18/01/2021 09:48 GMT+7

Nhà khoa học của vùng sâu, vùng xa

TRỌNG NHÂN thực hiện
TRỌNG NHÂN thực hiện

TTO - TS Trần Văn Huy (sinh năm 1985, quê Hà Nam) là một trong 10 người vừa nhận giải thưởng Quả cầu vàng năm 2020. Làm việc cho một tổ chức nước ngoài nhưng anh lại gắn liền với những nơi xa xôi còn nhiều thiếu thốn ở Việt Nam.

Nhà khoa học của vùng sâu, vùng xa - Ảnh 1.

Nhóm công tác của TS Trần Văn Huy lắp máy lọc nước tại một trường tiểu học thuộc huyện Nam Đông (Thừa Thiên Huế) vào ngày cuối năm 2020 - Ảnh: VĂN KHOA

"Nước như xăng dầu, như máu của hành tinh này. Vì thế, những ngành nghề liên quan đến xử lý nước sạch không những là ngành khoa học thú vị mà còn rất nhân văn. Nếu có đam mê, các bạn trẻ nên tự tin theo đuổi.

TS Trần Văn Huy

Quả cầu vàng là giải thưởng do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp cùng Bộ Khoa học và công nghệ tổ chức hằng năm, nhằm vinh danh các tài năng trẻ xuất sắc trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Thầy cô bỏ tiền mua nước cho học sinh

* Xem danh sách đoạt giải thưởng năm nay, có cảm giác anh là nhà khoa học phải đi lại nhiều nhất. Không chỉ ở trong phòng nghiên cứu mà phải đến những vùng sâu để áp dụng công nghệ mới. Có khi nào anh cảm thấy đuối sức?

- Đúng là phải đi nhiều thật. Làm điều phối viên quốc tế cho Hiệp hội ngành nước Úc (Australian Water Association - AWA) nên tôi thường xuyên đi tìm hiểu thực tế xem nơi nào có nhu cầu nước sạch, kết nối với các cơ quan chức năng, các công ty, kiểm tra việc lắp đặt và vận hành có đúng tiêu chuẩn hay không. 

Hiệp hội thường có những dự án hỗ trợ cấp nước hoặc chuyển giao công nghệ nước sạch cho một số nơi ở Việt Nam. Đi nhiều thì vất vả, không được gần gia đình nhiều. Nhưng nếu nghĩ theo hướng tích cực là mình đang cống hiến cho cộng đồng.

* Những chuyến công tác, đặc biệt khi đến cấp nước cho các trường học còn khó khăn, chắc hẳn để lại cho anh những kỷ niệm đáng nhớ?

- Chúng tôi xây dựng được 23 trạm nước sạch ở một số tỉnh như Khánh Hòa, An Giang, Nam Định, Đồng Tháp, Quảng Trị... Mỗi trạm có thể cấp nước uống được tại vòi cho 2-3 trường. Nguồn kinh phí và công nghệ được hỗ trợ. 

Đến trường nào tôi cũng có cảm giác như đang trở về những ngày lớp 1, lớp 2 của mình ngày xưa. Ấn tượng nhất có lẽ là ở Trường tiểu học Thượng Long ở huyện Nam Đông, Thừa Thiên Huế. 

Ở đó người ta bơm nước ngầm nhưng chỉ dùng được cho rửa tay, lau dọn, không thể uống. Không nỡ thấy học sinh chịu khát, thầy cô tự bỏ tiền mua nước cho các em uống hằng ngày.

Nhà khoa học của vùng sâu, vùng xa - Ảnh 3.

TS Trần Văn Huy

Kết nối các chuyên gia trẻ

* Cơ duyên nào đưa anh theo học, sau này là hoạt động và nghiên cứu xoay quanh công nghệ nước sạch?

- Tôi lớn lên ở vùng chiêm trũng Hà Nam, trước nhà là sông, sau là ao. Lớn lên thấy nguồn nước ô nhiễm nhiều nên muốn góp phần nhỏ thay đổi. 

Tôi theo học kỹ thuật hạ tầng Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, ra trường đi làm một thời gian rồi tìm học bổng du học. Tốt nghiệp chương trình tiến sĩ ở ĐH Công nghệ Sydney (Úc), tôi làm cho AWA.

* Những chuyến đi trong vai trò điều phối viên quốc tế có "ngốn" thời gian nghiên cứu của anh?

- Thật ra tôi vẫn đang thực hiện nhiều nghiên cứu, đi theo hướng ứng dụng, trong đó có những dự án của AWA và ĐH Công nghệ Sydney. Chúng tôi nghiên cứu và áp dụng màng siêu lỏng giúp tăng hiệu quả lọc nước. 

Những công nghệ tiên tiến được nghiên cứu đều được chuyển giao vào một số dự án cụ thể ở Việt Nam. 

Ngoài ra, chúng tôi cũng nghiên cứu và chuẩn bị chuyển giao công nghệ kiểm tra dấu hiệu của virus corona trong nguồn nước. 

Công nghệ có thể xem xét nước thải trong một khu vực dân cư, đặc biệt là nơi có nhiều người nhập cư, để tìm dấu hiệu của người đã nhiễm bệnh. Đây là cách hỗ trợ khoanh vùng sớm những nơi có người mắc bệnh để có hướng xử lý kịp thời.

* Hiện nay, điều anh trăn trở nhất về ngành nước là gì?

- Để phát triển bền vững cần đội ngũ mạnh. Vì vậy, tôi cùng một số đồng nghiệp thành lập Mạng lưới chuyên gia trẻ ngành nước, dưới sự giúp đỡ của AWA và Hội Cấp thoát nước Việt Nam. 

Trong chương trình, các chuyên gia trẻ của Úc và Việt Nam sẽ trao đổi kinh nghiệm, tiếp cận nhiều công nghệ mới, nâng cao khả năng ngoại ngữ... Hiện tại có khoảng 30 thành viên. Trong năm 2021, mạng lưới sẽ tăng số lượng và tổ chức thêm nhiều hoạt động.

"Tài sản" của ngành nước

"Huy là một "tài sản" to lớn của ngành nước ở Úc và Việt Nam - người đưa sự đổi mới vào thực tiễn để cung cấp nước uống an toàn cho những người có nhu cầu, nhất là ở nông thôn Việt Nam.

Huy đã tạo ra cầu nối giữa các cơ quan cấp nước Việt Nam và Úc, các cơ quan chính phủ, những chuyên gia trẻ ngành nước và các doanh nghiệp tư nhân để chia sẻ kiến thức nhằm đạt được mục tiêu chung về dịch vụ nước an toàn, bền vững và đảm bảo" - ông Paul Smith, trưởng bộ phận đối ngoại AWA, chia sẻ.

Tuyên dương 63 thầy, cô giảng dạy ở vùng sâu, vùng xa Tuyên dương 63 thầy, cô giảng dạy ở vùng sâu, vùng xa

TTO - Năm 2019 sẽ tuyên dương 63 thầy, cô giáo đang trực tiếp giảng dạy tại các lớp học thuộc các trường mầm non, tiểu học, trung học ở vùng sâu, vùng xa có số học sinh dân tộc trên 50%.

TRỌNG NHÂN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên