22/03/2022 14:45 GMT+7

Nhà đầu tư điện gió 'kêu cứu' Thủ tướng vì nguy cơ phá sản do… chờ cơ chế

N.AN
N.AN

TTO - Dù đã hòa lưới lên hệ thống điện quốc gia nhưng do dịch COVID-19 kéo dài, ảnh hưởng thời tiết nên không kịp chạy thử nghiệm, các nhà đầu tư dự án điện gió như ngồi trên lửa khi đứng trước nguy cơ phá sản cận kề, mòn mỏi chờ cơ chế.

Nhà đầu tư điện gió kêu cứu Thủ tướng vì nguy cơ phá sản do… chờ cơ chế - Ảnh 1.

Các dự án điện gió đã cơ bản hoàn thành xây dựng, đóng điện, nối lưới nhưng đang chờ thử nghiệm và cơ chế - Ảnh: N.TH.

Trong đơn kiến nghị lần hai vừa được gửi tới Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương và các đơn vị liên quan, chủ đầu tư các dự án nhà máy điện gió Nhơn Hội, điện gió Nam Bình 1, điện gió Cầu Đất và điện gió Tân Tấn Nhật cho hay dự án đang đứng trước nhiều khó khăn khi phải dừng hoạt động, doanh nghiệp rơi vào tình trạng bất ổn, nguy cơ phá sản cận kề.

Cụ thể, cả 4 dự án điện gió này đều đã hoàn thành xây dựng, lắp đặt và có chứng nhận nghiệm thu hoàn thành công trình trước ngày 31-10-2021, có giấy phép hoạt động điện lực, đã hòa lưới trên hệ thống điện quốc gia và được ghi nhận trên dữ liệu điện tử của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Chậm kéo dài do... COVID-19 đến thời tiết

Tuy nhiên, do tác động của những yếu tố khách quan như dịch COVID-19, thời tiết bất thường… khiến cho việc thử nghiệm kỹ thuật - là khâu cuối trong quy trình công nhận vận hành thương mại (COD) - đã không kịp thực hiện trước ngày 31-10-2021 để hưởng giá ưu đãi (giá FIT) theo quyết định 39/2018 về cơ chế hỗ trợ phát triển điện gió.

Liên tiếp có tới 5 đơn kiến nghị gửi đến các cơ quan liên quan, Công ty cổ phần Năng lượng Fico Bình Định - chủ đầu tư dự án điện gió Nhơn Hội (giai đoạn 1&2) - cho hay trước tháng 10-2021, để kịp hưởng cơ chế theo quy định, doanh nghiệp đã phải chạy đua với thời gian để hoàn thành toàn bộ phần xây lắp, thực hiện các thủ tục cuối cùng.

Nhưng dịch COVID-19 bùng phát kéo dài, diễn biến phức tạp ở các tỉnh miền Nam. Đến tháng 9-2021 nhiều tỉnh vẫn giãn cách xã hội nên việc đưa chuyên gia, thiết bị vào nhà máy gặp nhiều khó khăn. Sau nhiều nỗ lực, các tuabin đều đã hòa lưới điện, sẵn sàng các thử nghiệm cuối cùng với EVN, nhưng lại gặp thời tiết bất lợi, tốc độ gió thấp và không ổn định nên không thể hoàn thành.

Nhà đầu tư điện gió kêu cứu Thủ tướng vì nguy cơ phá sản do… chờ cơ chế - Ảnh 2.

Văn bản "kêu cứu" của các nhà đầu tư điện gió - Ảnh: N.AN

"Việc không hoàn thành thử nghiệm đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến bảo trì, bảo dưỡng. Nhiều lần chúng tôi đã kiến nghị được đóng điện hòa lưới trở lại để hoàn thiện quy trình thử nghiệm nội bộ. Dù vậy, phải chờ cơ chế hướng dẫn mới, nhà máy vẫn chưa được vận hành khiến các thiết bị kỹ thuật, tuabin bị hư hại, doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản, tranh chấp" - đại diện doanh nghiệp này cho hay.

Cũng gặp khó khăn, vướng mắc như trên, đại diện chủ đầu tư điện gió Nam Bình 1 cho hay đã hoàn thành nghiệm thu công trình, hòa lưới điện nhưng đến nay vẫn gặp vướng mắc ở công tác thử nghiệm cuối cùng với EVN và chờ cơ chế hướng dẫn mới sau khi quyết định 39 hết hiệu lực.

Nhưng từ tháng 11 đến nay vẫn chưa có hướng dẫn mới, các kiến nghị gửi tới bộ ngành liên quan đều chưa có phản hồi, nên tất cả các nhà máy phải dừng hoạt động, hư hỏng thiết bị. Theo đó, hàng nghìn tỉ đồng ở các dự án "đắp chiếu", gây lãng phí và thiệt hại rất lớn cho nhà đầu tư.

Mòn mỏi chờ cơ chế, dự án thiệt hại lớn

Theo một đại diện của EVN, để vận hành thương mại doanh nghiệp buộc phải đáp ứng các tiêu chí, trong đó có khâu thử nghiệm kỹ thuật, đảm bảo độ tin cậy.

Do đó, trường hợp chưa thực hiện được thử nghiệm nên không thể công nhận COD. Chưa kể, hiện nay quyết định 39 đã hết hiệu lực, nên cơ chế cho các dự án điện gió vận hành sau thời điểm tháng 10-2021 phải chờ hướng dẫn cụ thể của Bộ Công thương.

Đại diện một doanh nghiệp cho rằng các quy định về thử nghiệm phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện khách quan như thời tiết, con người, nên cần áp dụng một cách linh hoạt trước hoặc sau COD, trong trường hợp dự án đã hoàn thành toàn bộ phần xây lắp, có chứng nhận nghiệm thu công trình, đáp ứng đầy đủ điều kiện về xây dựng.

"Việc áp dụng linh hoạt trước hoặc sau COD mà không làm ảnh hưởng tới khả năng vận hành của nhà máy, thay vì áp dụng cứng nhắc như hiện nay, làm giảm tính minh bạch, tăng rủi ro cho nhà đầu tư" - một doanh nghiệp cho hay.

Trước thực trạng trên, các doanh nghiệp kiến nghị Thủ tướng, Bộ Công thương xem xét cho các nhà máy được tiếp tục các thử nghiệm và được công nhận COD theo quyết định 39 hoặc xem xét gói hỗ trợ tổng thể với các dự án gặp khó do dịch COVID-19. Đồng thời, sửa đổi các quy định trong ngành điện với quy trình COD như hiện hành cho phù hợp, linh hoạt hơn.

Theo tìm hiểu của Tuổi trẻ Online, đến nay sau 5 tháng cơ chế ưu đãi giá với điện gió không còn hiệu lực, Bộ Công thương vẫn đang xây dựng dự thảo cơ chế giá điện cho điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp.

Với quan điểm được bộ này khẳng định: việc kéo dài thời gian hưởng chính sách giá FIT không còn phù hợp, cần có cơ chế mới, nên nhiều khả năng các dự án này đều sẽ không được hưởng ưu đãi giá FIT cũ.

Đối với 4 dự án trên, Bộ Công thương cho biết đã nhận được kiến nghị của doanh nghiệp nhưng đang xem xét để phù hợp với cơ chế chung, trên cơ sở nguyên tắc là để đảm bảo công bằng với các nhà đầu tư, gắn với cơ chế chung, tổng thể đang được xây dựng với những dự án chuyển tiếp.

Lối thoát nào cho các dự án điện gió, điện mặt trời ‘hụt’ giá ưu đãi? Lối thoát nào cho các dự án điện gió, điện mặt trời ‘hụt’ giá ưu đãi?

TTO - Nhiều dự án điện mặt trời, điện gió không thể vận hành thương mại (COD) kịp tiến độ để hưởng giá ưu đãi sẽ phải chờ đàm phán bán điện với EVN.

N.AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên