Phóng to |
Hori Yasushi bên tác phẩm của mình |
Năm 1960, khi trở về Nhật, họ đã có với nhau 6 mặt con. Ngày họ lên đường về Nhật (29-4-1960) cũng là ngày bà Hòa hạ sinh cậu trai út Hori Yasushi, để 25 năm sau cậu trở lại quê ngoại với tư cách một giáo sư mỹ thuật và nhà điêu khắc trẻ tên tuổi.
Từ đó đến nay, Hori Yasushi đã tham gia 5 trại sáng tác điêu khắc tại Việt Nam và nhiều trại điêu khắc khác ở Ý, Trung Quốc, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Hàn Quốc, Nam Tư (cũ), Nhật với nhiều tác phẩm nổi tiếng được trưng bày.
Tại góc sân vận động thị xã Hội An, Yasushi đang làm những công việc cuối cùng của tác phẩm Missing River bằng đá cẩm thạch dưới ánh nắng oi bức của mùa hè miền Trung. "Nhớ dòng sông" - dòng sông Hoài trong tâm tưởng mà mai đây khi rời Hội An anh chẳng thể nào quên. Cũng như dòng sông ấy đã in sâu trong tâm trí bao thương nhân người Nhật đã đến đây ba thế kỷ trước. Yasushi nói: "Tôi đã đến Hội An trong một tháng, đọc nhiều sách, gặp nhiều người dân Hội An để có được phác thảo này".
Một khối đá đen mài nhẵn, những thớ đá nhấp nhô như sóng Thu Bồn đang gợn. Đó là nhánh sông Hoài chảy qua phố cổ. Khối đá còn lại màu nâu thô ráp là đất đai, những khu phố và con người Hội An hiền hòa. Hai khối tương phản ghép khít vào nhau. Nhưng có thể thấy, phần đệm giữa chúng là một khoảng bằng phẳng, mà theo tác giả đó là "sinh mệnh của một vùng đất, là phần phản chiếu của bầu trời Hội An hiền hòa mà tôi bắt gặp vào những buổi tối lang thang bên bờ sông Hoài". Kết nối hai mảng đá tương phản ấy lại là một thanh đá mài mịn hình trụ đâm xuyên theo chiều ngang, song song với mặt đất. Yasushi bảo: Hình khối tuy mang ngôn ngữ của điêu khắc hiện đại, nhưng tiếng nói bên trong tác phẩm là của người Việt, của văn hóa phương Đông...
Trước khi đến Hội An, anh đã hai lần đến An Giang sáng tác. Hai lần khác ở Hà Nội và Huế. "Nhưng ở Hội An lần này, tất cả các tác giả tham dự đều là những người đã nổi tiếng, trình độ rất cao đến từ 7 quốc gia trên thế giới. Họ lại có thời gian đi thực tế và chuẩn bị kỹ lưỡng các phác thảo. Mỗi tác phẩm đều thể hiện ý tưởng và dấu ấn riêng của mỗi tác giả. Đó là phần quan trọng để Biến tấu Hội An 2006 - tên trại sáng tác điêu khắc - mang lại kết quả rất đáng trân trọng và hơn hẳn nhiều trại khác mà tôi đã dự"- Yasushi nói.
Nhà thơ Phùng Tấn Đông, người phụ trách chung của Biến tấu Hội An 2006 cho biết: "17 tác phẩm đã thể hiện sinh động, đa dạng cảm quan nghệ thuật đương đại trong dòng chảy truyền thống đậm tính nhân văn, tôn vinh thiên nhiên và ca ngợi cái đẹp trước những thử thách lớn của sự phát triển thiếu tính bền vững...".
Đứng bên tác phẩm Missing River, Yasushi nói rằng, một nửa dòng máu trong anh là dòng máu Việt, cho nên không chỉ đến khi về lại Việt Nam, mà ngay trong chiến tranh, cả gia đình anh đều hướng về Việt Nam, bằng khả năng có thể, cả gia đình đã làm tất cả những gì có lợi nhất cho quê ngoại ngay trong chiến tranh và phát triển mối quan hệ Việt - Nhật. Ngay sau khi tốt nghiệp thạc sĩ Mỹ thuật ở Ba Lan, Yasushi quay về Hà Nội, đi học tiếng Việt và giảng dạy tại Đại học Mỹ thuật Hà Nội cũng từ tâm nguyện của hai cụ Bùi Thị Hòa và Hoàng Trung lúc sinh thời. "Mẹ tôi mất vào năm 1974, chưa được thấy hòa bình ở quê hương, nên cụ mong ước các con sẽ về và đóng góp tài sức của mình...".
Trước khi chia tay, chúng tôi mới được Yasushi tiết lộ thêm: Anh đã lấy vợ Việt Nam và đã có một cháu gái 3 tuổi. Khi tôi bắt tay chúc mừng, Yasushi nói: "Người Việt mình có câu nói rất hay là lá rụng về cội, phải không anh!".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận