14/04/2021 09:49 GMT+7

Nhà đầu tư chứng khoán bị 'giam tiền'

BÔNG MAI
BÔNG MAI

TTO - Hàng loạt nhà đầu tư chứng khoán đang bị 'giam tiền' do Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM nâng lô giao dịch tối thiểu từ 10 lên 100 cổ phiếu. Nhiều công ty chứng khoán cũng than phiền, tiềm ẩn nguy cơ thua lỗ khi phải đứng ra 'giải cứu'.

Nhà đầu tư chứng khoán bị giam tiền - Ảnh 1.

Nhiều nhà đầu tư cho hay bị “giam tiền” do quy định chứng khoán lô lẻ. Trong ảnh: trước trụ sở HoSE - Ảnh: BÔNG MAI

Theo phản ánh, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) gửi công văn đến công ty chứng khoán (CTCK) về việc nâng lô giao dịch khá gấp, nên thông tin đến nhà đầu tư có phần cập rập, nhiều người không kịp bán lô lẻ (1-99 cổ phiếu). Do đó hơn 3 tháng nay nhiều khách hàng vẫn bị "chôn" tiền.

Bị giam tiền hoặc bán cổ phiếu giá thấp

Hơn 5 năm đầu tư chứng khoán, ông Trần Hữu Nam (53 tuổi), mở tài khoản tại Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt (BVSC), chia sẻ: "Các cổ phiếu tôi đầu tư chủ yếu từ tiền lương mình có được và từ cổ phiếu thưởng của các doanh nghiệp, với mong muốn nhận cổ tức, hoặc cổ phiếu thưởng để tạo thêm kinh tế cho gia đình".

Trước đây chỉ cần 10 cổ phiếu là có thể giao dịch, nhưng từ khi HoSE nâng lô tối thiểu lên 100, hàng loạt cổ phiếu ông Nam sở hữu đang bị mắc kẹt vì không thể bán trực tiếp trên sàn, trong số đó có các cổ phiếu mang thị giá cao từ 100.000-180.000 đồng như Vinamilk, Sabeco...

"Việc đầu tư, nâng cấp hệ thống xử lý lệnh là của cơ quan quản lý. Tất cả các giao dịch dù lớn hay nhỏ đều thu phí của khách hàng trên phần trăm giá trị giao dịch. Tại sao lại lấy lý do nghẽn lệnh mà bắt khách hàng phải có trách nhiệm giải quyết tình trạng nghẽn này bằng cách nâng số cổ phiếu được phép giao dịch lên 100 cổ phiếu/lần", ông Nam bức xúc khi tiền bị giam lại sau chính sách mới được HoSE áp dụng từ 4-1-2021.

Một số nhà đầu tư chia sẻ với thực tế buộc phải có giải pháp chống tắc nghẽn nhưng cho rằng không nên "yếu kém chỗ nọ, chuyển méo mó sang chỗ kia". Bên cạnh quyết định hành chính gây tổn thất cho nhà đầu tư, cần đồng thời có giải pháp hỗ trợ những người bị thiệt hại.

Hiện mỗi CTCK lại áp dụng các cách khác nhau để thu mua cổ phiếu lô lẻ. Nhìn chung, CTCK thường mua thấp hơn thị giá hoặc mua theo giá sàn, nhà đầu tư phải chịu bán lỗ, không chấp nhận thì thôi, cổ phiếu lẻ phải nằm im, không thể giao dịch.

Chẳng hạn Công ty cổ phần chứng khoán VPS vừa triển khai thu mua các cổ phiếu lô lẻ, thời gian thực hiện từ 9h đến 16h30 vào thứ hai và thứ ba hằng tuần, thu mua theo giá sàn của ngày giao dịch.

Ở một số CTCK khác, nhà đầu tư phải trải qua thủ tục phức tạp hơn. Như để bán cổ phiếu lô lẻ trên HoSE, CTCK HSC yêu cầu khách hàng phải mang CMND/căn cước công dân lên các quầy giao dịch của công ty và ký vào biên bản thỏa thuận. Giá bán cổ phiếu lô lẻ bằng 90% giá tham chiếu tại ngày ký hợp đồng bán lô lẻ. Tiền bán chứng khoán lô lẻ lại thường về chậm hơn so với giao dịch thông thường.

Công ty chứng khoán cũng kêu

Buộc bán cổ phiếu giá thấp nên nhiều nhà đầu tư đặt nghi vấn CTCK thu lợi lớn từ các thương vụ này. Tuy nhiên, nhiều CTCK lại cho biết họ cũng không vui vẻ gì.

Đại diện CTCK BVSC chia sẻ việc mua cổ phiếu lô lẻ của khách hàng không thuộc trách nhiệm của CTCK, tuy nhiên công ty sẵn sàng hỗ trợ khách hàng có thể bán số cổ phiếu lẻ thay vì không thể giao dịch được mà nằm yên trên tài khoản.

"Việc mua lô lẻ của khách hàng diễn ra trong khoảng thời gian kéo dài, trong khi thị trường chứng khoán liên tục biến động, nên việc hỗ trợ khách hàng mua lô lẻ có thể dẫn đến việc công ty chúng tôi nói riêng hay bất kỳ CTCK nào khi bán có nguy cơ lỗ.

Bên cạnh đó, có rủi ro khi mua cổ phiếu lô lẻ cho khách hàng gom lại không đủ thành lô chẵn thì ngay chính CTCK cũng bị mắc kẹt", đại diện BVSC cho hay.

Việc chọn mức giá tham chiếu của ngay ngày hôm trước và giảm trừ 10% là để phòng ngừa rủi ro biến động giá xuống và BVSC cho biết thực tế đã có những cổ phiếu giá giảm sau đó dẫn đến CTCK thua lỗ.

"Việc mua cổ phiếu lô lẻ mất rất nhiều thời gian và thủ tục, tiềm ẩn nguy cơ nên phía công ty xác định đây là hoạt động nhằm hỗ trợ khách hàng giảm thiểu tối đa các ảnh hưởng từ sự thay đổi quy định chứ không phải là hoạt động đầu tư kinh doanh", đại diện BVSC khẳng định.

Ông Nguyễn Thế Minh (giám đốc phân tích CTCK Yuanta Việt Nam) nhận định chưa nói đến phần thiệt hại, nội phần CTCK đi xử lý mua lô lẻ cũng phiền. Nhiều CTCK ngoại không muốn hoạt động tự doanh tại VN nhưng do lô lẻ nên hoạt động tự doanh lại phát sinh.

Ông Huỳnh Minh Tuấn (giám đốc môi giới hội sở CTCK Mirae Asset) cho rằng hiện VN áp lô tối thiểu là 100 cổ phiếu nhằm giảm áp lực nghẽn sàn HoSE, đây cần xem là tình thế tạm thời.

Thực tế, nhiều cổ phiếu lẻ do việc doanh nghiệp chia cổ phiếu thưởng, chia cổ tức, đây là một phần tất yếu của thị trường. Để tạo vị thế công bằng, sòng phẳng cho nhà đầu tư, đặc biệt nhà đầu tư nhỏ lẻ, HoSE và các đơn vị cần sớm khắc phục tình trạng nghẽn lệnh để giảm lô giao dịch tối thiểu về đơn vị 10 cổ phiếu/lô hoặc thấp hơn thay vì chặn đứng như hiện nay.

Xu hướng giảm lô giao dịch

Nhiều nhà đầu tư vẫn lo việc ông Lê Hải Trà, tổng giám đốc HoSE, lại mới giải thích với giới truyền thông rằng nếu nâng lô tối thiểu lên 1.000 áp dụng với các cổ phiếu có thị giá dưới 30.000 đồng sẽ giúp giảm hơn 20% số lượng lệnh hiện nay, từ đó góp phần giảm tắc nghẽn cho HoSE. Trước đó, giải pháp tăng lô lên 1.000 bị Bộ Tài chính bác bỏ.

TS Hồ Quốc Tuấn (giảng viên Đại học Bristol, Anh) chia sẻ sự xuất hiện của các công ty công nghệ tài chính (fintech) hỗ trợ nhà đầu tư nhỏ lẻ đã tạo thêm sức ép khiến các sàn giao dịch chính thức phải cạnh tranh theo hướng giảm dần lô giao dịch.

Do đó, xu thế chung của thị trường chứng khoán thế giới là giảm lô giao dịch tối thiểu về 1 cổ phiếu hoặc thấp hơn.

Phiên giao dịch hơn 29.200 tỉ đồng, chứng khoán lập kỷ lục mới

Phiên giao dịch 13-4 chứng kiến thị trường giằng co, người bán chốt lời, kẻ tranh thủ mua vào. Cổ phiếu Vingroup (VIC) trở thành tiêu điểm trong ngày khi trở thành nơi hút dòng tiền mua mạnh nhất sau thông tin tập đoàn này đang cân nhắc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Mỹ cho Hãng xe VinFast, kỳ vọng huy động khoảng 3 tỉ USD.

Chỉ trong một phiên, Vingroup đã nhận về hơn 29.427 tỉ đồng vốn hóa.

Chốt phiên, VN-Index giảm 4,12 điểm (-0,33%) nhưng thanh khoản sàn HoSE đạt hơn 23.470 tỉ đồng, tương đương gần 1,02 tỉ USD, cao gấp 1,5 lần thanh khoản bình quân trong quý 1-2021.

Tính tổng giá trị giao dịch cả HoSE, HNX và UPCoM đạt trên 29.208 tỉ đồng (xấp xỉ 1,27 tỉ USD), trở thành phiên có tổng giá trị giao dịch cao nhất trong lịch sử 20 năm hoạt động thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ông Huỳnh Minh Tuấn (giám đốc môi giới hội sở CTCK Mirae Asset) nhận định nếu không xảy ra tắc nghẽn giao dịch trong phiên, giá trị giao dịch có thể còn tăng cao hơn.

Hơn 1,12 tỉ USD giao dịch chứng khoán, tin khả năng xử lý lên 1,1 triệu lệnh là thất thiệt Hơn 1,12 tỉ USD giao dịch chứng khoán, tin khả năng xử lý lên 1,1 triệu lệnh là thất thiệt

TTO - Phiên giao dịch 12-4 diễn ra khá 'mượt', nhiều nhà đầu tư đồn đoán Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã nâng khả năng xử lý lên 1,1 triệu lệnh/phiên. Tổng thanh khoản thị trường đạt hơn 1,12 tỉ USD.

BÔNG MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên