Dày đặc nhà cao tầng dọc bờ biển thành phố Nha Trang, Khánh Hòa - Ảnh: THANH TRÚC
UBND TP Nha Trang vừa kiến nghị tỉnh tạm dừng việc thỏa thuận phương án kiến trúc đối với các công trình khách sạn cao tầng cho đến khi quy định quản lý quy hoạch kiến trúc tại TP này được ban hành.
Việc cho xây nhiều công trình cao tầng, vượt trần, tạo "đô thị nén" ở TP Nha Trang đã từng được Hội Kiến trúc sư Khánh Hòa góp ý, cảnh báo nhiều lần. Đến nay, hậu quả, áp lực bởi tình trạng đó đã thành hiện thực và nguy cơ còn gia tăng.
Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Khánh Hòa - nguyên giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Nguyễn Văn Lộc đã trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ về vấn đề đang nóng đã nêu.
“Tất cả cư dân sống trong đô thị quá tải phải chịu đựng, phải trả giá cho việc cho xây dựng vượt quy hoạch như thế.
Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Khánh Hòa NGUYỄN VĂN LỘC
Ông Nguyễn Văn Lộc - Ảnh: P.S.N
Để "nước tới chân mới nhảy"
* Thưa ông, các năm qua Hội Kiến trúc sư Khánh Hòa và bản thân ông đã có nhiều góp ý, phản biện liên quan đến quy hoạch xây dựng TP Nha Trang. Ông nhận thấy thực trạng xây dựng các công trình, nhà cao tầng trên địa bàn TP Nha Trang hiện nay như thế nào?
- Với số lượng dự án khách sạn, nhà cao tầng được cấp phép đã và đang xây dựng tại TP Nha Trang cho tới nay, phải nói là bộc lộ nhiều bất cập, bất hợp lý và có nhiều dự án không tuân thủ quy định pháp luật về quy hoạch xây dựng và quy hoạch chung TP Nha Trang đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Về quy hoạch chung TP Nha Trang, ở dải đô thị ven biển, trong đó có các khu trung tâm, dọc các đường Trần Phú và Phạm Văn Đồng, theo quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ (số 1396/QĐ-TTg, ngày 25-9-2012), chỉ cho phép xây cao tối đa 40 tầng, mật độ xây dựng chỉ được 40%.
Thế nhưng, có rất nhiều dự án, công trình, trong đó có các dự án lớn dọc đường Trần Phú, Phạm Văn Đồng lại vi phạm rất nhiều về mật độ xây dựng.
Có thể nói, hầu hết dự án được tỉnh phê duyệt từ năm 2012 đến nay đều có mật độ xây dựng không dưới 60%. Có dự án còn cho xây dựng mật độ lên tới gần 70% so với quy định của Thủ tướng Chính phủ.
* Những sai phạm đối với quy hoạch, xây dựng nhà cao tầng ở TP Nha Trang như vừa nêu dẫn đến những hậu quả gì? Theo ông, việc UBND TP Nha Trang vừa đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa cho tạm dừng xây dựng các công trình khách sạn cao tầng có cần thiết?
- Từ việc cấp phép, cho xây dựng như vậy đã dẫn đến thực trạng có nhiều công trình cao tầng xây san sát nhau. Chẳng hạn, các khách sạn, chung cư, công trình cao tầng ở hẻm Tôn Đản, người ta cho rằng chỉ cần buộc sợi dây là có thể nhảy từ công trình này qua công trình khác dễ dàng.
Hoặc khu vực dọc đường Trần Phú, ở đoạn có các số nhà 100, có nhiều công trình tiếp giáp ở phía trước và phía sau được xây gần như dính nhau...
Còn về chiều cao công trình, quy định quy hoạch chung TP Nha Trang của Thủ tướng phê duyệt cho xây tối đa 40 tầng, như thế không có nghĩa là tất cả các công trình đều cho xây 40 tầng hết. Bởi trong quy hoạch kiến trúc và thiết kế đô thị phải có các quy định xây dựng để tạo cảnh quan, "nhịp điệu đô thị".
Tình trạng cứ cho xây dựng các công trình cao tầng tràn lan và xây kìn kìn 40 tầng như đã nêu là do quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc toàn đô thị của TP Nha Trang cho đến nay vẫn không được tỉnh Khánh Hòa ban hành đồng bộ, theo đúng quy định pháp luật và chấp hành đúng quyết định của Thủ tướng Chính phủ (1396/QĐ-TTg) phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung TP Nha Trang, đã được ban hành và có hiệu lực kể từ tháng 9-2012.
Đó cũng chính là vi phạm về quản lý quy hoạch, xây dựng đối với TP Nha Trang.
Vì vậy, đối với việc UBND TP Nha Trang vừa đề nghị tỉnh tạm dừng thỏa thuận cho xây dựng các khách sạn cao tầng trên địa bàn TP theo tôi là điều cần thiết. Thế nhưng, tôi nghĩ đến bây giờ UBND TP Nha Trang mới "lên tiếng" như thế là đã muộn.
Bởi lẽ, nếu thực hiện theo đúng các quy định pháp luật về quy hoạch xây dựng và chấp hành đúng quy định của Thủ tướng về điều chỉnh quy hoạch TP Nha Trang thì lẽ ra UBND TP Nha Trang phải có đề nghị ấy sớm hơn, ngay sau khi quyết định được nêu của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực từ năm 2012, chứ không phải để đến bây giờ "nước tới chân mới nhảy".
Tuy vậy, thà muộn vẫn còn hơn không...
Áp lực nhà cao tầng ngày càng tăng
Theo báo cáo của chủ tịch UBND TP Nha Trang, ngoài các khách sạn, công trình cao tầng đã được tỉnh Khánh Hòa cấp phép, đã hoặc đang hoàn thành xây dựng, hiện UBND TP Nha Trang còn đang tiếp nhận nhiều dự án, yêu cầu tham gia góp ý, thỏa thuận phương án quy hoạch kiến trúc của các công trình khách sạn trên địa bàn TP với số lượng ngày một tăng và đa số tập trung tại các khu vực nội thành, chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng để quản lý.
Cho xây dựng "ngược đời", dân cư phải trả giá
* Dân cư và đô thị Nha Trang phải chịu những hệ lụy gì bởi tình trạng cho phép và xây dựng nhiều nhà cao tầng trong khi thiếu quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc toàn đô thị đó, thưa ông?
- Tình trạng quản lý quy hoạch xây dựng như đã nêu dẫn đến hậu quả gây nhiều áp lực lên hạ tầng đô thị và xã hội TP Nha Trang hiện nay. Bởi, khi anh cho phép xây dựng mật độ quá cao, cộng với các công trình cao tầng quá nhiều thì dân số tự nhiên sẽ bùng phát.
Trong lúc đó, về quy hoạch người ta đã quy định mật độ dân số ở từng khu vực để đồng bộ với các quy hoạch hạ tầng đô thị và hạ tầng xã hội (như về giao thông, cấp điện, cấp nước sinh hoạt, thoát nước thải; bệnh viện, trường học...).
Vì vậy, bây giờ cứ cho xây dựng vượt trần, cho xây mật độ tăng lên sẽ dẫn đến mật độ dân số tăng theo không phù hợp với hạ tầng, rồi lại làm tăng mật độ giao thông, gây ách tắc đường sá, ảnh hưởng đến nhiều hoạt động khác của cư dân...
Tình trạng quá tải đó đã xảy ra nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp nào để điều tiết hiệu quả. Do đó, tất cả cư dân sống trong đô thị quá tải phải chịu đựng, phải trả giá cho việc cho xây dựng vượt quy hoạch như thế.
Đó là thực tế đã hiển hiện và mọi người dân ở TP Nha Trang đều thấy chứ không chỉ những người trong nghề kiến trúc, quy hoạch mới thấy.
Nhà cao tầng dọc bờ biển Nha Trang - Ảnh: THANH TRÚC
* Theo ông, có giải pháp nào để tránh được những hệ quả như ông vừa nói?
- Về quy hoạch, bản thân tôi khi còn làm giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa, chính tôi đã thấy bản đồ quy hoạch TP Nha Trang của chính quyền trước năm 1975 có các quy định rất rõ ràng.
Trong đó, có quy định xây dựng công trình theo "kiểu giật cấp", ở các khu vực gần phía ngoài biển thì phải xây dựng thấp rồi lùi dần về phía tây mới được cho xây cao dần lên. Nhiều người cũng khẳng định với tôi quy định xây dựng như thế cũng đã có từ thời Pháp.
Sau năm 1975, vào nhiệm kỳ của các lãnh đạo tỉnh cách nay đã xa, khi ông Nguyễn Thiết Hùng làm chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đã có chủ trương và quy định ở phía đông, phía tây giáp đường Trần Phú mật độ xây dựng phải thưa ra; các khách sạn, nhà khối cao tầng thì không được xây giăng ngang theo chiều đường ven biển, để tránh che hết tầm nhìn ra biển của các công trình, nhà ở phía sau.
Thế nhưng, từ năm 2012 đến nay, việc cấp phép xây dựng ở TP Nha Trang lại không quan tâm đến vấn đề đó. Bây giờ lại cho phát triển, xây dựng TP Nha Trang ở phía tây thì thấp tầng còn về phía đông, dọc các đường Trần Phú, Phạm Văn Đồng ven biển lại cho công trình cao tầng xây giăng ngang và xây cao tối đa, vượt trần.
Theo tôi, đó là một sự trái ngược, một kiểu quy hoạch xây dựng "ngược đời" mất rồi. Bởi, nếu ở các đường ven biển Nha Trang cứ cho tất cả các công trình xây cao đến 40 tầng thì các công trình, nhà dân ở ngay phía sau đó rồi sẽ ra sao?
Vậy mà đã có rất nhiều công trình cao tầng ở TP Nha Trang hiện vẫn được cấp phép, cho xây lên như thế...
Ông Phạm Văn Chi (nguyên chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa):
Nếu còn "nhồi" nhà cao tầng ven biển sẽ "chết" giao thông
Việc TP Nha Trang đề nghị tạm dừng thỏa thuận, cấp phép xây dựng khách sạn cao tầng trên địa bàn TP là có lý của UBND TP Nha Trang, bởi hiện đã và đang có tình trạng ai cũng muốn đổ xô về phía biển xây khách sạn, công trình cao tầng để kinh doanh.
Ở các khu vực dọc đường Trần Phú, Phạm Văn Đồng và các hẻm bên trong gần biển mà cứ cho và để xây các khách sạn, công trình cao tầng chót vót lên thì sẽ "chết" giao thông mà không có cách gì cứu nổi, sẽ kẹt cứng thôi.
Hiện tại, với số lượng khách sạn cao tầng và công trình cao tầng đã xây và đang cho xây tại các khu vực ở gần, dọc biển Nha Trang như vậy là đã đầy rẫy, quá nhiều rồi.
Vì vậy, trước mắt cứ dừng không cho xây thêm rồi tìm cách tháo gỡ, khắc phục, chứ nếu để "nhồi" thêm công trình cao tầng vào đó nữa là không có cách gì gỡ được.
Đối với dự án, công trình đã lỡ cấp phép trái quy định quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ, không đảm bảo mật độ xây dựng cho phép, không tuân thủ đúng quy chuẩn xây dựng về chiều cao, khoảng lùi, khoảng cách công trình... nhưng chưa xây dựng thì phải yêu cầu dừng lại ngay, thu hồi giấy phép đã lỡ cấp, nếu có thiệt hại phải xử lý, bồi thường theo đúng quy định pháp luật cho chủ dự án.
TP.HCM: không xây mới nhà cao tầng khu trung tâm
Nhà cao tầng tại trung tâm quận 1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tại TP.HCM, định hướng phát triển nhà ở được TP cụ thể hóa trong chương trình phát triển nhà ở và UBND TP đã phê duyệt nêu rất cụ thể như: tại quận 1 và quận 3 sẽ không phát triển các dự án mới đầu tư xây dựng nhà ở cao tầng đến năm 2020.
TP cũng quy định khu vực 11 quận nội thành hiện hữu gồm quận 4, 5, 6, 8, 10, 11, Tân Bình, Tân Phú, Phú Nhuận, Gò Vấp, Bình Thạnh sẽ tập trung chỉnh trang, nâng cấp đô thị, tập trung hoàn thiện các dự án dở dang.
Khi chưa có kế hoạch xây hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thì các quận nội thành hiện hữu sẽ hạn chế chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng nhà ở mới, chung cư cao tầng.
Từ nhiều tháng nay, không có dự án nhà cao tầng mới ở các quận trung tâm như quận 1, 3, Phú Nhuận, Bình Thạnh... nào được phê duyệt.
D.N.HÀ
Hà Nội: nhà cao tầng phá vỡ quy hoạch giao thông đô thị
Hà Nội đang "thất thủ" trong vấn đề giải quyết ùn tắc giao thông, khi có quá nhiều chung cư cao tầng mọc lên trên một tuyến phố, một khu đất hẹp.
Nhiều chuyên gia về đô thị cho rằng chính cách làm quy hoạch chạy theo dự án, theo chiều hướng vì lợi ích nhà đầu tư nhiều hơn lợi ích cộng đồng, đã phá vỡ hàng loạt quy hoạch giao thông, điện, nước tại nhiều khu dân cư.
Số liệu rà soát của Sở Xây dựng Hà Nội cho thấy trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 688 cụm, nhà chung cư cao tầng. Đó là chưa kể tới các dự án đã được cấp phép trong quy hoạch nhưng chưa xây dựng.
Trong số này không ít những cụm, nhà chung cư cắm sát mặt đường gây áp lực rất lớn lên hạ tầng giao thông đô thị.
Dù đang tồn tại nhiều bất cập trong công tác quy hoạch, cấp phép dự án nhà cao tầng, nhưng tháng 4-2018, khi công bố đồ án thiết kế đô thị hai bên đường vành đai 3 đoạn Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển, Sở Quy hoạch - kiến trúc TP đã bổ sung một loạt cao ốc từ 40-53 tầng làm điểm nhấn kiến trúc đồ án.
BẢO NGỌC
Đà Nẵng: dừng xây nhà cao tầng ở Thanh Khê, Hải Châu
Tại buổi làm việc với quận Thanh Khê, quận có mật độ dân số cao nhất TP Đà Nẵng, hồi giữa năm 2018, ông Trương Quang Nghĩa - bí thư Thành ủy - chỉ đạo TP cần nghiên cứu đưa ra phương án cải tạo, nâng cấp và quy hoạch lại không gian đô thị quận cho phù hợp, để giãn dân vì quận Thanh Khê có mật độ dân số hiện quá cao.
Vì thế các nhu cầu về giao thông, điện, nước, y tế, trường học, các thiết chế văn hóa dù đã được đầu tư nhưng không đáp ứng nổi.
Theo ông Nghĩa, trung tâm Đà Nẵng gồm hai quận Hải Châu, Thanh Khê sẽ được hạn chế, tạm dừng và tiến tới không được phép xây dựng nhà cao tầng.
Sau đó Thành ủy, UBND TP Đà Nẵng có thông báo, công văn chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp với các đơn vị, các quận nghiên cứu việc dừng, không cấp phép xây dựng các dự án nhà cao tầng trên địa bàn hai quận trên.
VIỆT HÙNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận