Công trình của Nhà máy Nước sạch Vân Canh hoang hóa - Ảnh: ĐOÀN CÔNG
Ngày 14-12, ông Trần Văn Phúc - giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bình Định - cho biết đã báo cáo UBND tỉnh này về kết quả kiểm tra, đánh giá hiệu quả công trình cấp nước sạch Vân Canh và đề xuất giải pháp xử lý, khắc phục.
Nhà máy "nghỉ" vì dân không mua nước
Theo ông Phúc, năm 2012, Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định được UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư một hạng mục của công trình nước sạch Vân Canh là nhà máy xử lý nước sạch với công suất 1.400m3/ngày, cấp nước ra mạng đường ống bằng máy bơm.
Tổng mức đầu tư cho nhà máy này là hơn 7 tỉ đồng từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh nông thôn, vốn trung ương hỗ trợ và vốn của tỉnh. Nhà máy nước này được đầu tư để cấp nước sạch cho 12.000 dân ở các xã Canh Thuận, Canh Hiệp, Canh Hiển và thị trấn Vân Canh.
Trong hệ thống nước này còn hai hạng mục là đầu mối Suối Phướng, gồm hai đập dâng nước, một cụm xử lý nước công suất 1.400m3/ngày, cấp nước ra mạng đường ống bằng tự chảy và mục hệ thống mạng đường ống dẫn nước thô, ống dẫn nước sạch và phân phối nước sạch thì do UBND huyện Vân Canh đầu tư, quản lý và vận hành.
Tháng 12-2013, sau khi hạng mục nhà máy xử lý nước hoàn thành, chất lượng nước sau xử lý đạt tiêu chuẩn chất lượng nước sạch, thì Sở NN&PTNT Bình Định giao cho UBND huyện Vân Canh. "Nhưng hoạt động khoảng 4 tháng, đến tháng 4-2014 thì nhà máy xử lý nước sạch dừng hoạt động, hệ thống chỉ còn cấp nước sinh hoạt cho đến nay" - ông Phúc cho biết.
Cỏ hoang mọc trong các bể lắng - Ảnh: ĐOÀN CÔNG
Ông Phan Văn Cường - phó chủ tịch UBND huyện Vân Canh - nói rằng năm 2013, khi đưa hệ thống vào khai thác, các đơn vị chức năng của tỉnh tính toán giá nước sinh hoạt 4.500 đồng/m3. Tuy nhiên, Vân Canh là huyện miền núi, người dân đa phần là dân tộc thiểu số còn khó khăn nên bà con không mua nước sạch với giá đó để sử dụng. Thậm chí lúc bấy giờ, có doanh nghiệp cung cấp nước tự chảy với giá 500-700 đồng/m3 mà người dân cũng không mặn mà.
Bởi vậy, nhà máy nước sạch hoành tráng hoạt động vài tháng, tiền thu được không đủ để trả một nửa chi phí tiền điện dùng để bơm nước nên phải dừng hoạt động cho đến nay.
Sau hơn 8 năm "nghỉ ngơi", giờ Nhà máy Nước sạch Vân Canh hoang phế và xuống cấp, máy móc, thiết bị gỉ sét, hư hỏng nghiêm trọng.
Chúng ta đầu tư nhà máy cấp nước sạch với mong muốn người dân được sử dụng nước sạch, nhưng làm xong mà dân không sử dụng thì mục đích đầu tư không đạt được, công trình không hiệu quả. Do vậy, cần phải nghiên cứu tính toán mức giá hợp lý, chứ luôn “tính đúng, tính đủ” thì dân miền núi làm sao đủ điều kiện sử dụng được!
Ông HỒ QUỐC DŨNG - bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định
Sẽ làm "sống" lại hệ thống, nhưng…
Theo ông Phúc, để cấp nước sạch cho nhân dân thị trấn Vân Canh và các vùng phụ cận, Sở NN&PTNT Bình Định đề xuất tiếp nhận lại toàn bộ hệ thống cấp nước sạch Vân Canh từ UBND huyện Vân Canh và giao Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn quản lý, vận hành.
"Chúng tôi sẽ lập dự án đầu tư sửa chữa, khắc phục và xây dựng hoàn chỉnh hệ thống công trình, xây dựng giá nước theo quy định trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt. Sở NN&PTNT cam kết làm hết trách nhiệm của mình, phối hợp cùng với UBND huyện Vân Canh làm "sống" lại hệ thống nước sạch Vân Canh trong năm 2023" - ông Phúc nói.
Thiết bị bên trong nhà máy gỉ sét, xuống cấp - Ảnh: ĐOÀN CÔNG
Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ nếu bỏ tiếp kinh phí ra đầu tư sửa chữa, hoàn thiện hệ thống này rồi dân lại "chê" giá bán nước sạch đắt, lại không sử dụng, tiếp tục lãng phí công trình thì sẽ thế nào? Ông Phúc cho hay liên quan đến tính toán giá nước của các công trình nước sạch, hiện tỉnh Bình Định chỉ tính giá nước cấp cho nông thôn là 7.500 đồng/m3, mức giá này được xây dựng bằng chi phí vận hành, chứ không tính chi phí khấu hao. Đối với các địa phương khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì giá bán chỉ là 4.200 đồng/m3 nước sạch.
"Chúng tôi cũng sẽ xem xét để đề xuất UBND tỉnh trình HĐND tỉnh có một chính sách riêng về hỗ trợ giá nước sạch đối với các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh. Chỉ có như thế thì giá nước mới giảm xuống thêm, phù hợp với thu nhập của người dân những vùng này" - ông Phúc cho hay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận