Ngoài những lời động viên, cảm ơn dành cho Tuổi Trẻ, ngoài mong muốn có thêm nhiều tuyến bài ấn tượng như thế, bạn đọc còn tha thiết bày tỏ mong muốn các cơ quan chức năng không là "người đến sau" trong những vấn đề nhức nhối này. Và nếu đã "đến sau", khi truyền thông đã thu thập nhiều chứng cứ, thì xin các cơ quan chức năng hãy có những "chuyển động" mạnh mẽ, quyết liệt để không "lệch pha" với mong mỏi của người dân.
Tuổi Trẻ Online trích đăng một số ý kiến.
Phóng to |
Tuyến phóng sự điều tra xăng dầu dỏm trên Tuổi Trẻ thu hút đông đảo bạn đọc |
Kỳ 1: Vào lò xăng dỏm Kỳ 2: Nấu dầu lậu trong rừng tràm Kỳ 3: Đường đi của xăng dỏm Kỳ 4: Chân dung “đầu nậu” xăng dỏm
Đáng khâm phục
Hằng ngày Tuổi Trẻ mang lại tin tức kịp thời cho rất nhiều bạn đọc, báo đã phản ánh được cái tốt cái xấu trong cuộc sống, dám nói lên những tồn tại trong mọi lĩnh vực, mọi tầng lớp trong xã hội. Cá nhân tôi rất thán phục những phóng viên đã góp phần làm lên trang báo Tuổi Trẻ.
Khi đọc bài Chuyện chưa kể về phóng sự điều tra xăng dầu dỏm, tôi càng thấm thía và hiểu hơn tại sao có những người làm được như vậy. Trong bài viết ấy, đặc biệt nhất là cảm xúc của các tác giả trong câu: "Nói thật, đời làm báo, chỉ cần nhận được một bức thư như thế là thấy hạnh phúc, quên hết những vất vả, nguy hiểm. Và cũng nhân đây xin gửi một lời cảm ơn đến chị, dù biết nhưng đã không truy vấn, đồng thời cũng xin lỗi vì đã không thể nói thật với chị".
Trong lúc xã hội còn nhiều người làm nghề mà không yêu nghề, không trọn vẹn trách nhiệm nghề nghiệp, chỉ lợi dụng nghề nghiệp để toan tính cá nhân thì sự tâm huyết với nghề nghiệp, sự khiêm tốn của các phóng viên Tuổi Trẻ càng thật đáng khâm phục.
Cần lắm những phóng sự như thế
Điều mong muốn của độc giả là rất mong các anh chị phóng viên của Tuổi Trẻ sẽ có nhiều bài viết hay hơn, sâu sắc hơn, phản ánh đúng sự thật và phanh phui ra nhiều kiểu làm ăn gian lận của những kẻ mất lương tâm, tìm mọi cách làm giàu bất chính.
Chắc chắn còn rất nhiều kẻ đang kinh doanh bất chính, cũng còn nhiều kiểu nhũng nhiễu và ăn hối lộ trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Mong Tuổi Trẻ sẽ còn nhiều bài viết phản ánh đúng, nhanh, không ngại lực cản của những kẻ có thế lực, góp phần làm trong sạch bộ máy lãnh đạo, làm giảm đi tệ nạn xã hội đang gây nhức nhối dư luận. Chúc toàn thể cán bộ, nhân viên và các anh chị phóng viên nhiều sức khỏe và có nhiều bài viết hấp dẫn độc giả.
Xin đừng mãi là "người đến sau"
Niềm tin, niềm hi vọng của nhà báo, của người dân là các cơ quan chức năng vào cuộc. Đừng nên vụ việc nào mình cũng là người "đến sau". Đó chính là động lực cho những người làm báo. Xin cảm ơn Tuổi Trẻ.
Quản lý đâu?
Hàng loạt bài báo phanh phui vụ xăng dỏm, xăng pha chế từ nước lã bị các nhà báo Tuổi Trẻ kiên trì đeo bám phanh phui, không ngại khó, ngại khổ và nguy hiểm để làm nên loạt bài phóng sự có hình ảnh, nhân chứng cụ thể.
Hiện có cả một hệ thống từ tổ an ninh khu phố, công an khu vực, công an quận, công an thành phố, quản lý thị trường các cấp quản lý an ninh trật tự... vậy mà việc pha chế xăng dỏm tồn tại nhởn nhơ không ai hay biết, trong khi hằng ngày các loại xe bồn ra vào thường xuyên tại khu vực đó.
Đề nghị lãnh đạo có thẩm quyền cần xem xét xử lý nghiêm khắc lãnh đạo chính quyền nơi tồn tại việc pha chế xăng dỏm trên và cho đăng báo công khai việc xử lý. Có như vậy người dân mới nhiệt tình tố giác tội phạm.
Buồn - vui lẫn lộn
Phải nói người dân chúng tôi rất vui khi biết được một điểm kinh doanh xăng dầu bẩn đã được Tuổi Trẻ phanh phui. Nhưng cũng rất buồn khi phản ứng của chính quyền quá chậm.
Đến thời điểm này sao chưa nghe được một lời chỉ đạo quyết liệt nào để xử lý vụ bê bối này từ những người có chức trách?
Phải làm cho tới
Tình trạng xăng dầu chở đi, sau đó được tráo thành xăng dỏm dường như phổ biến hiện nay, gây nên bao tai nạn đáng thương cho người tiêu dùng. Kẻ không có lương tâm vẫn được hưởng lợi mà cơ quan quản lý thì cứ như thờ ơ, không làm cho tới chuyện này.
Để khắc phục, chấn chỉnh việc này, theo tôi, trước tiên doanh nghiệp khi sản xuất xăng đã được đo tiêu chuẩn kỹ lưỡng khi xuất xăng đi, cần giám định kỹ khi chuyển xăng vào xe bồn. Vậy khi xe chở đi, người chở sẽ phải có trách nhiệm với loại xăng họ đã chở. Nếu xăng có vấn đề, họ sẽ phải chịu hình phạt trước pháp luật.
Cần chú trọng khi xăng đến tận nơi giao hàng, phía nhận xăng cần kiểm tra kỹ lưỡng để biết xăng nhập về có bị pha chế thành xăng dỏm hay không.
Cơ quan cấp bán xăng phải có trách nhiệm hướng dẫn họ trong việc kiểm tra xăng. Nếu không làm đúng trách nhiệm hướng dẫn, cơ quan cấp bán xăng cũng phải chịu trách nhiệm là kẻ tòng phạm.
Có như vậy mới có thể giới hạn được tình trạng bán xăng dỏm.
Đợi đến bao giờ?
Đúng là phóng sự của Tuổi Trẻ bao giờ cũng rất công phu, rất thuyết phục, bởi luôn hướng đến những vấn đề gay gắt trong xã hội. Người thực hiện các bài viết cũng luôn phải đối đầu với nguy hiểm như trên chiến trường. Đọc các phóng sự này, ai cũng sướng và rất bức xúc trước những hành vi vô liêm sỉ của các đối tượng.
Nhưng giải quyết hậu quả, đưa tội phạm ra vành móng ngựa và hơn cả là chấm dứt được các hiện tượng trên thì bao giờ các cơ quan chức năng mới làm được?
Hãy có động thái tích cực
Tôi đang là sinh viên nên thường xuyên đi lại bằng xe máy. Trong thời gian qua, có rất nhiều vụ cháy xe gây hậu quả nghiêm trọng cho người điều khiển và những người xung quanh. Tôi đã thật sự không hiểu vì sao nguyên nhân của các vụ cháy xe đó không được cơ quan chức năng làm đến nơi đến chốn.
Rất cảm ơn báo Tuổi Trẻ đã đưa ra những bằng chứng không thể chối cãi này trong việc làm xăng dầu dỏm. Hi vọng qua những bài báo này, các cơ quan chức năng sẽ có những động thái tích cực để người dân tin tưởng và yên tâm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận