01/05/2010 07:45 GMT+7

Nhà giáo phải sống được với nghề

PHẠM PHÚC THỊNH(chuottau@...)
PHẠM PHÚC THỊNH(chuottau@...)

TT - Hai ngày qua đã có nhiều ý kiến phản hồi cho bài viết “Giáo viên bị cắt thu nhập” trên Tuổi Trẻ 29-4. Phần lớn ý kiến do giáo viên gửi tới đầy bức xúc, lo lắng sự bấp bênh của cuộc sống với thu nhập ít ỏi, nay lại bị cắt giảm.

AK3Hvz41.jpgPhóng to

Đừng để người yêu nghề phải dứt áo ra đi

Xin các nhà quản lý thử làm giáo viên đứng lớp một học kỳ và thực hiện đầy đủ mọi việc như soạn bài (một tiết lên lớp mất hai tiết soạn bài), chủ nhiệm, chấm bài, quản lý học sinh, học tập chính trị, nghiên cứu chuyên môn... Ngoài ra còn họp tổ, họp hội đồng nhà trường, họp phụ huynh, làm việc với từng học sinh để hiểu tâm tư nguyện vọng của các em. Các vị sẽ cảm nhận được làm giáo viên “sướng” như thế nào. Xin đừng để xảy ra tình cảnh những giáo viên yêu nghề, tâm huyết phải dứt áo với nghề. Và đừng để xã hội nhìn nhà giáo đồng nghĩa với nhà nghèo. Tôn sư trọng đạo xin hãy bắt đầu từ việc đơn giản nhất là làm sao nhà giáo sống được với nghề của mình.

Soạn giáo án, chấm bài... nằm ngoài định mức

Ông cục phó Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cho rằng “...ở phổ thông, định mức là 17-19 tiết/tuần, thực tế đã cộng vào đó cả những hoạt động trước và sau giờ dạy (nghiên cứu tài liệu, soạn giáo án, chấm bài)” là không đúng. Định mức 17-19 tiết đó là thực dạy. Nếu không đủ số tiết thực dạy thì nhà trường phân công chủ nhiệm lớp, trông coi phòng thực hành hoặc các công tác khác phù hợp định mức.

Việc nghiên cứu tài liệu, soạn giáo án, chấm bài... hoàn toàn nằm ngoài định mức trên. Thực tế rất nhiều giáo viên dạy vượt định mức nên việc chấm trả bài kiểm tra vô cùng vất vả. Chúng tôi đề nghị Bộ GD-ĐT kiểm tra và xem lại thông tư 49.

Làm sao toàn tâm toàn lực cho công việc?

Công việc giảng dạy hiện nay gây áp lực cho giáo viên rất nhiều từ chương trình, sách giáo khoa, thi cử..., chưa kể đạo đức học đường ngày càng xuống cấp..., thế nhưng thu nhập của giáo viên lại bị cắt giảm. Tôi không hiểu cục nhà giáo nghĩ thế nào, lấy ý kiến từ những ai mà lại cắt tiền chấm bài! Thu nhập giáo viên giảm nhưng họ phải sống. Vì thế chắc chắn họ phải cắt giảm chi tiêu hay làm công việc khác để kiếm thêm.

Thế thì liệu họ có còn toàn tâm toàn lực cho công việc? Trước đây giáo viên cũng đã có phụ cấp thâm niên, rồi cắt bỏ, rồi lại nghe nói Bộ GD-ĐT sẽ cố gắng đưa vào! Giáo viên sống được bằng chính nghề của mình vẫn mãi còn là niềm mơ ước!

Chưa có phương án hỗ trợ, sao vội vàng cắt bớt thu nhập?

Trong thực tế, chúng tôi dạy bao nhiêu được hưởng số tiết bấy nhiêu, làm gì được tính thêm các hoạt động trước và sau giờ dạy. Lương chưa kịp tăng thì đã cắt phụ trội chấm bài. Bản thân tôi tốt nghiệp đại học, giảng dạy THCS với thâm niên mười năm, mức lương khoảng 2,5 triệu đồng tự nuôi sống bản thân đã khó, vậy gia đình tôi sống như thế nào? Làm sao đòi hỏi người giáo viên tâm huyết với nghề khi còn phải trăn trở quá nhiều về cơm ăn áo mặc.

Niềm hi vọng “năm 2010 giáo viên sống được bằng lương" không biết sẽ kéo dài đến bao giờ. Tại sao chưa có phương án hỗ trợ hợp lý đã vội vàng cắt bớt thu nhập vốn đã ít ỏi của chúng tôi?

Còn ai đi học sư phạm?

Em là sinh viên sắp ra trường, sắp là một giáo viên, nhưng khi biết được thông tư này em thật sự buồn lắm, không biết ra trường em có đi dạy không hay về làm nông dân. Những ngành khác tết đến, lễ đến người ta đều có thưởng, còn giáo viên thì không có một xu, nếu có thì không mua đủ một ký thịt. Vậy mà bây giờ còn cắt hết cái này đến cái khác, không biết rồi đây có ai còn dám đi học ngành sư phạm nữa không.

Không có chuyện 1 tiết đứng lớp được 4 tiết chuẩn bị

Tôi là giảng viên đại học đến nay được mười năm. Thực tế làm gì có trường nào tính tiết chuẩn cho giảng viên một tiết đứng lớp được cộng thêm bốn tiết chuẩn bị bài! Nếu được tính như vậy giảng viên chúng tôi chỉ cần đứng lớp thực tế 70 tiết là hoàn thành nhiệm vụ. Các nhà quản lý cứ tính kiểu “trong tính toán của chúng tôi” (chúng tôi ở đây là quan chức của Bộ GD-ĐT chứ không phải nhà quản lý các trường, phòng tài vụ tính để trả tiền vượt giờ) thì giáo viên bao giờ hết khổ? Hay các trường đang làm sai quy định của Bộ GD-ĐT?

Cũng trong bài phỏng vấn đó có đoạn: “Nếu trường phổ thông có cơ chế tự chủ như đại học, chAúng tôi cũng nghĩ đến chuyện tách bộ phận khảo thí riêng để giáo viên chỉ lo dạy học, không phải lo kiểm tra, đánh giá”. Giáo viên chỉ dạy mà không kiểm tra, đánh giá người học có được không? Có lý thuyết giáo dục nào nói điều đó? Giáo viên không kiểm tra sao biết người học tiếp thu bài thế nào, có hiểu, có biết vận dụng vào thực tế không? Chất lượng bài giảng của mình có đáp ứng được yêu cầu từ phía người học? Từng em học sinh đang học thế nào, cần được giúp đỡ ra sao?

Kiểm tra, đánh giá người học là việc bắt buộc, là nghĩa vụ cũng là trách nhiệm của người giáo viên. Một việc làm có ý nghĩa như vậy mà sao các nhà quản lý nỡ cắt tiền bồi dưỡng? Chấm bài có tiền còn đang có hiện tượng chấm vô trách nhiệm, không chữa kỹ lỗi sai cho học trò. Khi bỏ thu nhập chính đáng này, thực trạng giáo dục VN sẽ đi về đâu?

PHẠM PHÚC THỊNH(chuottau@...)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên