi phí xây dựng. Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, đây là hai đề án rất quan trọng, quyết định hiệu quả đầu tư, tạo sự minh bạch trong đầu tư xây dựng cơ bản, và chống tham nhũng.

LÂM HOÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên