18/06/2018 12:11 GMT+7

Nhà báo và tin giả: Hậu quả đôi khi thảm khốc

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Theo khảo sát của báo Le Monde (Pháp), trên Facebook tin giả về chính trị và người tị nạn nhiều thứ hai chỉ sau tin sức khỏe. Bọn tung tin giả trên mạng xã hội hay lấy ảnh của sự kiện này gán ghép cho sự kiện khác.

Nhà báo và tin giả: Hậu quả đôi khi thảm khốc - Ảnh 1.

Người tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ đi về hướng Hi Lạp - Ảnh: Reuters

Điểm mới đáng lo ngại của nạn bóp méo thông tin hiện nay là mức độ và tốc độ phát tán chưa từng thấy, nhờ vào các phương tiện truyền thông xã hội và các nền tảng như Google hay Facebook.

Giáo sư Ivor Gaber (Đại học Sussex ở Anh)

Râu ông cắm cằm bà

Ngày 1-10-2017, vùng Catalonia ở Tây Ban Nha tổ chức trưng cầu ý dân về độc lập. Xung đột xảy ra giữa những người biểu tình với cảnh sát chống bạo động, 844 người bị thương. Xung đột là sự kiện có thật, nhưng nhiều hình ảnh đăng trên mạng xã hội hôm đó lại là ảnh giả. 

Một đoạn băng video đăng trên Twitter kèm câu ghi chú: "Cảnh sát Tây Ban Nha tấn công cử tri Catalonia". Thật ra đây là ảnh chụp cảnh sát Catalonia trấn áp người biểu tình phản đối thắt lưng buộc bụng tại Tarragona gần 5 năm trước.

Một bức ảnh trên Facebook mô tả cảnh sát tay giơ ma trắc, tay nắm xe lăn của một người đàn ông tật nguyền với lời bình: "Ngày Catalonia muốn bỏ phiếu vì độc lập. Đây là một trong những hình ảnh tôi hi vọng sẽ lan truyền khắp thế giới". Hóa ra ảnh này đã được đăng sáu năm trước, liên quan đến một cuộc biểu tình kêu gọi cải cách ở Madrid.

Một bức ảnh khác phát tán trên mạng xã hội ghi chú các nhân viên cứu hỏa đối đầu với cảnh sát ở Catalonia ngày 1-10-2017. Chính xác ảnh này do phóng viên Paco Serinelli của AP ghi nhận cuộc biểu tình phản đối cắt giảm chi tiêu ở Barcelona hôm 29-5-2013.

Hôm 20-3-2017, trang Facebook của Tổ chức SOS racisme-anti-blanc ở Pháp (chủ trương phản đối người tị nạn) đã đăng một bức ảnh với lời bình hàng ngàn người tị nạn đang tìm cách vượt biên giới Pháp - Ý ở Menton. 

Chỉ trong một ngày đã có hơn 2.000 lượt truy cập. Thật ra đây là ảnh do phóng viên Osman Orsal của Reuters chụp hôm 18-9-2015 tại Edirne (Thổ Nhĩ Kỳ). Những người tị nạn đang đi về hướng Hi Lạp, chứ không phải tại biên giới Pháp - Ý.

Nhà báo và tin giả: Hậu quả đôi khi thảm khốc - Ảnh 3.

Ảnh chụp cuộc biểu tình bất bạo động ở Madrid hôm 15-5-2011, không phải ảnh chụp trưng cầu ý dân ở Catalonia 1-10-2017 - Ảnh: Facebook

Học thuyết âm mưu

Ngày 1-10-2017, từ tầng 32 của khách sạn Mandalay Bay ở Las Vegas (Mỹ), hung thủ Stephen Paddock đã xả súng điên cuồng vào đám đông xem biểu diễn ca nhạc, sau đó đã tự sát. 58 người chết và gần 500 người bị thương. Sau vụ xả súng, nhiều bài viết và băng video phát tán trên mạng xã hội đã tung đủ thứ tin giả.

Đáng chú ý nhất là tin giả động trời của trang web cnn-internationaledition.com với tiêu đề "Cảnh sát đã bắt giữ nhân viên an ninh Jesus Compos, sát thủ thứ hai tại Las Vegas". Tin giả mạo nhận nguồn trích dẫn từ FBI, phía trên trang để logo CNN tương tự kênh truyền hình CNN. Hàng ngàn bạn đọc Mỹ bị mắc lừa vội vã chia sẻ tin giả trên YouTube và Facebook.

Nhiều trang blog sùng bái học thuyết âm mưu như beforeitsnews.com, infowars.com, yournewswire.com, zerohedge.com tiếp tục chia sẻ tin giả. Ngoài ra, còn có băng video phát trên mạng khẳng định có hung thủ thứ hai ở tầng 4 vì có ảnh chớp sáng tại cửa sổ tầng 4 lúc xảy ra vụ xả súng. Chỉ trong ba ngày đã có hơn 5 triệu lượt truy cập tin giả này.

FBI đã công bố báo cáo dày 80 trang kết luận chỉ có một hung thủ là Stephen Paddock, 64 tuổi, ở tầng 32. Trên thực tế có một nhân viên an ninh tên Jesus Campos (chứ không phải Compos), nhưng người này là nạn nhân bị hung thủ bắn bị thương ở tầng 32. Ngoài ra, nhiều yếu tố khác đã chứng minh "hung thủ thứ hai" chỉ là tin vịt.

Nhà báo và tin giả: Hậu quả đôi khi thảm khốc - Ảnh 4.

Người Hồi giáo xuống đường tại bang Tây Bengal (Ấn Độ) đầu tháng 7-2017 - Ảnh: PTI

Tin giả kích động bạo loạn

Tin giả không vô hại, mà có khi gây ra hậu quả thảm khốc. Đầu tháng 7-2017, mạng xã hội lan truyền tin giả về người tị nạn Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ tấn công phụ nữ. Tại Ankara, người dân đã tràn ra đường bao vây thanh niên nước ngoài và đập phá cửa hàng của người Syria. Gần 200 cảnh sát được điều động trấn áp bạo loạn. 

Cuối cùng có 7 người Syria và người Thổ Nhĩ Kỳ gốc Iraq bị thương. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, nhiều tin giả đổ vấy tội cho người tị nạn Syria như dân Syria ở bẩn, kém giáo dục, được ưu ái hơn dân Thổ và vì họ tràn ngập mà giá nhà tăng, tiền lương giảm.

Cũng vào đầu tháng 7-2017, xung đột bùng nổ tại bang Tây Bengal (Ấn Độ) làm 1 người chết, 12 người bị thương. Nguyên nhân xuất phát từ một bức ảnh giả đã qua chỉnh sửa đăng trên Facebook về hai người đàn ông quan hệ tình dục tại Kaaba, một trong những thánh địa linh thiêng của đạo Hồi ở Mecca (Saudi Arabia). 

Cộng đồng Hồi giáo ở thành phố Baduria phẫn nộ. Hàng trăm người xuống đường phóng hỏa đốt cửa hàng của người Ấn giáo. Cậu thanh niên 17 tuổi phát tán ảnh giả đã bị cảnh sát bắt giữ và đưa đến nơi bảo vệ an toàn.

Sau đó, xung đột tiếp tục lan rộng sau khi trên mạng xã hội phát tán thêm nhiều thông tin bịa đặt mang tính chất kích động. Một tài khoản tung tin trên Facebook người Hồi giáo đã tấn công nhiều phụ nữ Ấn giáo. Kèm theo đó là bức ảnh một phụ nữ bị giật áo choàng trước đám đông. 

Trang web Alt News (Ấn Độ) chuyên vạch mặt tin giả khẳng định đây là ảnh lấy từ phim. Người phát tán ảnh giả đã bị bắt vì kích động bạo lực.

Ông Pratik Sinha, người đồng sáng lập trang Alt News, nhận xét dân nông thôn Ấn Độ vốn không quen sử dụng mạng xã hội nên không đủ khả năng sàng lọc thông tin. 

Ông kêu gọi: "Hiện nay, đang trong giai đoạn tin giả lan truyền trên mạng xã hội sẽ phát tán ngay và có thể dẫn đến hậu quả thực sự. Vì vậy, báo chí Ấn Độ, đặc biệt truyền hình, phải đánh giá nghiêm túc vấn đề này và suy nghĩ các biện pháp đấu tranh chống tin giả".

Trùm khủng bố Bin Laden còn sống?

Tháng 2-2018, một số trang web "ba xạo" như BuzzActu, Africa24 đăng trên Facebook cho biết cựu nhân viên CIA Bradley Thompson "tiết lộ" CIA đã đạo diễn cái chết của Bin Laden, rồi chuyển Bin Laden cùng gia đình đến quần đảo Bahams, sau đó đưa về New York. Bradley Thompson còn cho xem ảnh chụp Bin Laden đứng cạnh bà Susan Rice, nguyên cố vấn an ninh quốc gia.

Bản tin giả còn bịa ra lời cựu nhân viên Cục An ninh quốc gia Edward Snowden nói CIA cấp cho Bin Laden mỗi tháng hơn 100.000 USD và năm 2013 Bin Laden sống bình yên trong biệt thự với 5 người vợ và con cái.

Tin "Bin Laden còn sống" thật ra chỉ là tin vịt. Theo trang web Snopes (Mỹ) chuyên vạch mặt tin giả, ảnh là ảnh ghép, không có cựu nhân viên CIA tên Bradley Thompson và câu nói của Edward Snowden cũng bịa đặt.

__________

Kỳ tới: Lập lờ đánh lận con đen

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên