13/10/2019 14:51 GMT+7

Nhà nghiên cứu Kiều Maily: Tôi sợ những người trẻ sẽ dần quên văn hóa dân tộc mình

ĐOÀN NHẠN
ĐOÀN NHẠN

TTO - "Tôi ước sau này lớn lên sẽ làm một công việc để giúp nhiều người biết hơn về cái hay, cái đẹp tôi đã được nghe. Tôi sợ sau này những người trẻ sẽ dần quên văn hóa dân tộc mình" - Maily kể.

Nhà nghiên cứu Kiều Maily: Tôi sợ những người trẻ sẽ dần quên văn hóa dân tộc mình - Ảnh 1.

Kiều Maily biểu diễn trống Baranưng - một loại nhạc cụ Champa...

Làng Phước Nhơn, xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận - nơi Kiều Maily sinh ra - là mảnh đất thấm đẫm văn hóa Chăm.

Mảnh đất ấy đã cho Maily cảm hứng tìm tòi, nghiên cứu những gì mà ông cha để lại. Maily kể ngày nhỏ cô thường đi phụ giúp các đám trong làng. Thay vì chơi đùa, cô luôn để tâm nhiều vào việc phụ các chị, các mẹ làm những món ăn Chăm, nghe các bà kể chuyện.

Văn hóa dân gian Chăm như một hấp lực với cô từ thuở đó. "Tôi ước sau này lớn lên sẽ làm một công việc để giúp nhiều người biết hơn về cái hay, cái đẹp tôi đã được nghe. Tôi sợ sau này những người trẻ sẽ dần quên văn hóa dân tộc mình" - Maily kể.

Riêng về trang phục và ẩm thực Chăm, Kiều Maily không dừng lại ở nghiên cứu phục hồi cái cổ mà còn đưa cái đẹp và cái tương đối chuẩn Chăm ra thế giới bên ngoài thông qua viết sách, báo và tổ chức quảng bá. Các hoạt động đó phần nào đã tác động vào bề mặt xã hội Chăm hôm nay, vừa gợi ý thức bảo tồn đồng thời gợi hứng sáng tạo. Tôi tin hoạt động của Kiều Maily sẽ ảnh hưởng và lan tỏa sâu rộng hơn nữa về lâu dài.

Nhà nghiên cứu Champa Inrasara

Viết sách Độc đáo ẩm thực Chăm

Maily cho biết văn hóa được thể hiện đầu tiên và rõ nhất qua trang phục, ẩm thực. Cô dành suốt ba năm đi điền dã tới tất cả các làng Chăm từ Ninh Thuận đến An Giang, Châu Đốc để nghiên cứu, tự thực hiện các món ăn, chụp ảnh và viết.

Cuốn sách Độc đáo ẩm thực Chăm của Maily được nhìn nhận là cuốn sách độc nhất về ẩm thực dân tộc thiểu số. Không dừng ở đó, cô kỳ công viết Palei Phước Nhơn của tôi - cuốn sách sử địa dư chí đầu tiên về làng Chăm. Maily còn viết thơ và sách về y phục Chăm từ vốn nền kiến thức văn hóa dân tộc.

Ngày ấy được bao nhiêu tiền viết báo cộng tác, Maily dành đổ xăng đi đến các vùng đất có người Chăm sinh sống. Có lúc không có nổi mấy triệu đồng để in sách, cô phải cậy nhờ khắp nơi. Tiền bán sách Maily lại mua quà tặng người già, học sinh Chăm vượt khó học giỏi.

Để giữ gìn trang phục Chăm, cô dành nhiều tâm huyết phát động chương trình "Chăm đẹp trên mọi nẻo đường", kêu gọi các cô gái Chăm mặc trang phục truyền thống ở TP.HCM.

Có gần 15 năm âm ỉ "cháy" những hoạt động quảng bá văn hóa Chăm ở TP.HCM nhưng nhận thấy thành phố lớn này chưa phải là không gian thích hợp, Maily quyết định chọn Hội An (Quảng Nam) xây lại những viên gạch đầu tiên cho giấc mơ đời mình. Hội An tổng hòa nhiều nền văn hóa và tập trung đông du khách thế giới muốn tìm hiểu về văn hóa.

"Quảng Nam có di sản thế giới Mỹ Sơn nhưng cộng đồng người Chăm lại quá ít, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trưng bày văn hóa Chăm vẫn còn khá mờ nhạt. Việc quảng bá văn hóa Chăm là rất khó, cái khó ban đầu là tìm không gian biểu diễn văn hóa Chăm" - Maily nhớ lại.

Nhà nghiên cứu Kiều Maily: Tôi sợ những người trẻ sẽ dần quên văn hóa dân tộc mình - Ảnh 3.

... và trong lần đi thực tế để tìm hiểu, viết sách về văn hóa Chăm - Ảnh: BẢO NGUYÊN

Tái hiện không gian Chăm giữa phố Hội

Maily bắt đầu tìm kiếm những chương trình phù hợp để lồng ghép quảng bá văn hóa Chăm ở Hội An. Cô tiếp tục kêu gọi các bạn trẻ Chăm mặc trang phục truyền thống. Giờ đây đã có nhiều bạn trẻ Chăm mặc áo dài truyền thống trong dịp đặc biệt. Họ hiểu và tự hào về nét đẹp trang phục của mình.

Nhờ những kỹ thuật ẩm thực học được qua nhiều năm lặn lội đến các vùng miền, Maily biến các món ăn truyền thống Chăm vốn khó ăn trở nên dễ ăn hơn, giới thiệu rộng rãi ẩm thực Chăm đến du khách. Những tối đặc biệt khi khách du lịch đến Hội An đông đúc, Maily tự tin bê mẻ bánh sakaya - loại bánh quý nhất của người Chăm - giới thiệu giữa phố cổ.

Nhiều tháng nay, Kiều Maily bắt đầu mở một không gian trải nghiệm văn hóa Chăm ở phố Hội. Không gian chỉ mươi mét vuông mang đậm dấu ấn văn hóa Chăm với tượng vũ nữ Apsara, trống Baranưng, những chiếc ấm trà, bình gốm cổ…

Khách đến chơi được thực hiện nghi thức rửa chân tay, súc miệng ba lần theo phong tục của người Chăm. Giữa không gian đậm văn hóa Chăm, khách được thưởng thức ẩm thực Chăm, nghe kể về những bài thuốc nam trong từng món ăn, câu chuyện cái chén, đôi đũa trong phong tục Chăm, xem cô gái Chăm Maily biểu diễn múa, hát dân ca Chăm.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngà - giám đốc Công ty TNHH du lịch Trầu Cau - cho biết du khách được công ty bà kết nối đến không gian này rất thích thú khi trực tiếp trải nghiệm cái đẹp của văn hóa bản địa.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Champa Inrasara, hoạt động văn hóa cần đến tình yêu, tài năng và sự sáng tạo, Maily hội tụ đủ ba yếu tố đó. Kiều Maily là người nữ mẫu hệ Chăm dấn thân vào xã hội rộng lớn, cùng lúc vừa làm thơ vừa nghiên cứu văn hóa và hoạt động xã hội.

Với sự nỗ lực bằng những hành động thiết thực, Maily ít nhiều đang tạo nên một làn gió mới cho các hoạt động bảo tồn văn hóa Chăm.

Maily chia sẻ: "Đam mê của tôi đang lớn dần, tôi tin chắc sẽ đi xa hơn nữa. Tôi chỉ mong giới trẻ hiểu giá trị, cái hay cái đẹp với nhiều bí ẩn trong nền văn hóa của dân tộc mình. Tất nhiên việc giữ gìn nét đẹp Chăm không phải chỉ là trách nhiệm, nhận thức của người Chăm mà còn cần sự chung sức của cả cộng đồng".

Những nỗ lực và trái ngọt đầu tiên

Hiện Maily đang dành nhiều tâm huyết xây dựng làng nghề thuốc nam gia truyền cho cộng đồng người Chăm - làng thuốc Palei Phước Nhơn - với mong muốn bảo tồn những giống thuốc nam quý hiếm đang có nguy cơ cạn kiệt.

Ông Đạo Văn Tý (61 tuổi, vị chức sắc của làng Phước Nhơn) cho biết: "Mỗi lần về quê dịp lễ tết, Maily lại làm những bữa tiệc món ăn Chăm tự chọn. Cô biến tấu khiến món ăn Chăm trở nên ngon hơn, nói về ý nghĩa của món ăn, của năm mới… những giá trị mà nhiều người Chăm không biết khiến bà con thấy vô cùng ý nghĩa".

Ông Tý cho hay hiện phong trào tìm hiểu về năm mới từ những bữa tiệc buffet Chăm của Maily đã lan tỏa khắp cộng đồng. Người Chăm ở làng Chăm cũng tự tin nói tiếng Chăm, nấu món ăn truyền thống đãi khách phương xa.

Phát hiện di tích Chăm có niên đại khoảng thế kỷ thứ 4 hoặc 5 Phát hiện di tích Chăm có niên đại khoảng thế kỷ thứ 4 hoặc 5

TTO - Theo chuyên gia của Viện Khảo cổ học Việt Nam, gạch và chất liệu gạch ở di tích tháp Chăm vừa khai quật tại tỉnh Phú Yên có niên đại sớm, khoảng thế kỷ thứ 4 hoặc 5.

ĐOÀN NHẠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên