11/03/2018 19:34 GMT+7

Nhà phát minh 12 tuổi thắng giải 25.000 đô la

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - "Điều tuyệt vời mà tôi thích nhất ở em là không hề sợ thất bại" - cô giáo của Gitanjali Rao nói về cô học trò đã giành giải cao nhất trong cuộc thi dành cho các nhà khoa học trẻ từ lớp 5 đến lớp 8.

Nhà phát minh 12 tuổi thắng giải 25.000 đô la - Ảnh 1.

Em Gitanjali Rao - Ảnh: CS MONITOR

Không yên tâm khi thấy cha mẹ và những người xung quanh phải dùng que thử để kiểm tra nồng độ chì trong nước mà kết quả thì không đáng tin cậy, cô bé Gitanjali Rao đã phát minh thiết bị điện tử giúp công việc này tiện lợi và chính xác hơn.

Ở nhiều phương diện, Gitanjali Rao cũng như bao cô bạn cùng độ tuổi. Em linh hoạt, thích nói chuyện và nụ cười luôn bừng sáng. 

Điểm khác biệt nhất, theo báo CS Monitor, có lẽ là sự say sưa của em khi nói về các ống nano cacbon, bo mạch vi xử lý Arduino cùng các phản ứng giữa chì acetate và chloride. Em thích nghiên cứu và thích tìm ra giải pháp cho các vấn đề thực tế.

Em vẫn luôn nói với những ai thích khoa học và muốn phát minh cái gì đó nhưng lại sợ không hoạt động là đừng sợ, hãy cứ thử đi. Thất bại chỉ là một bước khác đi đến thành công"

Gitanjali Rao - học sinh lớp 7 Trường trung học STEM School Highlands Ranch, bang Colorado (Mỹ)

Yêu thích khoa học

Mới đây thôi em đã giành giải cao nhất trong cuộc thi dành cho các nhà khoa học trẻ từ lớp 5 đến lớp 8 có tên Discovery Education 3M Young Scientist Challenge với phát minh là thiết bị cầm tay giúp kiểm định lượng chì trong nước. Cuộc khủng hoảng nước nhiễm chì tại thành phố Flint, bang Michigan (Mỹ) từng gây xôn xao dư luận Mỹ nhiều năm qua đã thôi thúc cô bé Gitanjali Rao tìm cách giải quyết.

"Điều thực sự nổi bật ở Gitanjali chính là cách em đã biến niềm đam mê để tạo ra sự khác biệt thông qua sáng kiến của mình" - bà Kathleen Shafer, chuyên gia nghiên cứu về công nghệ nhựa, cũng là người đã đồng hành cùng em Gitanjali trong tư cách cố vấn suốt mùa hè năm ngoái, nhận xét. "Tôi thấy rõ điều này ngay từ phút đầu tiên gặp cô bé".

Với Gitanjali, nghĩ ra một giải pháp mới không phải là chuyện lạ, bởi khoa học suy luận chính là môn học em yêu thích nhất. "Khoa học giúp em quan sát nhiều cách tiếp cận để giải quyết các vấn đề nảy sinh trong đời sống" - cô bé học sinh lớp 7 Trường trung học STEM School Highlands Ranch, bang Colorado chia sẻ.

Năm lên 9, Gitanjali lần đầu tiên đọc được những thông tin về cuộc khủng hoảng nước nhiễm chì tại Flint, nơi gia đình em sống. Tìm hiểu về nó, em nhận ra có rất ít cách giúp mọi người xác định xem nguồn nước họ dùng có bị ô nhiễm hay không. 

"Em đã không nghĩ tới chuyện làm ra thiết bị cho tới khi thấy bố mẹ gặp rất nhiều khó khăn lúc muốn kiểm tra nồng độ chì bằng que thử" - em nói. Cái thì báo nước an toàn, cái lại cho thấy nước nhiễm chì. Giải pháp chính xác hơn là lấy mẫu nước rồi gửi đi phân tích thì vừa mất thời gian vừa tốn kém.

"Em đã muốn làm gì đó để thay đổi chuyện này, không chỉ cho bố mẹ mà còn cho những người dân ở Flint và những nơi giống Flint trên thế giới" - Gitanjali nói.

Tỉ phú Mỹ nói sốc: "Theo đuổi đam mê là lời khuyên dối trá" Tỉ phú Mỹ nói sốc: 'Theo đuổi đam mê là lời khuyên dối trá' Thử một lần không ngoan để sống đúng đam mê Thử một lần không ngoan để sống đúng đam mê Chàng trai trẻ đam mê vẽ truyền thần và họa diễn thời trang Chàng trai trẻ đam mê vẽ truyền thần và họa diễn thời trang

Đừng sợ thất bại

Ý tưởng đến với em sau lần đọc được bài báo về các cảm biến ống nano cacbon, những cảm biến hóa học ở cấp độ nguyên tử trên trang web của Viện Công nghệ Massachusetts. Trong bài báo có nói tới tác dụng của việc sử dụng loại cảm biến này để phát hiện các loại khí độc hại và em nghĩ tại sao không thử dùng nó để phát hiện chì trong nước.

Vậy là em bắt tay nghiên cứu về các ống nano cacbon cũng như đặc tính của chì, tìm hiểu xem loại hóa chất nào sẽ phản ứng. Em cho rằng chì acetate là hợp chất phổ biến nhất của chì có trong nước và chloride sẽ là loại ion em sử dụng để tạo phản ứng với chì acetate. Em đã cân nhắc các lựa chọn rồi quyết định dùng bo mạch vi xử lý Arduino để tiếp nhận và truyền dữ liệu.

Thế là thiết bị dò chì trong nước có tên Tethys (được đặt theo tên nữ thần nước ngọt Hi Lạp) ra đời với chip máy tính và pin bên trong, có thể nhúng xuống nước và thiết bị kết nối bluetooth để truyền dữ liệu vào điện thoại. Một ứng dụng miễn phí do Gitanjali thiết kế với sự hỗ trợ của cô Simi Basu - giáo viên dạy môn khoa học máy tính của em - sẽ hiển thị kết quả kiểm nghiệm tức thời trên điện thoại.

"Tôi rất ấn tượng với cô bé. Lần nào gặp lại em cũng đã vượt trước 10 bước" - cô Simi Basu bày tỏ niềm tự hào về cô trò nhỏ của mình. "Điều tuyệt vời mà tôi thích nhất ở em là không hề sợ thất bại" - cô giáo nói.

Gitanjali còn có những kế hoạch lớn hơn nữa trong tương lai. Đó là học ngành miễn dịch học và di truyền tại Viện Công nghệ Massachusetts ở Cambridge. Những lúc không thí nghiệm hay phát minh, em thích bơi, làm bánh và chơi ba loại nhạc cụ là piano, guitar bass và clarinet.

Với phần thưởng 25.000 USD, Gitanjali dự định tiếp tục phát triển thiết bị dò chì trong nước và đưa vào sản xuất. Mục tiêu của em là có thể thương mại hóa sản phẩm này trong vòng một năm.

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên