07/06/2017 20:08 GMT+7

​Nhà đất Hong Kong đắt đỏ vì... ly dị?

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Số lượng các cặp vợ chồng ly dị cao ở Hong Kong được cho là nguyên nhân không nhỏ ảnh hưởng tới giá nhà đất tại đặc khu kinh tế này, theo Bloomberg.

Một khu phố nhộn nhịp tại Hong Kong - Ảnh: AFP
Một khu phố nhộn nhịp tại Hong Kong - Ảnh: AFP

Tại Hong Kong, việc giá cả nhà đất đắt đỏ không còn là chuyện lạ. Bloomberg ngày 7-6 dẫn dữ liệu cho thấy các hộ gia đình tại đây mất 18 năm thu nhập bình quân để mua một ngôi nhà, mức cao nhất thế giới.

Để so sánh, người ở Sydney (Úc) mất 12 năm để mua nhà, còn London (Anh) là 8 năm rưỡi, trong khi chỉ cần dưới 6 năm, một người ở New York (Mỹ) đã sở hữu nhà.

Áp lực giá cả nhà đất ở Hong Kong lâu nay được cho bắt nguồn từ tình hình lãi suất thấp, thiếu hụt nhà ở cũng như nhu cầu nhà ở quá nhiều từ Trung Quốc đại lục. Tuy nhiên, có một nguyên nhân khác cũng đẩy giá nhà ở Hong Kong lên cao: Ly dị.

Chuyên gia nghiên cứu tại Đại học Hong Kong và là nhà phân tích kỳ cựu về lĩnh vực nhà đất Richard Wong cho rằng, nhu cầu ly dị và tái hôn đã tăng đáng kể ở Hong Kong trong hai thập niên qua.

Từ năm 1976 tới năm 1995, có 803.072 vụ đám cưới được thống kê. Trong đó, có 84.788 cặp ly dị, và 65.794 trường hợp tái hôn, theo ông Wong.

Ở giai đoạn những năm tiếp theo tính tới 2015, số lượng đám cưới là 878.552, nhưng các vụ ly dị lại tăng đột biến lên 323.298 vụ, và có 256.066 vụ tái hôn.

Những nhà hoạch định nhà đất đã không tính trước được làn sóng ly hôn này, ông Wong nói. Thực tế là tổng số lượng nhà mới xây ở giai đoạn 1976 - 1995 đạt 1.267.335, nhưng trong 19 năm sau đó con số này giảm xuống còn 857.378.

Làn sóng ly hôn trong khi đó dẫn tới nhu cầu thuê nhà, mua nhà gia tăng và đặt áp lực lớn lên chính phủ. Trong trường hợp ly hôn, các cặp đôi thường tìm tới các khu nhà tập thể, chung cư, do việc mua nhà riêng quá khó khăn so với mức thu nhập bình quân nêu trên.

Thêm vào đó, các cặp ly hôn ở Hong Kong cũng có xu hướng tìm kiếm người phối ngẫu ở nước ngoài, mà đa phần là từ Trung Quốc.

Từ năm 1997, khi đặc khu Hong Kong được trả lại Trung Quốc, việc giao lưu giữa người dân hai bên trở nên dễ dàng hơn, và đàn ông Hong Kong thường chiếm đa số trường hợp đón bạn đời Trung Quốc sang ở, theo Bloomberg.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên