Nhà phao mà người dân Tân Hóa (Quảng Bình) có thể sống ung dung chờ lũ qua - Ảnh: QUỐC NAM
Thiên tai ngày càng khốc liệt, tần suất dày đặc, con người cần phải thích nghi với lũ như là một phần của cuộc sống. Đến lúc cần một giải pháp nào căn cơ cho người dân vùng lũ.
Đến lúc nào đó phải tính chuyện sống chung với lũ lụt như là một phần của cuộc sống. Không thể năm nào cũng luẩn quẩn chuyện chạy lũ, nơm nớp theo mức báo động trên sông, của cải một năm, thậm chí một đời tích cóp bỗng chốc trắng tay.
Tài sản mất, rồi năm nào cũng cảnh nhà trôi, người chết, thiếu đói, nước vây, cứu hộ... thiệt hại khủng khiếp. Nhưng rõ ràng chuyện này với người dân nghèo vùng lũ chắc chắn là quá sức về tài chính, ngược lại họ thừa giải pháp thích nghi.
Quê tôi triền sông, ông bà tôi đều có chiếc ghe nan trên gác mái nhà. Đó là phương tiện cũng là giải pháp cho cả nhà mùa lũ. Không cần lực lượng cứu hộ, cứu nạn nào tới, chúng tôi đã tự cứu mình như một kỹ năng sinh tồn qua nhiều thế hệ.
Lũ lụt ngày một khốc liệt hơn - Ảnh: TRẦN MAI
Gần 10 năm trước ở vùng thấp nhất của huyện Đại Lộc (Quảng Nam) có những căn nhà chống lũ bằng bêtông, trụ đúc hẳn hoi trông như những chòi canh trong các doanh trại quân đội. Nơi đó đủ trú ngụ cho cả gia đình và sống rất an toàn chờ qua cơn lũ. Nhưng sau một thời gian chuyện này không còn ai nhắc tới.
Lùi lại chút nữa, tại TP Đà Nẵng còn có những căn nhà cộng đồng dành riêng cho việc phòng chống thiên tai. Những căn nhà này hình thành sau cơn bão Xangsane kinh hoàng 2006. Nó có thể là nơi trú ngụ an toàn cho nhiều hộ dân của một xóm, một thôn trước các cơn bão lớn.
Gần đây nhất 2014, Tân Hóa, nơi được cho là trũng nhất của tỉnh Quảng Bình, có một sáng tạo vượt trội đó là "nhà phao". Những căn nhà như chiếc bè được kết bằng thùng phuy tự động lên xuống theo nước lũ. Chuyện này báo chí nhắc nhiều đến tính năng và công dụng tuyệt vời của nó.
Nhà phao giá không cao, anh bạn Nguyễn Châu Á - người sáng lập Oxalis Adventure nổi tiếng thế giới hang động - cùng bạn bè hằng năm tổ chức các cuộc chạy marathon để lấy tiền giúp dân nơi đây làm nhà phao. Đến nay có hàng trăm cái như vậy. Người dân và cả chính quyền quẳng đi một gánh âu lo. Những năm trước, lũ về cả làng kéo lên các hang đá tránh nước ngập. Năm nay họ ung dung gom tài sản và sống vui trên căn nhà nổi của mình, dù căn nhà kiên cố bên dưới đã lút nóc.
Nhà phao có tác dụng nơi nước bình lặng, hiền hòa. Nhà trụ bêtông, mê đúc, kiểu chòi canh nhà binh có tác dụng tốt nơi nước chảy xiết. Nhà cộng đồng dành riêng cho việc tránh bão và gom dân mùa lũ...
Nhà phao của người dân Tân Hóa (Quảng Bình) - Ảnh: QUỐC NAM
Biết rằng cùng một lúc Nhà nước không thể xây hàng triệu căn nhà trên khắp cả nước như vậy nhưng mỗi năm một ít, xây dựng từ vùng trũng nhiều đến vùng trũng ít, mỗi năm một ít phù hợp với từng vị trí địa lý thì không gì là không thể.
Thậm chí ngay cả việc cứu trợ trong lũ, thay vì cứu khi có lũ, chúng ta nên cứu họ trước khi lũ về bằng cách làm những căn nhà như vậy. Cứu trợ một lần chúng ta cùng an tâm dài lâu.
Thiên tai là việc của trời đất nhưng đối phó là việc của chúng ta. Nhiều quốc gia đã huấn luyện cho dân chúng những bài học rất căn bản trong thảm họa động đất, sóng thần, các kế hoạch khẩn cấp trong lúc đó là gì...
Nói đâu xa, hãy tiết kiệm việc xây những tượng đài nghìn tỉ, những quảng trường tráng lệ, những cổng chào quy mô thì những căn nhà cho dân vùng lũ hoàn toàn đâu quá khó, quá xa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận